10/01/2017 00:42 GMT+7

Xem 18 bảo vật quốc gia quý giá tại bảo tàng lịch sử

V.V.TUÂN
V.V.TUÂN

TTO - Ngày 10-1, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ tổ chức trưng bày 18 bảo vật quốc gia Việt Nam để khách tham quan được khám phá những câu chuyện lịch sử, văn hóa của bảo vật quốc gia.

Sách Đường Kách mệnh
Sách Đường Kách mệnh

Đây đều là những bảo vật quý giá, có thể kể đến như: 

Trống Ngọc Lũ bằng đồng, thuộc văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.000-2.500 năm, là chiếc trống đẹp nhất, nguyên vẹn nhất và có hình dáng cân đối, hài hòa nhất trong những trống Đông Sơn đã phát hiện.

Hoa văn trang trí trên trống rất phong phú, hoàn hảo, tinh mỹ. Ngoài các môtip hoa văn hình học còn có các vành, băng hoa văn chính tả thực cảnh diễu hành hóa trang, hát đối đáp, đánh trống, giã gạo, hình nhà cầu mùa, nhà sàn, hình thuyền chiến với các chiến binh đang thực hiện nghi lễ hiến tế, hình các loài động vật như hươu, các loài chim...

Trống đồng Hoàng Hạ, bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, được phát hiện tại xóm Nội Thôn, làng Hoàng Hạ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội). Trống đồng Hoàng Hạ có kiểu dáng, đề tài hoa văn trang trí độc đáo và còn khá nguyên vẹn.

Trống đồng Cảnh Thịnh
Trống đồng Cảnh Thịnh

Thạp Đào Thịnh bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, là chiếc thạp có kích thước lớn nhất, hoa văn trang trí phong phú, chặt chẽ, tinh mỹ và độc đáo.

Trên nắp thạp có gắn đối xứng tâm bốn khối tượng nam nữ đang giao hoan với bộ phận sinh dục của người đàn ông được nhấn mạnh bằng cách phóng đại so với tỉ lệ cơ thể, phản ánh tín ngưỡng phồn thực với khát vọng vạn vật sinh sôi nảy nở của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Tượng hai người đàn ông cõng nhau thổi khèn bằng đồng là pho tượng sinh động nhất trong hệ thống tượng tròn Đông Sơn. Tượng miêu tả hai người đàn ông đóng khố, đầu chít khăn, đeo khuyên tai lớn chạm vai. Người cõng trong tư thế khom lưng, hai tay vòng ra sau ôm đỡ người ngồi trên  lưng, hai chân như đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Người được cõng đang say sưa thổi khèn.

Tượng được thể hiện theo khối thủng, có nhiều góc cạnh và nhiều đường cong lượn, đòi hỏi kỹ thuật khuôn đúc phức tạp. Bởi vậy, pho tượng không chỉ là bằng chứng về một loại hình âm nhạc truyền thống dân tộc đã được khởi nguồn từ văn hóa Đông Sơn mà còn phản ánh đời sống tinh thần phong phú, sự lạc quan, yêu đời cũng như trình độ đúc đồng đỉnh cao của người Việt cổ.

Cây đèn hình người quỳ
Cây đèn hình người quỳ

Cây đèn hình người quỳ bằng đồng, thuộc văn hóa Đông Sơn, được thể hiện theo hình tượng một người đàn ông mình trần đóng khố tư thế đang quỳ, hai tay nâng đĩa đèn. Tượng có khuôn mặt bầu, mắt mở to, miệng hơi mỉm cười, quanh môi có ria mép. Đầu tượng được gắn vương miện, tóc để chỏm.

Hai vai và sau tượng gắn 3 cành chữ S, mỗi cành chữ S đỡ một đĩa đèn và gắn 1 hình người đang quỳ. Trên hai đùi và đằng sau người đàn ông có 4 nhạc công cũng ở tư thế quỳ, hai nhạc công đang thổi sáo. Cánh tay, cổ tay có đeo trang sức, tai đeo hoa hình khuyên to tròn. Trên vai và quanh bụng được trang trí những môtip chuỗi hoa sen.

Mộ thuyền Việt Khê, thuộc văn hóa Đông Sơn, là loại quan tài bằng thân cây khoét rỗng, có kích thước lớn nhất trong số những mộ thuyền đã phát hiện ở Việt Nam. Bên trong mộ chứa 109 đồ tùy táng gồm chủ yếu là đồ đồng, bao gồm các loại hình vũ khí, nhạc khí, công cụ lao động và đồ dùng sinh hoạt.

Mộ thuyền Việt Khê
Mộ thuyền Việt Khê

Bia Võ Cạnh, thuộc văn hóa Champa, tấm bia cổ nhất Đông Nam Á, là khối đá có hình trụ đứng. Trên 3 mặt khắc chữ Sanskrit. Đây là tấm bia cổ nhất còn lại của vương quốc cổ Champa.

Chuông chùa Vân Bản, thời Trần là chiếc chuông cổ nhất, đồng thời có kích thước lớn nhất, uy nghi nhất của nền văn minh Đại Việt.

Chuông Vân Bản
Chuông Vân Bản

Ngoài ra còn nhiều hiện vật khác như: ấn đồng Môn hạ sảnh ấn, thời Trần, niên hiệu Long Khánh thứ 5 (1377); bình vẽ thiên nga bằng gốm hoa lam, thời Lê Sơ, thế kỷ 15; bia điện Nam Giao bằng đá, thời Lê Trung hưng, năm Vĩnh Trị 4 (1679); trống Cảnh Thịnh bằng đồng, thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh năm 1800; ấn Sắc mệnh chi bảo bằng vàng, thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 8 (1827); tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh; sách Đường Kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc; bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem thêm một số hình ảnh bảo vật quốc gia khác - Ảnh: Bảo tàng Lịch sử cung cấp

Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo
Ấn vàng Sắc mệnh chi bảo
Ấn đồng Môn hạ sảnh ấn
Ấn đồng Môn hạ sảnh ấn
Bia Võ Cạnh
Bia Võ Cạnh
Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Ngọc Lũ
Trống đồng Hoàng Hạ
Trống đồng Hoàng Hạ
Thạp đồng Hào Thịnh
Thạp đồng Đào Thịnh
Tượng hai người cõng nhau thổi khèn
Tượng hai người cõng nhau thổi khèn
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga
Bình gốm hoa lam vẽ thiên nga
Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Bản thảo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến
Bia điện Nam Giao - Niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, đời vua Lê Hy Tông -1679
Bia điện Nam Giao - niên hiệu Vĩnh Trị thứ 4, đời vua Lê Hy Tông - 1679
Ấn Đại Việt quốc Nguyễn Chi Bảo
Ấn Đại Việt quốc Nguyễn Chi Bảo
Thống gốm hoa nâu, thời Trần
Thống gốm hoa nâu, thời Trần

 

 

V.V.TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên