Cuộc họp tại Tỉn Keo quyết định mở chiến cuộc Đông Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ
- Ảnh tư liệu
Cuộc họp ở Tỉn Keo
Tỉn Keo là một bản nhỏ của xã Lục Rã (nay là xã Phú Đình) thuộc ATK Định Hóa. Tỉn Keo trong tiếng Tày nghĩa là chân đèo. Đây là một quả đồi hình đầu ngựa, nằm dưới chân đèo De, núi Hồng. Từ đây có đường mòn chỉ vài kilômet để sang Tân Trào (Tuyên Quang) hoặc đi khoảng 20km để sang ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn). Các cuộc họp của Bác Hồ và Bộ Chính trị tại Tỉn Keo cuối năm 1953 chính là khởi nguồn để quân và dân ta mở ra chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ sử học Đồng Khắc Thọ kể: được sự thỏa thuận của Mỹ, từ ngày 7-5-1953, Pháp cử đại tướng Nava - tham mưu trưởng lục quân khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) - sang Đông Dương làm tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp. Một kế hoạch mới được vạch ra mang tên Nava.
Số phận của Nava đã được định đoạt ở cuộc họp Tỉn Keo
Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tháng 8-1953, Bộ Tổng tham mưu hoàn thành bản kế hoạch tác chiến trình Tổng quân ủy. Đây là bản phác thảo đầu tiên kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953-1954.
Đầu tháng 10-1953, Hội nghị Bộ Chính trị họp tại đồi Tỉn Keo dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tham dự cuộc họp có Tổng bí thư Trường Chinh, Phó thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, phó tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đề ra cho bộ đội ta phương châm hành động là "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt" và phép dùng binh phải "thiên biến vạn hóa".
"Số phận của Nava đã được định đoạt ở cuộc họp Tỉn Keo", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận định như vậy về tầm quan trọng của cuộc họp này.
Ngày 6-12-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục chủ tọa Hội nghị Bộ Chính trị để nghe Tổng quân ủy báo cáo quyết tâm tiến công Điện Biên Phủ.
Đầu năm 1954 tại đồi Nà Đình, Khuôn Tát (cách lán Tỉn Keo 1,2km), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp cầm quân đi chiến dịch Điện Biên Phủ. Bên gốc đa Khuôn Tát ngày nay, vẫn còn tấm bia lớn với những dòng ghi lời Bác nói ngày ấy: "Tổng tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong đảng ủy, cứ quyết định rồi báo cáo sau".
Nhưng Bác căn dặn thêm: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh vì bại thì hết vốn".
"Vì căn dặn đó, khi ra chiến trường Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có quyết định táo bạo chuyển từ đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc" - ông Thọ nói.
Tấm bia dưới cây đa Khuôn Tát ghi lời dặn của Bác Hồ khi giao nhiệm vụ cho tướng Giáp cầm quân đi chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Đức Bình
Diễn tập đánh Điện Biên Phủ
Trước khi diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta còn tổ chức diễn tập đánh tập đoàn cứ điểm tại xã Đồng Thịnh trong AKT Định Hóa.
Theo lời kể của ông Thọ, vào cuối năm 1953 trời giá lạnh, bộ binh, phòng không, sơn pháo, quân y tập kết ở các xã Bảo Linh, Định Biên, Trung Lương với quân số 700-800 người. Xóm Bản Soi, đèo Tọt và Đồng Làn là nơi diễn tập chính. Trung tâm sở chỉ huy địch đóng tại xóm Bản Soi, cánh đồng Sìn là nơi bố trí các ụ súng của "địch", được nối với nhau bằng giao thông hào. Phía bắc Bản Soi có đồi Nghè, đào hầm cố thủ, bên trong có đặt súng đại liên và lỗ châu mai. Con suối Đồng Thịnh được làm cầu gỗ bắc qua cho bộ đội tiến đánh "sở chỉ huy địch". Một sân bay chếch về phía đông bắc, ngoài ra còn có đường hào tiến công ở phía trước, một đường hào chạy về hậu cứ và hệ thống lô cốt, hỏa điểm...
Chuẩn bị mất một tuần nhưng trận diễn tập chỉ diễn ra hai ngày đêm giữa quân "ta" (đỏ) và quân "địch" (xanh). Trong diễn tập có sử dụng cả súng bộ binh tháo đầu đạn, bộc phá ống đánh lô cốt, phá hàng rào dây thép gai... cùng tiếng kèn xung trận trên đồi Pá Chỏ.
"Xã Đồng Thịnh có cánh đồng khá bằng phẳng với nhiều đồi bát úp, có dãy núi Hồng, núi Nản bao quanh, con suối Đồng Thịnh uốn lợn giữa cánh đồng Sìn giống như một Điện Biên Phủ giữa lòng Việt Bắc" - ông Thọ nói (điều này cũng được ghi lại trong cuốn sách ATK in dấu lịch sử).
Ông Thọ khẳng định trận đánh giả năm ấy chính là diễn tập để quân và dân ta đánh tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng lúc ấy, không ai được biết đó là trận diễn tập cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Bác Hồ viết Sửa đổi lối làm việc
Tiếp câu chuyện quanh những địa danh lịch sử ở ATK Định Hóa, ông Thọ không quên nhắc lại "Phủ chủ tịch đầu tiên" tại Việt Bắc, đó là lán Khau Tý nơi Bác ở và làm việc trên đồi Khau Tý (xã Thanh Định, nay là xã Điềm Mặc). Tại đây Bác đã viết Sửa đổi lối làm việc.
Theo ông Thọ, Bác viết cuốn sách Sửa đổi lối làm việc với bút danh X.Y.Z, với mong muốn có tài liệu để cán bộ, đảng viên khắc phục thói quan liêu, xa rời dân. Cuốn sách nói được những vấn đề cần kíp với cán bộ, đảng viên gồm các chương: phê bình và sửa chữa, mấy điều kinh nghiệm,tư cách và đạo đức cách mạng, vấn đề cán bộ, cách lãnh đạo, chống thói ba hoa...
"Cuốn sách ra đời trở thành tác phẩm lý luận gối đầu giường của nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên thời kháng chiến chống Pháp. Bác Hồ viết xong bản thảo ngày 10-7-1947, nhưng trên đường di chuyển sang Võ Nhai, Người lại tiếp tục chỉnh sửa. Những bài học Bác Hồ chỉ ra trong sách ấy đến bây giờ vẫn còn nóng hổi, thấm thía" - ông Thọ nói.
Võ Nguyên Giáp thụ phong đại tướng
Di tích đồi Pụ Đồn hay còn gọi là Đồi phong tướng - Ảnh: V.V.TUÂN
13h ngày 28-5-1948 tại đồi Pụ Đồn, ATK Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì lễ thụ phong chức đại tướng đầu tiên của quân đội ta cho Võ Nguyên Giáp, tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ Việt Nam.
Trong một căn nhà dựng bên suối lớn có bàn thờ Tổ quốc, xung quanh treo các khẩu hiệu: "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi", "Thống nhất độc lập nhất định thành công", Bác Hồ tay cầm sắc lệnh gọi Võ Nguyên Giáp lên trước bàn thờ rồi nín lặng, sụt sùi rơi nước mắt... Giây lâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới cất được tiếng mà tuyên bố: "Nhân danh Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, trao cho chú chức vụ đại tướng để chú điều binh khiển sĩ làm trọn sứ mạng mà quốc dân phó thác cho".
>> Kỳ tới: Người dân ATK với Bác Hồ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận