Buổi thuyết trình và thảo luận tiêu biểu của Diễn đàn Paris về hòa bình - Ảnh: M.TRUNG
Đây là khoảng thời gian hết sức thú vị trong lĩnh vực công nghệ, và cũng hết sức nguy hiểm.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith
Người còn ướt sũng nước mưa, cô Ariel Toh - giám đốc Trung tâm Sáng kiến vì giải pháp bền vững (ICS, Vương quốc Anh) - vui vẻ cho biết cô tham dự Diễn đàn Paris để tìm kiếm kết nối cho các dự án phát triển bền vững của ICS.
"Do sự kiện tổ chức năm đầu tiên, tôi hi vọng sẽ học được nhiều thứ bổ ích" - Ariel chia sẻ với Tuổi Trẻ.
Một sáng kiến thú vị
Nằm ở khu vực đông bắc thành phố Paris, Grande Halle de la Villette xưa kia từng là một lò mổ, nhưng ngày nay là một trung tâm văn hóa. Trong 3 ngày, nơi đây tiếp đón đến 2.500 khách mời đến từ khắp thế giới, trong đó có không ít nguyên thủ cấp cao như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan...
Nhà báo Erjon Dervishi từ Albania nhận xét Diễn đàn Paris là một sáng kiến thú vị và nên được duy trì thường niên như mục tiêu ban tổ chức đặt ra.
"Hiện nay, Liên Hiệp Quốc đã không còn là một tổ chức quốc tế hiệu quả, Hội đồng Bảo an cần phải cải tổ lại, các tổ chức đa phương khác cũng vậy... Do đó, sáng kiến của Pháp thúc đẩy nền quản trị tốt và kết nối thế giới với nhau là đáng hoan nghênh" - anh Erjon nhận xét.
Theo quan sát của truyền thông quốc tế, Diễn đàn Paris không quá mang đậm màu sắc "phương Tây", 120 dự án - ý tưởng được chọn lựa từ 42 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế đủ nói lên sự đa dạng.
Theo học giả Célia Belin thuộc Viện Brookings, người Pháp không giấu tham vọng biến đây thành một sự kiện thường niên ngang tầm Hội nghị an ninh Munich, Đối thoại Shangri-La hoặc Diễn đàn Davos - nơi các cuộc thảo luận quyết định số phận thế giới diễn ra. "Một phong cách rất Macron" - bà nhận xét.
Đến từ Indonesia, nhà báo Ati Nurbaiti của tờ Jakarta Post cho biết mối quan tâm chính của bà tại Diễn đàn Paris là các vấn đề gần gũi như bảo vệ quyền phụ nữ, người tị nạn và môi trường. Còn nhà báo John Nery thuộc tờ Inquirer của Philippines theo đuổi chủ đề an ninh mạng, biến đổi khí hậu...
Các buổi thảo luận diễn ra liên tục từ sáng đến tối kiểu marathon là "đặc sản" của Diễn đàn Paris, và khách mời có thể chọn bất cứ chủ đề nào mình quan tâm để tham dự.
Nóng an ninh mạng
12h30 trưa, buổi thảo luận mang chủ đề "Kiến tạo hòa bình trong không gian ảo" dưới sự chủ trì của ông Brad Smith - chủ tịch Tập đoàn Microsoft, bà Marina Kaljurand - chủ tịch Ủy ban Toàn cầu về ổn định không gian ảo và Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khép lại với nhiều trao đổi thú vị.
"Cuộc cách mạng kỹ thuật số đã mang lại cho chúng ta bao cơ hội tuyệt vời. Nhưng hiện nay, không có ngày nào trôi qua chúng ta không phát hiện gián điệp, phá hoại và những can thiệp khác trong không gian ảo" - Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đặt vấn đề.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith kể ông thường trao đổi với quan chức chính phủ các nước về chiến tranh mạng, đôi khi những vị này nói "chúng tôi không cần lo" vì tấn công mạng chỉ là "máy móc tấn công máy móc", không phải máy móc tấn công người.
Ông Smith không đồng ý. "Đó là một vấn đề, bởi vì con người chính là nạn nhân của các vụ tấn công mạng" - chủ tịch Microsoft nhấn mạnh.
Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ, đại diện Tập đoàn Microsoft tại diễn đàn đồng tình rằng an ninh mạng liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia, tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ cách vận dụng luật quốc tế về an ninh mạng được hiểu rất khác nhau ở mỗi nước, do đó cuộc chiến không gian ảo đang ngày càng phức tạp hơn và thậm chí bị lợi dụng cho các mục đích khác. Vụ bê bối can thiệp bầu cử ở Mỹ năm 2016 là một ví dụ.
Vì lý do trên, các doanh nghiệp công nghệ như Microsoft ủng hộ việc tiếng nói của nhiều tầng lớp xã hội được lắng nghe, cũng như cùng tham gia với các chính phủ trong sứ mệnh bảo vệ niềm tin, an ninh và ổn định trong không gian ảo, vị đại diện Microsoft chia sẻ.
850 sáng kiến, giải pháp gửi về diễn đàn
Trong số 850 sáng kiến, giải pháp hành động thuộc các lĩnh vực gửi về từ khắp thế giới, Ủy ban đánh giá của Diễn đàn Paris chọn ra 120 đề án xuất sắc nhất của 42 quốc gia và 10 tổ chức quốc tế để trình bày và thảo luận trong 3 ngày sự kiện.
Một số dự án tiêu biểu được giới thiệu còn bao gồm "Làm nông theo phương pháp thuận tự nhiên và không tốn chi phí trong điều kiện khí hậu biến đổi" của đại diện Rythu Sadhikara Samstha từ Ấn Độ; "Nam cực 2020" của Tổ chức Ocean Unite kêu gọi bảo vệ một khu vực quan trọng của Trái đất; "Hợp tác khu vực trong việc quản lý các đại dương" của Viện nghiên cứu chính sách IDDRI nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên biển và giảm thiểu ô nhiễm...
Hôm nay (13-11), Diễn đàn Paris về hòa bình lần 1 sẽ khép lại ngày thảo luận cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận