12/02/2024 09:12 GMT+7

Thơ mộng làng hạnh phúc 'cơm chung nồi, tiền chung túi' Thái Hải

Dưới những tán cây xanh, 30 nếp nhà sàn mộc mạc của làng Thái Hải (TP Thái Nguyên) hiện lên trong sương sớm. Hơn 20 năm trước, một người phụ nữ đã biến vùng đồi hoang vu thành bản làng hạnh phúc.

Thăm bản làng hạnh phúc ‘ăn chung nồi, tiền chung túi’

Du khách mừng Tết cơm mới cùng người dân làng Thái Hải - Ảnh: THÁI HẢI

Du khách mừng Tết cơm mới cùng người dân làng Thái Hải - Ảnh: THÁI HẢI

Có nhiều yếu tố để tạo ra hạnh phúc cho bà con Thái Hải. Hạnh phúc từ việc giữ rừng cùng những cây keo, cây cọ, lũy tre do dân làng vun trồng từ 20 năm trước. Hạnh phúc vì cả làng cùng làm, "cơm ăn chung một nồi, tiền tiêu chung một túi".

Và đặc biệt, những đứa trẻ ở làng được đi học đã quay về góp sức cho bản làng, người dạy chữ, người làm du lịch, góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc đến bạn bè thế giới, đưa Thái Hải trở thành mô hình của làng du lịch cộng đồng.

Một ngày ở làng hạnh phúc

Rảo bước trên con đường thơ mộng giữa hàng cây xanh mát, chị Lê Thị Nga - phó làng Thái Hải - dừng lại trước chiếc mõ làng có tuổi đời bằng chính tuổi làng. Tự tay gõ, tiếng mõ vang vọng khắp núi rừng, phó làng Thái Hải dẫn "khách vàng, khách bạc" đến chơi với bà con dân bản. Và rồi, những nếp nhà sàn cổ của dân tộc Tày dần hiện ra trong làn sương sớm như níu chân người đến thăm.

Ngay cạnh sân làng là "ngôi nhà sàn di sản" với nghề làm chè xanh truyền thống, cả nhà bà Nông Thị Hảo (60 tuổi) cùng nhau sao chè phục vụ dân làng, vừa làm quà cho du khách. Bên bếp lửa đang đượm, du khách được thưởng thức cốc nước chè xanh với thức chè lam dẻo thơm. Quây quần xung quanh là các bà, các chị đang ngân nga điệu then chào mừng khách quý đến chơi.

Bà Trựa (84 tuổi) - người làng Thái Hải

Bà Trựa (84 tuổi) - người làng Thái Hải

Gần trưa, bà Hảo xếp những hộp bánh chè lam được gói cẩn thận vào giỏ tre để mang ra nơi giới thiệu các sản vật của làng, rồi xách một giỏ bát đĩa ra quầy ẩm thực lấy cơm trưa. Ở Thái Hải, đều đặn ngày ba bữa cả làng lại quây quần bên nhau ở khu ẩm thực để cùng ăn và kể cho nhau nghe những câu chuyện lý thú trong cuộc sống.

Chị Lê Thị Nga - phó làng Thái Hải - vì yêu văn hóa dân tộc mình mà về bản làm hướng dẫn viên du lịch

Chị Lê Thị Nga - phó làng Thái Hải - vì yêu văn hóa dân tộc mình mà về bản làm hướng dẫn viên du lịch

Bà Hảo là một trong những người đầu tiên tin tưởng và theo chân trưởng làng về nơi ở mới.

Hơn 20 năm, gia đình bà đã gắn bó ở nơi này với bốn thế hệ, trở thành một trong bốn "ngôi nhà sàn di sản" linh thiêng nhất được dân làng cùng nhau giữ gìn và bảo tồn.

Bà kể: "Ở làng, chẳng ai phải nghĩ đến tiền, cũng chẳng phải nghĩ bữa nay ăn món gì vì chúng tôi không cần mua sắm. Đến bữa cơm ra ăn chung cùng mọi người. Nhà tôi làm bánh cần nguyên liệu gì, chỉ cần báo quầy lễ tân. Làm chè, bánh xong lại mang ra quầy hàng của làng để bán cho du khách. Trưởng làng lo từ ăn, học, chỗ ở cho tất cả dân làng".

Vì sao gọi là làng hạnh phúc? "Vì nơi đây chúng tôi sống bằng tình yêu thương với con người, với cỏ cây, hoa lá. Mỗi ngày nói chuyện với cây xanh, bởi cây xanh cũng có linh hồn của nó", bà Hảo nói.

Thật vậy, việc lớn nhỏ trong làng đều do trưởng làng lo liệu. Trẻ con đi học, người già đau ốm đều được chăm nom chu đáo. Mỗi nhà đảm nhận mỗi việc, có nhà làm chè, nhà làm bánh truyền thống, nhà nuôi ong, nhà làm thuốc nam, nhà nấu rượu, nhà dệt thổ cẩm…

Lớp trẻ trong làng sẽ đón và hướng dẫn du khách đến tham quan, rồi cùng chuẩn bị những bữa cơm tươm tất cho bà con trong bản cũng như du khách. Ai nấy đều vui vẻ làm việc và không cần trả lương.

Mọi khoản thu từ hoạt động du lịch đều được chuyển về quỹ chung của làng, từ đó trang trải cho trẻ con đi học, lo cho trai gái đến tuổi dựng vợ gả chồng, lo cho cuộc sống của dân làng.

Trưởng làng, các bà mế đã chung sức, gầy dựng nên Thái Hải. Thế hệ trẻ chúng tôi phải tiếp nối truyền thống, trau dồi kiến thức, lan tỏa cho nhiều người biết đến văn hóa của bản làng, tạo ra sự phát triển bền vững cho đời sau.
Chị Lê Thị Nga (phó làng Thái Hải)

Dạy lớp trẻ giữ hồn cốt truyền thống

Bản làng hạnh phúc đâu chỉ giữ lại các ngôi nhà truyền thống của dân tộc Tày, trẻ con trong bản từ độ tuổi mầm non đến lớp 5 ngày ngày đều đi học tại trường học của bản.

Ngoài dạy chữ, nơi đây còn dạy văn hóa Tày và tiếng Anh. Các cháu đến lớp không trong những bộ đồng phục thường thấy, mà ngay từ khi chập chững biết đi chúng đã được mặc những chiếc áo chàm truyền thống để thêm yêu màu áo của dân tộc mình. Các cô giáo ở bản cũng chính là các cô bé đã lớn lên từ bản.

"Ngày xưa bố mẹ mình cùng trưởng làng đưa những ngôi nhà sàn đầu tiên về đây và cùng nhau sinh sống ở Thái Hải. Mình yêu văn hóa của dân tộc mình, yêu mọi người, yêu cách sống ở đây.

Sau khi được trưởng làng nuôi đi học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội, mình lựa chọn trở về và hiện dạy 20 bé mầm non là con cháu của bản. Chúng mình dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi dạy các con hát then, đàn tính và trải nghiệm với công việc của làng trong các dịp lễ, Tết", chị Trần Thị Thùy Linh - giáo viên mầm non, người làng Thái Hải - nói.

Ở làng Thái Hải, mỗi nhà mỗi nghề, mỗi người mỗi việc cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình - Ảnh: N.H.

Ở làng Thái Hải, mỗi nhà mỗi nghề, mỗi người mỗi việc cùng chung tay bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc mình - Ảnh: N.H.

Tiếng lành đồn xa, không chỉ người Tày ở Thái Nguyên, những người nơi khác biết đến bản làng cũng tìm đến và trở thành "người anh em của làng". Khi về Thái Hải ai nấy đều một lòng tin tưởng trưởng làng, sống hòa thuận, bảo tồn văn hóa truyền thống, nuôi dạy những đứa trẻ thành người tốt, hướng đến cuộc sống tốt đẹp.

Như bà Lê Thị Hảo là một ví dụ. Vốn là giáo viên dạy THCS tại khu Gang Thép (TP Thái Nguyên), khi biết làng bảo tồn di sản văn hóa, bà Hảo đã xin nghỉ hưu và cùng chồng về Thái Hải. Đến nay, bà Hảo đã gắn bó với làng được 17 năm.

Là giáo viên người Kinh nên bà không biết đan lát. Đến khi về bản, bà mới học từ các ke già trong bản. Bây giờ khi con cháu cũng muốn học đan, biết đến đâu bà dạy cho con cháu đến đó. Hằng ngày, tại ngôi nhà di sản cách trường học của bản khoảng 30m, bà dạy lũ trẻ đan giỏ tre.

"Bà mong muốn thế hệ tiếp nối sau này, ngoài việc học các kiến thức trong trường, các con học thêm kỹ năng sống để tiếp tục bảo vệ, giữ gìn văn hóa truyền thống như những gì bà con dân làng đang làm", bà Hảo bộc bạch.

Thăm làng hạnh phúc 'cơm chung nồi, tiền chung túi' Thái Hải- Ảnh 5.

Ngôi nhà sàn lâu đời nhất tại bản làng Thái Hải tính đến nay đã được 80 năm tuổi. Khi chuyển về Thái Hải, dáng dấp nhà sàn truyền thống được giữ nguyên: các kèo, cột được làm hoàn toàn bằng gỗ, sàn nhà của người Tày được làm bằng tre, người Tày vẫn duy trì bếp lửa trên nhà sàn. Trong làng có bốn ngôi nhà di sản: nhà chè, nhà thuốc, nhà bánh và nhà rượu. Trong dịp Tết Nguyên đán, bà con trong bản sẽ chia nhau về bốn ngôi nhà di sản để cùng ăn cơm, trò chuyện đầu năm. Việc chuẩn bị cho dịp Tết của bà con Thái Hải được đánh dấu bằng Tết cơm mới (mùng 10 tháng mười âm lịch).

Thái Hải thật là nơi tuyệt vời để trải nghiệm, nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi thích màu xanh và ẩm thực ở nơi đây. Chắc chắn tôi sẽ quay lại bản làng này khi đến Việt Nam lần nữa.
Chị Sukie Carrol (du khách đến từ Ireland)

Hành trình 20 năm lập làng hạnh phúc

Chị Lò Thị Sen - hướng dẫn viên du lịch tại Bản du lịch cộng đồng Nà Sàng (huyện Vân Hồ, Sơn La) - Ảnh: N.HIỀN

Chị Lò Thị Sen - hướng dẫn viên du lịch tại Bản du lịch cộng đồng Nà Sàng (huyện Vân Hồ, Sơn La) - Ảnh: N.HIỀN

Hơn 20 năm trước, ở vùng An toàn khu Định Hóa, một số người Tày dỡ nhà sàn truyền thống để dựng lên những căn nhà gạch cho tiện nghi hơn.

Lo lắng thế hệ sau không còn được nhìn thấy nhà sàn, bà Nguyễn Thị Thanh Hải, nay là trưởng làng, quyết tâm vay mượn để mua lại 30 ngôi nhà sàn cổ nhằm phục dựng nguyên bản. Rồi bà chọn khu đồi trọc xóm Mỹ Hào (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên), nơi chưa có người sinh sống, để lập làng.

Kiên trì, trưởng làng cùng những người làng đầu tiên cùng nhau vận chuyển từng ngôi nhà sàn từ An toàn khu Định Hóa về Thái Hải. Như "con kiến tha lâu sẽ đầy tổ", từng chiếc kèo, cột, xiên được tháo dỡ, đánh dấu cẩn thận, xếp lên xe, chuyển dần về mảnh đất mới.

Phải mất hơn 700 ngày, 30 ngôi nhà sàn mới được chuyển về Thái Hải từ bản cũ cách đó gần 60km.

Tay dựng nhà, tay gieo hạt, ươm trồng cây xanh, người làng Thái Hải cùng nhau gầy dựng, biến vùng đất hoang vu thành khu rừng xanh mát, yên bình giữa lòng TP Thái Nguyên. Về nơi mới phải đối mặt bao gian nan, vất vả, thậm chí phải tự trồng cây lấy bóng mát. Dưới nhà sàn nuôi trâu, gà, vịt để lấy phân bón từng gốc cây.

Trưởng làng còn cõng cả con lên rừng để trồng cây. Cuộc sống khi ấy không được như bây giờ, mọi người có gì ăn nấy, có lúc chỉ ăn cơm với muối vừng, nhưng ai nấy vẫn đều mong bản làng phát triển.

Có đất, có nhà, bà con Thái Hải dặn dò nhau chăm chỉ làm lụng, xây dựng cuộc sống mới. Từ những dân bản đầu tiên, đến nay nơi đây đã có gần 200 nhân khẩu, nhiều gia đình đã sinh sống với 3-4 thế hệ nối tiếp nhau. Đến năm 2014, làng mới thành khu du lịch của Thái Nguyên. "Khi được trao giải Làng du lịch tốt nhất - do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) bình chọn, dân làng ai cũng vui vì văn hóa của dân tộc mình, bản mình được cả thế giới biết đến", bà Nông Thị Hảo nói.

Thăm làng hạnh phúc 'cơm chung nồi, tiền chung túi' Thái Hải- Ảnh 7.

Không giống với các khu du lịch cộng đồng khác, Thái Hải được dựng lên để bảo tồn văn hóa của dân tộc Tày để giữ nếp nhà sàn khỏi bị mai một. Họ không chỉ bảo tồn "phần xác" là 30 ngôi nhà sàn cổ, mà cả "phần hồn" là đời sống văn hóa, hồn cốt của một bản dân tộc vẫn được giữ gìn, phát triển giữa trung tâm thành phố.

Nhận giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất", du khách biết đến Thái Hải tăng lên nhưng nhịp sống ở đây vẫn không hề bị cuốn vào, với du khách lại cảm giác như được trở về nhà, hòa vào nhịp sống của bản.

Càng ở Thái Hải lâu, càng nhiều điều thú vị cho du khách trải nghiệm khám phá. Sống như dân bản, ngày thử làm chè làm bánh, tận hưởng các lễ hội trong năm, ăn cùng dân làng ở khu ẩm thực, tối đến đốt lửa trại. Với người Thái Hải, những nếp nhà sàn vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, hoạt động thực hành văn hóa, tâm linh được người làng bảo tồn. Mọi nghề truyền thống của người Tày vẫn được gìn giữ từ nghề làm chè, làm bánh, nuôi ong, nấu rượu, đến dệt vải…

Bà con trong bản trò chuyện với nhau bằng tiếng Tày, trẻ con được dạy về nguồn cội, văn hóa từ trong nôi qua các điệu hát then, đàn tính. Rồi mai này lớn lên, chính những đứa trẻ hôm nay sẽ trở thành chủ nhân của bản làng, tiếp nối những nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

"Khi mới bắt đầu học để xây dựng bản du lịch cộng đồng, tôi được đi tập huấn thực tế tại bản làng Thái Hải. Tôi thấy mọi người làm bảo tồn văn hóa rất tốt, đặc biệt là "cơm ăn chung một nồi, tiền tiêu chung một túi". Chuyến đi thực tế đã cho chúng tôi những kiến thức bổ ích để về gầy dựng du lịch ở quê hương mình. Để làm được, phải thực sự hiểu về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào mình để nói cho du khách hiểu bằng cảm xúc thật của chính mình" - chị Lò Thị Sen, hướng dẫn viên du lịch tại Bản du lịch cộng đồng Nà Sàng, huyện Vân Hồ, Sơn La.

Người nhìn thấy một miền núi không nghèoNgười nhìn thấy một miền núi không nghèo

Miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa lâu nay vẫn thường bị gắn liền với “đói nghèo”, “lạc hậu”, “thiếu vốn”… dẫn tới kém phát triển. Nhưng PGS.TS Trần Văn Ơn không có cái nhìn ấy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên