Mẹ và con gái - Tết năm 1993
Ngày trước, dịp này đầu làng cuối ngõ đã lác đác tiếng pháo tất niên. Bọn học sinh tụi mình đã xong kỳ thi học kỳ 1, học bài qua loa chờ nghỉ tết, đến lớp chỉ ríu ran tám chuyện, về nhà thì xúm xít làm mứt dừa, mứt gừng, quạt than làm bánh trái tim hay khêu hạt làm mứt quất.
Thuở ấy nghèo lắm, mà vui. Cả xóm có mỗi nhà mình có con dao hai lưỡi rỉ sét, cứ đến dịp tết lại được chuyền tay hết nhà này sang nhà khác để thái dừa, thái gừng. Nhà nào cũng thơm lừng mùi mứt.
Trước đó mẹ đã lấy từ vali ra mấy xấp vải, dắt hai chị em đi may quần áo. Thợ may ngày tết rất đông khách, nên mẹ phải đi năm lần bảy lượt, nhắc nhở hẹn hò mãi có khi đến chiều 29 mới lấy được quần áo, về giặt vội là ủi nghiêm ngắn để mùng 1 hai chị em mình diện tết.
Khoảng 25 Tết, mình được nghỉ học, mẹ rút tem phiếu mua ít bánh kẹo và vài thứ mì chính, vải vóc hay đôi dép nhựa (những thứ trong quê không sẵn và không mua được) để ba mang về quê làm quà biếu ông bà.
Ôi, mình nhớ cả hộp mứt mậu dịch đơn sơ in cành hoa mai và dòng chữ Chúc Mừng Năm Mới trong chỉ lèo tèo vài miếng mứt gừng mứt dừa xanh đỏ, ít kẹo trứng chim với "người phố" như mình cũng chỉ thòm thèm một năm may ra được nếm một lần, về quê càng trở nên quý giá.
Nhưng về đến nhà ông nội mới thật là Tết
Các cô đãi đậu phơi lá gói có đến cả trăm đòn bánh tét, vì ông luôn để dành cho ba mang ra khoảng chục đòn để nhà mình ăn Tết mà. Mình thích nhất là đoạn xem ông in bánh in. Những cái khuôn bánh in ông tự khắc có lẽ là độc nhất vô nhị và tuyệt xảo.
Hình chữ Phúc Lộc Thọ, hình con lân, hình rồng phượng, hình các tích cổ sách Tàu, ông vừa in vừa giảng, có lẽ mình là đứa cháu nhỏ nhất thích nghe và tìm hiểu, nên ông rất chiều, hỏi gì ông cũng giảng cặn kẽ.
Ông in xong 3 nong bánh cũng chừng nửa đêm. Mình buồn ngủ ríu mắt cũng ráng đợi ông hong bánh trên lò than liu riu mới lăn ra ngủ. Trong giấc mơ chập chờn có hương bánh in thơm dịu, có tiếng heo kêu eng éc...
Sáng thức dậy đã nghe ông và các chú lục đục bày mâm cỗ cúng. Với trẻ phố như mình, lại là dân "gà công nghiêp", nhìn mâm cỗ cúng cũng thấy lạ. Mình phấn khích reo, A, đẹp quá, cô dâu cô dâu. Ấy là khi mình nhìn thấy chiếc thủ lợn được choàng một lớp mỡ mỏng trắng tinh như đăng ten bầy gọn ghẽ trên mâm cúng.
Ông thầm thì, con không được quở, đồ cúng bái. Xong bữa tất niên nhà ông, chiều đó ba chở hai chị em mình về, trên xe nặng trĩu quà quê cho "thằng Tám", "chú Tám" (ba mình thứ tám), cho thằng Hải, con Tâm, con Hà (là ba anh em nhà mình đó).
Nhà cho vài đòn bánh tét, một ít bánh in, chai dầu phụng, nhà gửi ít khoai khô, có năm ba chỉ nhận một ít vì chở không hết thì các cô dì chú bác lại rơm rớm nước mắt và nằng nặc chở hết quà ra bến đò để ba không thể từ chối...
Ở ngoài này, mẹ đã vo gạo, đãi đậu, ướp thịt, rửa lá, chuẩn bị đâu vào đó, đợi ba ra cùng gói bánh chưng. Anh Hải phụ ba, mình thì lăng xăng làm chân sai vặt.
Một cô bé lớp 8, lớp 9 mà tự ngồi gói một nồi bánh chưng nhưng mình chỉ học lỏm gói bằng lá chuối với khuôn lá dừa chứ không biết gói bánh lá dong đâu - Ảnh: QUÂN NAM
Từ ngày ba mất, anh Hải học đại học, việc gói bánh là của mình
Oách lắm đấy, một cô bé lớp 8, lớp 9 mà tự ngồi gói một nồi bánh chưng cho cả nhà, mình thấy hãnh diện lắm. Nhưng mình chỉ học lỏm hàng xóm, gói bằng lá chuối với khuôn lá dừa chứ không biết gói bánh lá dong đâu.
Nhớ có hôm mình gói từ chiều đến tối khuya, mỏi lưng quá nằm ngả ra chiếu một lát rồi dậy gói tiếp, xong hết cũng đã 10h đêm. Lúc này mẹ sẽ xếp bánh vào nồi, đặt lên bếp làm từ mấy viên gạch mẹ đã xếp sẵn từ chiều, nhóm lửa nấu bánh.
Thường mẹ sẽ bảo, hai mẹ con mình thức canh nồi bánh chưng nhé, mình thích lắm, trời rét thế này, được ngồi cạnh bếp lửa hừng hực khoái làm sao. Nhưng cũng như thường lệ, mình gà gật một lát, mẹ bảo lên nhà ngủ đi con, và mình lên giường ngủ say tít mít đến tận sáng hôm sau, khi bếp đã vạc, và mẹ đã chuẩn bị vớt bánh.
Rồi dọn dẹp lau chùi nhà cửa, mình cũng bắt chước hàng xóm xin khế chua về trộn với cát đánh mấy chiếc đèn đồng nhỏ xíu cho đến khi sáng bóng, vừa đánh vừa miên man nghĩ có khi nào thần đèn sẽ xuất hiện và hỏi: Nhà ngươi cần gì, ta sẽ giúp …
Xong đâu vào đấy, mẹ sẽ đi chợ mua một chậu vạn thọ xum xuê hoa vàng lá xanh mướt mắt bày ngay thềm nhà, thêm một nhánh mai vàng nhỏ xíu cắm trên bàn nước để mình gắn lên đấy vài tấm thiệp hoa, sang hơn thì thêm chục lay ơn hồng nữa.
Các cô gói có đến cả trăm đòn bánh tét, vì ông luôn để dành cho ba mang ra khoảng chục đòn để nhà mình ăn Tết - Ảnh: QUÂN NAM
Tết thế là xôm lắm rồi
Mình cứ đi vào đi ra ngắm hoa, miệng tí tách cắn hạt dưa, tai nghe nhạc xuân xập xình từ nhà hàng xóm mà thấy lòng rộn ràng phơi phới.
Trước giao thừa mình còn có nhiệm vụ xách đầy hai ảng nước vì mẹ bảo mùng 1 kiêng đi múc nước. Xong mẹ sẽ nấu cho một nồi nước nóng nghi ngút để hai chị em tắm tất niên.
Đêm giao thừa, khi đây đó đì đùng vang tiếng pháo, mình choàng thức dậy, thấy mẹ đang bày mâm cúng, mình sẽ nhận trách nhiệm châm pháo. Mình rất nhát gan, ai hắt hơi cũng giật mình nhưng lại rất thích đốt pháo.
Treo dây pháo lên cao, dặn cả nhà tránh xa, mình lò dò cầm que mồi đến gần tràng pháo, châm cho bén lửa, rồi bịt tai ù té chạy, có khi chạy đến vài ba lần mà pháo vẫn chưa nổ, ấy là vì mình nhát quá, pháo chưa bắt lửa đã chạy mất rồi . Xong đến tiết mục nhặt pháo xịt, bắt được một quả là reo lên như nhặt được vàng.
Sáng mùng 1, sau bữa cúng đầu năm, giúp mẹ dọn rửa xong xuôi mình sẽ lẻn ra vườn chơi một mình. Lúc này mình sẽ lấy nắm pháo xịt gom được đêm qua và đốt pháo lẻ. Có khi còn nghịch dại bỏ quả pháo vào ống bơ hay ống tre để pháo nổ đinh tai nghe cho đã.
Thật ra hết sáng mùng 1 là tết đã nhạt rồi.
Với mình, tết như một cuộc thi mà hạn chót là đêm giao thừa. Sau thời khắc ấy, chỉ còn cảm giác hơi buồn và trống trải. Nên nghe ABBA mà thấm thía "...and the morning seems so grey, so alike yesterday, now the time for us to say: Happy new year...".
Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do Báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.
Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức Tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón Tết của bạn đọc.
Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.
Cách thức tham gia:
Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:
Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn
Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa Tết nay.
Các bài lọt vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.
Cơ cấu giải thưởng:
• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 và 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air
• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air
• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20; mô hình máy bay Vietjet size lớn
• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là pin sạc dự phòng Quick Charge Li-polymer 10000 mAh UMETRAVEL SKY10000; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ
• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: ba lô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet
Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước 28-2-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận