12/01/2022 08:29 GMT+7

Tết này ta có về không?

HỒNG ÁNH
HỒNG ÁNH

TTO - Khi cả mùa dịch ta đã không trở về được bên ba mẹ và gia đình. Bây giờ dịch vãn rồi, Tết này ta có về không? Đây quả thật là một câu hỏi trong đầu rất nhiều người trẻ xa quê. Về hay không về? Và về rồi thì có gì trong tay để về?

Tết này ta có về không? - Ảnh 1.

Hồng Ánh ảnh chụp mùng 1 Tết Nguyên đán 2019.

Như một thói quen hằn sâu, cứ mỗi khi về Tết là phải có quà, có tiền, không ít thì nhiều. Giờ tay trắng, thậm chí còn đang mang nợ, ta có dám về nhà không? Nhất là khi ngoài kia câu hát "Mang tiền về cho mẹ" đang lan tràn khắp nơi, khiến ta không khỏi chạnh lòng.

Bạn có bao giờ tự hỏi, hoặc hỏi ba mẹ, rằng người mong mỏi gì nhất ở những đứa con như mình? Tôi chắc là sẽ hiếm, rất hiếm những người dám hỏi thẳng ba mẹ những câu như vậy.

Thế nên cứ ngầm hiểu và nghĩ rằng ba mẹ cần tiền, cần quà, cần giàu sang thành đạt... từ những đứa con. Có, nhưng thứ ba mẹ cần nhiều hơn là thấy ta bình yên và vui sống hạnh phúc. Thứ cần hơn nữa là thấy ta dù ở hoàn cảnh nào, cũng muốn về gần bên và thể hiện sự quan tâm.

Người già mà, chẳng khi nào sống cho riêng mình. Ăn được bao nhiêu, đói khát tình cảm mới là nặng. "Quà nào bằng gia đình sum họp? Tết nào vui bằng Tết đoàn viên?".

Chưa bao giờ tôi thấm thía ý nghĩa của hai từ đoàn viên lớn đến như vậy. Tôi còn nhớ như in những ngày TP.HCM căng thẳng vì đại dịch, khi mọi thứ chạm đỉnh, cũng là lúc tôi nhận được tin ở quê nhà ba lâm trọng bệnh. Ông bước chân vào một cuộc đại phẫu mà không có mấy chị em tôi bên cạnh.

Khi ấy tôi mới cảm thấy được sự thèm khát vô cùng của những phút bình yên quý giá. Thế nên tôi đếm từng phút giây chờ ngày qua giãn cách, sáng sớm mờ sương là đã lao mình về quê. Tạ ơn Trời Phật, sức khỏe của ba tôi lúc đó đã dần hồi phục.

Ba tôi vượt qua cửa tử, dù thật nhiều bệnh nền trong cơ thể. Ngày gặp ba, sau những tháng ngày cách ly, những tưởng sẽ nói, sẽ bung xõa rất nhiều những tâm sự cùng ba.

Thế nhưng rồi, chỉ khóc và nói được một câu duy nhất: "Con chỉ sợ khi Sài Gòn hết giãn cách thì con không còn gặp được ba nữa!".

Ba chỉ ôm tôi và cười. Ông nói mọi chuyện qua rồi con, rồi nhìn tôi từ đầu tới chân ông nói giỡn một câu mà tôi nhớ mãi: "Mọi người ai cũng than ở nhà trốn dịch lên ký, trắng ra, mà sao con thì lại đen và ốm quá vậy?". Tôi bặm môi không trả lời, vì sợ nói con đen ốm một phần là vì lo cho ba, ông sẽ buồn.

Thế nên từ ngày đó tới giờ, cứ mỗi lần có ngày nghỉ và sắp xếp được công việc là tôi chạy liền về quê với ba. Những lần đầu còn tay xách nách mang theo đủ thứ.

Những lần sau thì hành trang quà cáp theo người cũng nhẹ dần. Vì trong lòng ba biết, tôi biết, chỉ cần có ta bên cạnh, để chia sẻ bình an hay khó nhọc, với người thân ta, điều đó là đủ rồi.

Tết này Sài Gòn đã lại vùng xanh, sân khấu kịch sẽ lại sáng đèn. Và tôi thì vẫn có thể sáng là một nhân vật nào đó khùng điên cười cợt bên ngoài cánh gà, nhưng tới chiều tối sẽ lại là một Ánh Hường bên ba mẹ ở quê nhà Trà Vinh.

Về nhà, không phải là chuyện trách nhiệm. Về quê, không phải là chuyện tiền nong. Mà đơn giản là muốn về và được về, khi còn có người chờ ta nơi ấy.

Sáng nay, trao giải cuộc thi, ra mắt sách "Đoàn viên sau đại dịch"; công bố giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân Sáng nay, trao giải cuộc thi, ra mắt sách 'Đoàn viên sau đại dịch'; công bố giai phẩm Tuổi Trẻ Xuân

TTO - Sáng 8-1, lễ trao giải cuộc thi viết với chủ đề "Đoàn viên sau đại dịch" do báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành Piaggio Việt Nam tổ chức, diễn ra tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, tổng kết chặng đường hơn 1 tháng với hơn 500 bài dự thi.

HỒNG ÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên