18/12/2021 09:31 GMT+7

Khi hạnh phúc là đoàn viên

THIÊN ĐIỂU - CÁT KHUÊ ghi
THIÊN ĐIỂU - CÁT KHUÊ ghi

TTO - Cuộc thi Đoàn viên sau đại dịch vừa khép lại với hơn 500 bạn đọc gửi bài dự thi. Nhiều người nổi tiếng đã chia sẻ với Tuổi Trẻ tâm tư của họ về ý nghĩa của sự sum vầy đoàn viên, nhất là sau 2 năm đối mặt với dịch COVID-19.

Khi hạnh phúc là đoàn viên - Ảnh 1.

Đạo diễn Bảo Nhân: Tôi sẽ về nhà

Đêm qua chúng tôi kết thúc một cảnh quay lúc gần 3h sáng, khi tiếng hô "Xong rồi, về nhà" vang lên, có một cái nhói miên man ở đâu đó khiến tôi suy nghĩ suốt đoạn đường dài về đến nhà giữa đêm vắng lặng.

Có lẽ năm nay ai cũng muốn về nhà, hơn mọi năm! Suốt 5 năm làm phim tôi đã luôn chạy theo công việc, lúc nào cũng dốc hết tốc lực làm việc xuyên Tết.

Năm nay lẽ ra cũng vậy, nhưng vì dịch COVID-19 nên chỉ khi bình thường mới, mọi thứ tái khởi động. Tôi quyết định không tranh thủ bấm máy phim trước Tết mà dời sang năm. Năm nay nhất định phải có cái Tết đúng nghĩa là "đoàn viên".

Khi hạnh phúc là đoàn viên - Ảnh 2.

Về thăm nhà, thăm quê, thăm cha mẹ không phải là việc khó. Nhưng đợi ngày Tết để "đoàn viên" mới để lại nhiều kỷ niệm khó quên trong đời. Sài Gòn những ngày cuối năm bắt đầu tất bật như vốn nó phải thế!

Mọi người đã suy nghĩ về "hành trình dịch chuyển" khi những ngày cận Tết tới gần. Tôi cảm giác giờ mọi thứ mong manh. Người cần gặp nhất định gặp ngay đừng chần chờ, mình có thể đợi họ, họ có thể chờ mình, lâu nay chúng ta nghĩ vậy.

Nhưng COVID-19 đến, mọi chuyện thay đổi! Bạn bè tôi không còn muốn "ăn - chơi" xuyên Tết mà "dịch chuyển tư duy", muốn "ở nhà" và nghĩ nhiều hơn đến đoàn viên, đến sum họp. Họ muốn dành nhiều thời gian hơn bên người thân, gia đình, ông bà mình.

Sau những tháng ngày quằn quại trong đỉnh dịch, chứng kiến sự mong manh của an toàn, con người càng thấy cần hơn sự gắn kết của gia đình, càng muốn gần hơn với người mình yêu thương.

Tôi chắc rằng Tết này ai cũng chọn đoàn viên thay vì nghĩ ngay tới những kế hoạch xả hơi bằng những chuyến du lịch xa nhà. Cũng thời điểm này, ông bà, cha mẹ bắt đầu nhắn nhủ con cái: về nhà đi con, về sớm nghe con!

Dù Tết này chắc không thể giống Tết xưa! Dù ngoài kia vẫn còn đại dịch. Trong nhà ta vẫn sẽ nhiều bánh mứt và hoa. Vẫn sẽ thơm mùi Tết mới và dưới lớp khẩu trang kia vẫn đầy ắp những nụ cười của ngày Tết Đoàn Viên.

NSƯT Xuân Bắc: Hạnh phúc còn có nhau trong đời

Dịch bệnh tác động tới từng người dân, không loại trừ một ai. Tôi đã 8 tháng nay không thể về thăm bố mẹ dù quê hương không xa xôi gì.

Các anh chị em nghệ sĩ trong Nhà hát Kịch Việt Nam nơi tôi công tác nhiều người cũng lâm vào tình cảnh rất khó khăn, giống như bao nhiêu người khó khăn.

Nhưng chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng cùng vượt qua bởi bao người còn gặp mất mát, đau thương gấp bội. Hàng vạn gia đình đã mất người thân. Bao gia đình phải chịu cảnh chia cách.

Cho nên Tết này sẽ là một cái Tết đặc biệt với rất nhiều người, sẽ có những tiếng cười, những giọt nước mắt bởi những tổn thất đặc biệt về người trong đại dịch.

Nỗi buồn đau bao phủ những gia đình có người thân qua đời, nhưng ánh sáng của hạnh phúc và hy vọng cũng soi chiếu trong nhiều người.

Chúng ta nhận ra những hạnh phúc giản dị vô ngần mà thường ngày chúng ta không nhận ra hoặc ít nhận thấy: niềm hạnh phúc còn có nhau trong đời.

Khi hạnh phúc là đoàn viên - Ảnh 3.

Tết này tôi mong chúc năm mới mạnh khỏe, bình an tới tất cả mọi người. Tôi cũng muốn nhắc nhớ mọi người, tất cả chúng ta khi còn nhìn thấy ánh nắng ban mai thì hãy biết rằng chúng ta đang là những người may mắn, hạnh phúc để biết sẻ chia hạnh phúc với mọi người.

Tôi mong mỏi một năm mới không còn những tổn thất do đại dịch gây ra, đất nước dần dần gượng dậy và vươn lên mạnh mẽ, người người có thêm niềm tin vào cuộc sống, biết sẻ chia, yêu thương nhiều hơn.

Và Tết cổ truyền là Tết đoàn viên, là lúc những người con đi xa trở về, là niềm hạnh phúc của con cháu được mua biếu ông bà những tấm áo mới, nên tôi mong cho ai ai xa quê cũng đều được về nhà, không ai vì khó khăn mà phải đón Tết buồn tủi.

Sau đại dịch COVID-19, nhiều người rất khó khăn, nhất là những công nhân, người lao động nghèo di cư. Nhưng khát vọng đoàn viên ngày Tết của người Việt thì chỉ càng cháy bỏng hơn sau một năm quá vất vả, nhiều lo lắng.

Ca sĩ Thanh Lam: Mong bình yên trở lại

Năm qua là một năm khủng khiếp vì dịch bệnh. Như mọi người, tôi cầu nguyện một năm mới dịch bệnh được đẩy lùi, cuộc sống bình yên trở lại.

Dịch bệnh đã cho chúng ta thấy những điều tưởng đương nhiên, bình thường đó là những người thân, bạn bè được ở bên nhau, thăm nom nhau bất cứ khi nào có thể thì trong đại dịch cũng trở thành niềm mơ ước.

Khi hạnh phúc là đoàn viên - Ảnh 4.

Nhưng dịch bệnh cũng giúp chúng ta nhận ra và biết trân quý mọi khoảnh khắc cuộc sống. Với bản thân tôi, hai năm vừa rồi hầu như không đi hát, nghệ sĩ chúng tôi rất nhớ sân khấu. Đây là một thiệt thòi rất lớn với cả nghệ sĩ và công chúng.

Tết này tôi mong một cái Tết đoàn viên cho tất cả mọi người, những ai còn đang chia ly với người thân cũng sẽ được sum vầy hạnh phúc, để cùng hy vọng một năm mới bình an cho tất cả, dịch bệnh qua đi.

Và Tết này cả nhà sẽ tụ tập bên nhau, cùng ăn uống hoặc chỉ đơn giản là ngồi chơi đầm ấm bên nhau, điều mà ngày thường chúng tôi ít có điều kiện làm thực hành thường xuyên.

Tôi chúc cho ai ai cũng có những khoảnh khắc đoàn viên gia đình như thế, vì chúng ta sau quãng thời gian dịch bệnh rất khó khăn vừa qua đều xứng đáng có được niềm hạnh phúc đoàn tụ.

Nghệ sĩ Chiều Xuân: Tôi muốn lạc quan

Năm qua tất cả chúng ra đều cố gắng nén lòng, cùng nhau vượt qua dịch bệnh. Bao nhiêu mất mát, bao nhiêu hy sinh. Những em bé bỗng thành trẻ mồ côi.

Bao người bỗng mất cha, mẹ, chồng, vợ. Xót xa lắm cảnh những em bé phải ra nhận hũ tro cốt của cha mẹ mình... Chúng ta đã có một năm như thế, nỗi đau kinh khủng không thể tưởng tượng nổi, không thể chịu nổi.

Khi hạnh phúc là đoàn viên - Ảnh 5.

Nên Tết này tôi không mong gì hơn bình an và sum họp cho tất cả mọi người. Những ai đã mất người thân, tôi mong họ sẽ tìm thấy những niềm an ủi, sẻ chia từ cộng đồng để có thêm sức mạnh vượt nỗi đau.

Tôi mong những em bé mồ côi trong đại dịch được giúp đỡ cả tinh thần và vật chất để vết thương lòng sẽ dần vơi bớt để nhẹ bước vào tương lai.

Tôi mong các anh chị em nghệ sĩ ảnh hưởng lớn trong xã hội lại đứng ra giúp bà con có một cái Tết đoàn viên, hạnh phúc để mạnh mẽ bước vào năm mới có lẽ còn nhiều gian nan.

Thời gian qua vì công việc tôi được đi đến nhiều nơi trên đất nước nên tôi được thấy những nơi tôi đến hàng quán đìu hiu, người dân còn nhiều âu lo, lam lũ.

Nhưng tôi vẫn lạc quan và mong muốn lây lan niềm lạc quan này tới tất cả mọi người. Bởi chẳng phải sau đại dịch, chúng ta vẫn còn được ở đây, còn có nhau thì đã là một niềm hạnh phúc lớn, chẳng phải "được sống đã là lãi rồi".

Diễn viên Đinh Ngọc Diệp: Giá trị bình an

Từ sum vầy chưa bao giờ ý nghĩa hơn lúc này. Những ai từng trải qua chia ly thì mới hiểu mất mát vì đại dịch lớn thế nào. Những người Diệp quen, họ hàng mình, bạn bè mình, người mất cha, mẹ mất con, họ đau lắm, tội lắm!

Nếu là mình, không biết sao có thể vượt qua...

Khi hạnh phúc là đoàn viên - Ảnh 6.

Cho nên đối với vợ chồng Diệp, không gì quý hơn sự quây quần, đoàn tụ của cả gia đình. Mình cảm thấy quý lắm và may mắn lắm khi sau hai năm biến cố dịch bệnh, cả nhà mình dù ở Việt Nam hay nước ngoài, tuy dịch đã có ghé thăm, thậm chí có người đã đứng bên bờ sinh tử, nhưng đến nay gia đình nội ngoại vẫn bình an vô sự.

Không chỉ riêng Diệp mà cả nhà đã cảm nhận sâu sắc giá trị của "bình an", yêu thương nhau hơn, sống cho nhau nhiều hơn. Mái nhà giờ ấm hơn bao giờ hết.

Diệp xin chân thành gửi đến những ai đã mất người thân một lời thành kính, nguyện cầu an lành và cái Tết đoàn viên đến muôn người.

Cảm ơn hơn 510 bạn đọc đã gửi bài dự thi

cover

Cuộc thi Đoàn viên sau đại dịch đã kết thúc việc nhận bài vào cuối ngày 15-12. Báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành Piaggio Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc trong - ngoài nước.

Các bài dự thi vào sơ khảo là những bài đã lần lượt đăng tải trên Tuổi Trẻ nhật báo và Tuổi Trẻ Online cho đến hết ngày 15-12.

Ban giám khảo của cuộc thi gồm:

- Nhà báo Nguyễn Trường Uy - phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, trưởng ban giám khảo

Các thành viên:

- Tiến sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang - Học viện Cán bộ TP.HCM

- Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh

- Biên tập viên Lê Thị Thái Hòa.

Dự kiến kết quả cuộc thi sẽ được công bố ngày 21-12 trên Tuổi Trẻ nhật báo và Tuổi Trẻ Online.

Các bài dự thi vào sơ khảo sẽ được in thành sách để tặng cho lực lượng tuyến đầu nhân dịp Tết đến xuân về.

Lễ trao giải cuộc thi, ra mắt sách Đoàn viên sau đại dịch sẽ được tổ chức trong buổi lễ ra mắt Giai phẩm Xuân Tuổi Trẻ vào đầu năm mới 2022.

Ban tổ chức

Cùng lắm mình đón Tết qua online... Cùng lắm mình đón Tết qua online...

TTO - Từ quê, má Tám gởi hình con mèo nhỏ, giờ đã lớn, đang đu trên ngọn mai lão. Rồi má nhắn: Nó nghe tiếng xe, tưởng con về đó. Con mèo nhỏ. Con đi tiếp sức đội chống dịch. Lụm nó co ro trong mưa ướt.

THIÊN ĐIỂU - CÁT KHUÊ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên