09/01/2017 12:00 GMT+7

Tết "ăn nhậu", có còn lễ nghĩa không?

HẢI VÂN
HẢI VÂN

TTO - Đêm giao thừa thay vì ở nhà cúng tổ tiên, ở quê bây giờ người ta "đèo" nhau ra thị xã để vui chơi. Chưa kể tệ nạn đá gà, nhậu nhẹt say sưa dẫn đến cự cãi... đã làm mất đi đặc trưng cái tết ở quê.

Cuộc sống hiện đại đủ đầy với bếp gas, bếp điện, bếp từ... nhưng củi quê vẫn luôn cháy âm ỉ trong lòng người xa quê với những kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ - Ảnh: BÙI ĐÌNH CHƯƠNG

Tết ở quê ngày nay khác gì so trước đây? Bạn đọc Hải Vân đã khắc họa bức tranh không mấy bình yên của cái tết thời đô thị hóa nông thôn, thời của Internet.

Dưới đây là hồi ức và những cảm nhận thú vị của chị:

"Ngày xưa khi ba má tôi còn sống, mỗi năm cứ đến ngày 30 tết (năm thiếu là ngày 29), tất cả anh em chúng tôi dù ở đâu cũng phải tập trung về nhà ba má để ăn tết. Mọi hình thức lễ nghĩa trong ngày tết của gia đình đều được thực hiện trong ngày hôm đó .

Dâu, rể mỗi người một việc: nữ thì lo nấu nướng, nam thì lo dọn dẹp bàn thờ gia tiên, chuẩn bị cúng rước ông bà.

Sau khi cúng vái tổ tiên xong, cả nhà quây quần bên măm cơm, vừa ăn vừa trò chuyện. Xong rồicả nhà ngồi lại, anh em chúng tôi mỗi người lấy ra một phong bao lì xì, nghiêm chỉnh mừng tuổi ba má kèm theo lời chúc sức khỏe.

Còn các cháu đứng khoanh tay xung quanh ông bà lần lượt chúc: con chúc ông bà sống lâu trăm tuổi. Sau lời chúc thì mỗi cháu sẽ nhận được bao lì xì từ ông bà, kèm một cái xoa đầu: phải ngoan và học giỏi nghe con.

"Một cảnh tượng tôi cho là nghịch lý như trong đêm 30 thay vì mọi người, mọi nhà phải lo chuẩn bị cúng kiến tổ tiên và đón giao thừa thì phần đông lại chở vợ con tập trung về thành phố hay thị xã để vui chơi. Bỏ mặc ông bà, cha mẹ ở nhà một mình.

Khi về đến nhà đã nửa đêm, mệt lả rồi lăn ra ngủ, còn quan tâm gì đến lễ nghĩa. Có khi còn bị tai nạn giao thông, làm cho ngày tết trở nên ảm đạm hơn"

HẢI VÂN

Đến cuối ngày ai về nhà nấy, để lo đón tết tại nhà riêng hay nhà chồng. Còn lại vợ chồng cậu em út trong nhà cùng với ba má đón giao thừa và đón tết ngày mùng 1. Qua mùng 2 vợ chồng cậu em mới về nhà cha mẹ vợ .

Từ khi ba má qua đời đến nay, anh em chúng tôi vẫn duy trì nề nếp đó hằng năm.

Mời bạn xem clip "Đi tết quê giữa Sài Gòn" - Nguồn TVO

Sáng mùng 1 tết, tôi đang chuẩn bị quà để đi chúc tết ở quê nội thì nhận được cú điện thoại của chị bạn rủ đi du lịch Vũng Tàu . Tôi trả lời: Sáng nay, bận đi chúc tết ở quê rồi.

- Thì đi chơi mai về, chúc tết sau cũng được mà - chị bạn nói.

- Tôi cũng thích đi biển lắm. Nhưng là thông lệ rồi, không thay đổi được. Hơn nữa đi du lịch những ngày này mệt lắm. Hẹn dịp khác nhé.

Quê nội ở cách nhà tôi khoảng 5 km. Đến tới cổng, nhìn vào nhà thấy ông bác đang ngồi một mình với bình trà và đĩa mức trên bàn. Tôi dựng xe:

- Dạ thưa bác con mới tới. Ủa sao nhà vắng hoe vậy bác?

- À , hôm qua vợ chồng anh Hai con điện thoại về báo năm nay không về ăn tết được vì phải đưa vợ con đi du lịch với bạn bè ở đâu đó. Vợ chồng thằng Út đưa vợ về quê từ chiều hôm qua rồi.

- Còn bác gái đâu hả bác?

- Bác gái đang nấu cơm để chuẩn bị cúng ông bà. Cháu ở lại ăn cơm với hai bác nghen .

- Dạ, để con vào đốt nhang bàn thờ tổ tiên.

Tôi vừa đứng lên thì nghe tiếng một người đàn ông khoảng 60 tuổi ở ngoài đường hỏi với vào.

- Mùng 1 tết không đi đâu sao anh Tư?                                                                                           

- Chú Hai hả, Vào đây uống trà với tôi nè.

- Người đàn ông kia bước vào, vừa đi vừa nói: Tết nhứt sao thấy càng ngày càng buồn anh Tư hả?

-  Ủa! Vậy chứ mấy đứa con chú không có ở nhà ăn tết sao?

- Con út bận đi trực ở bệnh viện. Thằng Hai với vợ nó về quê hai ngày nay. Nghe nói bà mẹ vợ bị đột quỵ, đang nằm ở bệnh viện. Còn thằng Ba năm nào cũng đến mùng 3 hay mùng 4 mới về. Bộ đội mà phải lo trực gác cho dân ăn tết chứ .

Bỗng có tiếng kêu của bác gái ở  nhà sau: Ông ơi ra chuồng bắt giùm tôi con gà. Tôi hỏi: Dạ chi vậy bác .

- Ừ, để làm thịt cúng ông bà, sẵn dịp đãi con với chú Hai ăn tết cho vui.

- Dạ thôi! Tết mà làm thịt nó, tội nghiệp lắm bác ơi. Có thịt kho hột vịt với dưa cải, củ kiệu là được rồi.

Qua ngày mùng 2 tôi lại đi chúc tết bên ngoại. Quê ngoại ở vùng sâu, cách thị trấn khoản 20 cây số. Họ hàng bên ngoại đông nhưng ở gần nhau nên cũng tiện. Nhà của cậu, dì chuyên sống bằng nghề nông.

Khi tôi đến nơi thì thấy một bàn tiệc rất đông người. Có lẽ bữa tiệc cũng sắp tàn nên thấy ngổn ngang lon bia dưới đất. Nhìn mặt ai cũng đỏ phừng.

Tôi bước vô và cúi đầu chào. Mọi người nhìn tôi rồi hỏi với nhau:

- Ai vậy?

- Ông anh họ trả lời: Đây là em họ của tôi.                  

Sau đó họ lại tiếp tục “rượu vào lời ra”. Mà toàn là những lời thô tục, khó nghe. Tôi vào đốt nhang trên bàn thờ tổ tiên xong rồi chào ra về. Trên đường về  tôi thấy hình như nhà nào cũng tổ chức ăn, nhậu, rồi ca, hát. Kẻ đứng, người ngồi áo quần xốc xếch. Thậm chí có nơi còn xô xát đánh nhau.

Nhìn những cảnh tượng đó, làm cho tôi phải suy nghĩ: tết là biểu trưng của văn hóa truyền thống. Nói đến tết là người ta liên tưởng đến không khí gia đinh sum họp, vui vẻ. Con cháu quây quần bên nhau, họ hàng gần gũi, láng giềng thân thiện.

Những lời chúc thường ngày không được nói ra thì ngày tết là dịp để người ta thổ lộ tình cảm với nhau thông qua những câu chúc như chúc sức khỏe, chúc làm ăn phát tài, chúc may mắn, chúc vạn sự như ý...

Còn bây giờ… chẳng lẽ ngày tết là vậy sao!?

Trong hoàn cảnh xã hội hiện nay, tôi có cảm giác tết là dịp để người ta phô trương sự giàu có. Họ chẳng ngại đem tài lực và trí lực để đối thoại nhau.

Tôi từng chứng kiến tết còn là dịp người ta kết hợp những buổi tiệc linh đình mừng vừa được bổ nhiệm làm phó giam đốc sở, hay mừng con gái năm tới sẽ đi du học bên Mỹ. Hoặc nhà tôi mới vừa xây xong trị giá hơn tỉ đồng…

Với những người không có lý do, họ cũng làm tiệc nhậu nhẹt xong rồi bày trò chơi đánh đố nhau (đánh bài, đánh đề, đá gà, đua xe…) mà không màng gì đến lễ nghĩa, còn nếu có cũng qua loa, đại khái. Thậm chí nếu có ai đó vẫn ôm giữ những hình ảnh của ngày tết xưa cũ thì bị xem là cổ hủ hay lạc hậu.

Đối với những gia đình nghèo họ không màng gì đến ngày tết. Vẫn tiếp tục bươn chải, có khi ngày tết lại là cơ hội để họ kiếm được nhiều tiền thông qua một số công việc như bán nước uống hay giữ xe…

Xã hội phát triển, đời sống vật chất được nâng lên, từ đó nhu cầu về mặt tinh thần cũng phong phú và hấp dẫn hơn. Trình độ dân trí ngày càng cao, quan hệ giữa người với người càng được gắn kết, gần gũi hơn thông qua phương tiện thông tin, liên lạc hiện đại .

Nếu mọi người, mọi nhà biết duy trì và gìn giữ những phong tục, tập quán ngày tết của ông, bà, tổ tiên, biết thể hiện giao tiếp, ứng xử có văn hóa trong những ngày tết, biết xác định được văn hóa ngày tết là một loại hình văn hóa đặc trưng của dân tộc... sẽ tạo nên một bức tranh thanh bình, hạnh phúc. Mong lắm vậy!".

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Đón Tết Nguyên đán như thế nào là tiết kiệm, văn minh, đồng thời không mất đi lễ nghĩa, truyền thống của dân tộc, chuyên mục Cùng làm báo chờ đón những chia sẻ, câu chuyện, ý kiến của mọi người.

Mời bạn gởi ý kiến của mình trong phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email về địa chỉ: tto@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

Với mình, bạn chọn xu hướng nào? Mời bạn điền vào ô thăm dò dưới đây:

[poll width="450px" height="250px"]256[/poll]

HẢI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên