Ảnh: BÙI ĐÌNH CHƯƠNG |
Tôi đưa con 6 tuổi về quê. Thấy mấy kệ củi dừa, củi bần mẹ tôi phơi trước sân, con tôi lại hỏi: “Nội ơi, cây đó nội phơi làm chi, dơ muốn chết, con nói ba con chở về cho nội cái bếp gas nấu cho sạch, cho mau...”. Tôi thấy đôi mắt mẹ tôi thật buồn.
Ở quê tôi, nhà nào cũng có những kệ củi chất đầy sân trước, sân sau. Nhà khá giả mua củi đước dự trữ khi có đám tiệc vì loại này dễ chẻ và bắt cháy rất nhanh, lại có nhiều than; nhà nghèo thì xài củi tạp như gòn, bình linh, keo, dừa...
Nhà tôi nghèo nên củi dùng chủ yếu là cây tạp. Nhà có khách thì tôi luôn được mẹ phân công nấu trà đãi khách.
Tôi nhớ lắm cái ấm đen sì được bắc lên ba “ông táo” đốt bằng lá dừa. Có lúc lửa tắt, tôi lại dùng ống tiêu bằng sắt thổi hơi gió vào bếp nghe pho pho. Lửa lại cháy bùng lên.
Mẹ tôi thường quanh quẩn sau vườn nhặt nhạnh từng tàu dừa rụng, tước lá phơi khô bó lại rất khéo léo treo trên giàn bếp cho mau khô. Nhánh dừa cũng được chặt từng đoạn ngắn, chẻ nhỏ để nấu nướng.
Ở quê, vui nhất là những khi gia đình nào có đám tiệc hay chuẩn bị đón tết, nhà nào cũng nấu bánh tét, bánh ú, bánh hỏi, làm bún hay đổ bánh xèo. Vậy là củi quê tôi lại cháy rừng rực ngày đêm. Riêng tôi khoái nghe nhất tiếng nổ lách tách của củi tre trong bếp lửa nhà mình.
Bây giờ củi quê đã dần hiếm hoi, có chăng ở những vùng thôn quê hẻo lánh và chỉ có dân nghèo mới đi mót về đun nấu.
Cuộc sống hiện đại đủ đầy với bếp gas, bếp điện, bếp từ... trong đó có gia đình tôi, có con tôi. Nhưng với người sống xa quê đã lâu như tôi, củi quê vẫn luôn cháy âm ỉ trong lòng với những kỷ niệm sâu sắc của tuổi thơ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận