14/12/2015 16:03 GMT+7

​Tây Ban Nha, Colombia tranh nhau kho báu trên tàu chìm

T.VY
T.VY

TTO - Tây Ban Nha đòi quyền sở hữu đối với chiếc tàu chở kho báu San Jose dựa trên Luật biển của Liên Hiệp Quốc, trong khi Colombia không tham gia luật này.

Những đồ vật còn lại trên chiếc tàu chìm - Ảnh: AFP
Những đồ vật còn lại trên chiếc tàu chìm - Ảnh: AFP

Theo AFP ngày 13-12, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo và người đồng cấp Colombia María Angel Holguin đã gặp nhau ở Cartagena để giải quyết bất đồng. Tuy nhiên kết quả cuộc gặp chưa rõ ràng.

Mọi việc bắt đầu sau khi chiếc tàu San Jose chở theo kho báu trị giá nhiều tỉ USD bị Anh đánh chìm hồi thế kỷ 18 được tìm thấy trên vùng biển cách bờ biển thành phố Cartagena của Colombia hơn 25km.

Tây Ban Nha nói họ có quyền sở hữu con tàu bởi nó vốn thuộc về Tây Ban Nha. Tháng 6-1708, lúc bị đánh chìm, nó đang chở vàng bạc cùng nhiều thứ giá trị khác về Tây Ban Nha cho vua Philip V.

Nhưng Colombia không nghĩ vậy. Tổng thống Juan Manuel Santos cho biết nước này đã mất một thời gian dài nghiên cứu, tìm kiếm mới xác định được vị trí tàu San Jose. Chính nước này đã tìm thấy con tàu ở trên vùng biển của mình, do đó họ có quyền sở hữu con tàu.

Ngoài ra, Tây Ban Nha đòi quyền sở hữu đối với chiếc tàu chở kho báu San Jose dựa trên Luật biển của Liên Hiệp Quốc, trong khi Colombia không tham gia luật này.

"Có sự khác biệt quanh việc ai là chủ sở hữu hợp pháp con tàu", Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo nói, nhưng thêm rằng ông hi vọng mọi chuyện sẽ được giải quyết dựa trên mối quan hệ tốt đẹp lâu dài giữa hai nước.

"Đây không phải là vấn đề gây chia rẽ chúng tôi", Ngoại trưởng Colombia María Angel Holguin tuyên bố, mặc dù thừa nhận những bất đồng pháp lý vẫn còn đó.

Trước khi San Jose được tìm thấy, những người săn kho báu đã mất hàng chục năm trời tìm kiếm nó. Năm 1981, một công ty Mỹ tên là SSA tuyên bố đã định vị được con tàu ngoài khơi bờ biển Colombia.

Lúc đó, họ đã thỏa thuận với chính phủ Colombia rằng hai bên sẽ chia đôi khoản tiền thu được từ việc tìm thấy con tàu. Tuy nhiên Colombia sau đó rút khỏi thỏa thuận, họ nói tài sản trên tàu thuộc về họ và chỉ chia cho SSA 5% giá trị kho báu gọi là “phí tìm thấy”. 

SSA đương nhiên không cam tâm, và vụ việc được đưa ra tòa. Năm 2011, một tòa án ở Mỹ đã ra phán quyết con tàu là tài sản của chính phủ Colombia.

Ngoài số tài sản đáng giá, San Jose còn được quan tâm sau khi được Liện Hiệp Quốc xác định là một trong những di sản văn hóa dưới nước của thế giới.

 

T.VY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên