Ngày 4-4, trả lời câu hỏi của Quốc hội Malaysia về các cuộc thảo luận của ông liên quan Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc tuần trước, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim nói Trung Quốc đã bày tỏ quan ngại về việc "Petronas tiến hành một hoạt động quy mô lớn tại khu vực mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền", theo Hãng tin Reuters.
"Tôi nhấn mạnh rằng Malaysia coi khu vực này thuộc vùng biển của Malaysia, do đó Petronas sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở đó" - ông Anwar nói, nhưng không nêu rõ dự án ngoài khơi hoặc địa điểm cụ thể nào.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anwar nói rằng Malaysia sẵn sàng đàm phán "nếu Trung Quốc cảm thấy đây là quyền của họ", đồng thời nói thêm ASEAN cảm thấy các tuyên bố chủ quyền chồng lấn cần được giải quyết bằng đàm phán.
Cũng trong ngày 4-4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh muốn hợp tác với Malaysia để giải quyết những khác biệt ở Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn theo cách phù hợp.
Năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan đã ra phán quyết, bác bỏ cái gọi là "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) do Trung Quốc tự vẽ ra để tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích ở Biển Đông.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Anwar đưa ra sau khi Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) tuần trước cho biết một tàu hải cảnh Trung Quốc trong tháng qua đã hoạt động gần khu vực phát triển khí đốt Kasawari của Petronas, và đã đến gần khu vực triển khai dự án với khoảng cách 2,4km. AMTI thông tin một tàu hải quân Malaysia cũng hiện diện trong khu vực.
Mỏ khí Kasawari nằm ở Biển Đông, ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia và đang được Công ty dầu khí Petronas phát triển. Mỏ Kasawari có trữ lượng khí ước tính khoảng 85 tỉ mét khối và dự kiến bắt đầu khai thác trong năm nay.
Hôm 3-4, phóng viên Reuters đặt câu hỏi về vụ việc trên: "Tại sao lại có một tàu hải cảnh Trung Quốc tiến hành các hoạt động gần các hoạt động năng lượng của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia?".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói: "Tôi không nắm thông tin về báo cáo cụ thể mà bạn đề cập. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc tuần tra bình thường trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc".
Tuy nhiên, ông Anwar tuyên bố Bộ Ngoại giao Malaysia sẽ gửi công hàm phản đối nếu có "va chạm" giữa các tàu Malaysia và Trung Quốc ở đó.
Công ty Petronas đang vận hành các mỏ dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý của Malaysia. Trong những năm gần đây, họ đã có một số cuộc chạm trán với tàu Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận