12/03/2023 09:32 GMT+7

Tân Thủ tướng Trung Quốc: Kỳ vọng kinh tế năng động, cải cách

Ông Lý Cường, 63 tuổi, sau khi được Chủ tịch Tập Cận Bình đề cử, đã trở thành thủ tướng mới của Trung Quốc với số phiếu ủng hộ gần tuyệt đối trong cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Trung Quốc vào ngày 11-3.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay ông Lý Cường - tân thủ tướng Trung Quốc - trong phiên họp toàn thể thứ 3 của Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10-3-2023 - Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay ông Lý Cường - tân thủ tướng Trung Quốc - trong phiên họp toàn thể thứ 3 của Quốc hội Trung Quốc tại Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 10-3-2023 - Ảnh: REUTERS

Tân thủ tướng Lý Cường, người tỉnh Chiết Giang, đi lên từ vai trò bí thư Thành ủy Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (giai đoạn 2002 - 2004), sau đó làm chánh văn phòng cho ông Tập lúc ông Tập còn làm bí thư Tỉnh ủy tỉnh Chiết Giang các năm 2004 - 2007.

Ông Lý được coi là người thông hiểu ông Tập khi hai người làm việc chung giai đoạn này.

Người có những cải cách táo bạo

Trước khi trở thành bí thư Thành ủy Thượng Hải năm 2017, ông Lý từng kinh qua các chức vụ cao nhất ở tỉnh Chiết Giang và một thời gian ngắn ở tỉnh Giang Tô. Hai tỉnh ven biển miền đông Trung Quốc này cũng thường xuyên nằm trong số năm tỉnh có GDP cao nhất Trung Quốc.

Tin đồn ông Lý Cường thay thế ông Lý Khắc Cường đã râm ran ngay sau khi kết thúc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX vào tháng 10-2022.

Lúc đó ông Lý Cường được xem là người có vai trò số 2 trong Ban thường vụ Bộ Chính trị và nhiều khả năng thay thế ông Lý Khắc Cường với nhiều hy vọng ông sẽ mở ra những cải cách tự do.

Ông Lý Cường được coi là người thân thiện với doanh nghiệp, đáng kể nhất ông đã thu hút được Tesla, gã khổng lồ sản xuất xe điện, tới đầu tư xây dựng ở Thượng Hải nhà máy có quy mô lớn nhất thế giới ngoài biên giới nước Mỹ.

Ngoài ra ông Lý cũng thúc đẩy một cuộc cải cách táo bạo đối với thị trường chứng khoán Thượng Hải khi vào năm 2019 ông ra mắt thị trường chứng khoán giống như Nasdaq của Mỹ trên sàn Thượng Hải dành cho các cổ phiếu công nghệ.

Chính quyền Thượng Hải hy vọng bằng cách này sẽ thu hút doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết trong nước, sau khi các tập đoàn lớn như Alibaba và Baidu chọn niêm yết ở nước ngoài.

Đây được coi là một trong những cải cách thị trường mạnh mẽ nhất của Trung Quốc trong những năm qua và cạnh tranh với Mỹ trong việc hút vốn dành cho công nghệ.

Trước đó ở Chiết Giang, ông Lý cũng đã đưa ra nhiều chương trình thử nghiệm cải cách, được nhiều doanh nghiệp ca ngợi là người cởi mở và sẵn sàng lắng nghe.

Chiết Giang cũng là nơi đặt trụ sở của một số công ty tư nhân lớn nhất Trung Quốc như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hay tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc Geely.

Nguồn: Global Times - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Nguồn: Global Times - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: T.ĐẠT

Thuyền lớn, sóng lớn

Mặc dù có được thuận lợi là người thân thiết và là cộng sự gần gũi của ông Tập trong nhiều năm, nhưng ông Lý cũng sắp phải đối diện với nhiều thách thức.

Việc thiếu kinh nghiệm trong các vai trò ở chính phủ cấp trung ương có thể khiến ông mất thêm thời gian để làm quen với công việc quản lý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trung Quốc đang ở giữa thời kỳ suy thoái do hậu quả từ việc thị trường bất động sản gặp vấn đề, mức chi tiêu của người dân chậm chạp trong khi chính quyền muốn thúc đẩy tiêu dùng trong nước và nền kinh tế tuần hoàn kép. Chưa kể là chính quyền địa phương đang gánh nợ.

Ngoài ra, bối cảnh kinh tế quốc tế cũng sẽ tạo nhiều gánh nặng cho vai trò thủ tướng của ông Lý trong thời gian tới khi cuộc chiến công nghệ Trung - Mỹ cũng như sự phân tách, căng thẳng giữa hai siêu cường ngày càng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

Các chức vụ quan trọng khác trong chính phủ mới như chánh án TAND tối cao thuộc về ông Trương Quân.

Ông Ứng Dũng, cựu bí thư Tỉnh ủy Hồ Bắc, được bầu giữ chức viện trưởng Viện KSND tối cao Trung Quốc.

Ngoài việc bầu thủ tướng mới, một số công việc quản lý kinh tế hàng đầu được dự đoán sẽ thuộc về một nhóm lãnh đạo mới bao gồm những người trung thành với "hạt nhân lãnh đạo" Tập Cận Bình.

Ông Đinh Tiết Tường, hiện là chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được dự kiến trở thành phó thủ tướng thường trực. Ông Đinh từng là trợ lý cho ông Tập, khi ông Tập làm bí thư Thành ủy Thượng Hải năm 2007.

Chức phó thủ tướng phụ trách mảng kinh tế, tài chính và công nghiệp dự kiến thuộc về ông Hà Lập Phong. Ông Hà hiện là chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia (NDRC) từ năm 2017, một người gần gũi của ông Tập khi ông Tập ở tỉnh Phúc Kiến giai đoạn 1985 - 2002.

Ông Chu Hạc Tân, từng có thời gian ngắn làm phó thống đốc Ngân hàng Trung ương, có khả năng thay thế ông Dịch Cương làm thống đốc Ngân hàng Trung ương.

Những thách thức sắp tới dành cho ông Chu Hạc Tân không hề nhỏ, khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ phải đối mặt với việc thúc đẩy sự phục hồi của thị trường bất động sản.

Trong đó có những vấn đề như nhiều nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc không trả được nợ, cũng như kiểm soát rủi ro tài chính hệ thống gây ra khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khốn đốn sau đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước chúc mừng tân Thủ tướng Trung Quốc Lý CườngThủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước chúc mừng tân Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo nhiều nước khác như Nga, Singapore, Campuchia... chúc mừng ông Lý Cường được bầu làm tân thủ tướng Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên