Thả chiếc nón xuống nền gạch, cụ Huỳnh Thị Hồng, 87 tuổi, người đã rời quê nhà ở Tiên Phước (Quảng Nam) để ra Đà Nẵng làm đôi mắt sáng đưa cháu gái khiếm thị học đại học, cụ Hồng dò từng bước để nhìn kỹ căn phòng mà hai bà cháu được bố trí.
Lễ đón hai "sinh viên" đặc biệt
"Tôi dân nhà quê, lời ăn tiếng nói không được trọn vẹn nhưng tự đáy lòng chỉ biết nói lời cảm ơn tất cả mọi người.
Bà cháu xin cảm ơn các thầy cô giáo đã quan tâm" - cụ Hồng run run nói.
Căn phòng nằm ở tầng trệt, thuộc dãy tươm tất, đầy đủ tiện nghi nhất vốn dành cho sinh viên quốc tế trong ký túc xá Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng từ nay được dành riêng cho cụ Hồng và cháu gái là Phạm Nguyễn Thanh Lam (sinh viên năm 1 khoa tâm lý - giáo dục) ở hết thời gian đại học.
Bước vào căn phòng tươm tất, cụ Hồng không giấu nổi sự nghẹn ngào. Khoảng 50 sinh viên là bạn cùng lớp của Lam cũng đã tập trung đông đủ ở ký túc xá để chia vui.
Thầy Huỳnh Bọng, phụ trách phòng công tác sinh viên, cho biết để đón cụ Hồng và Lam, trường đã huy động người dọn dẹp căn phòng tươm tất sạch sẽ, trang bị thêm nệm, gối mới.
Từ đầu giờ chiều, nhiều sinh viên tập trung về ký túc xá. Các sinh viên cũng chia nhau qua tận phòng trọ cũ nơi cụ Hồng và Lam ở để di chuyển đồ đạc, đèo hai bà cháu qua nhận chỗ ở mới.
"Khi câu chuyện của cụ Hồng và cháu được lan tỏa trên báo Tuổi Trẻ Online, dù chỗ ở đã bố trí hết nhưng thầy hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng vẫn yêu cầu sắp xếp để đón bà cháu vào.
Đây không chỉ là câu chuyện truyền cảm hứng về tinh thần nghị lực vượt lên để học hành mà là sự sẻ chia, đồng hành nuôi dưỡng ước mơ từ các thầy cô giáo, bạn bè, lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng" - thầy Bọng nói.
Nuôi lớn khát khao học tập
Buổi đón đầy nghĩa tình, rưng rưng xúc động bà ngoại 87 tuổi và cô cháu sinh viên khiếm thị tại Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng chiều 16-12 nối dài những câu chuyện xúc động về tinh thần cổ vũ học tập, tiếp sức cho những hoàn cảnh đặc biệt.
Cụ Huỳnh Thị Hồng sống ở vùng quê nghèo Tiên Phước, Quảng Nam. Phạm Nguyễn Thanh Lam, cháu gái ruột của cụ, bị mù từ năm lên lớp 8 và có hành trình dài vượt lên số phận.
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Lam đậu vào khoa tâm lý - giáo dục và bắt đầu quãng đời 4 năm đại học.
Vì mù lòa nên hành trang học hành của Lam cần có người dìu dắt. Do nhà neo người, cha mẹ đều bận đồng áng nên cụ Hồng đã tự nguyện rời quê nhà để ra thành phố nuôi cháu ăn học.
Từ ngày Lam nhập học, hai bà cháu chọn ở trọ tại gác 2 khu nhà trọ đơn sơ gần trường. Cứ bừng sáng, cụ Hồng lại lục tục dậy làm đồ ăn rồi nắm tay cháu đi qua các con phố đông đúc xe cộ để đưa tới lớp học.
Hình ảnh nghèo khổ nhưng tận tụy, chan chứa yêu thương vô bờ bến của cụ Hồng, luôn đứng đợi cháu gái lúc tan trường ở cổng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng khiến nhiều người không cầm được lòng.
Câu chuyện được Tuổi Trẻ Online đăng tải và nhanh chóng lan tỏa. Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng đã quyết định "đặc cách" một phòng riêng, cho bà cháu được nấu ăn ngay trong ký túc xá để tạo những điều kiện ăn ở tốt nhất.
Chiều 16-12, Lam và ngoại đứng trong vòng tay thắt chặt và những cái ôm của bạn bè. "Sướng nhé, nay như được về nhà mới vậy", "Chúc mừng tân gia bạn yêu" - những lời chúc kèm theo vòng tay ôm của bạn bè khiến cô sinh viên Phạm Nguyễn Thanh Lam không kìm nén được xúc động.
Lam khóc. Bà ngoại ngồi bên cạnh cũng không kìm được những giọt nước mắt.
Điều xúc động hơn, không chỉ được bố trí một phòng riêng đầy đủ trang thiết bị mà một người bạn học cùng lớp với Lam đã tình nguyện vào ở cùng để giúp đỡ bà cháu suốt 4 năm đại học.
"Tôi không dám mơ được căn phòng như thế này. Ở đây không lo mưa lụt. Phòng cũng ngay kế chỗ học nên có mưa thì đưa cháu không lo ướt, tôi chỉ cần đi bộ mấy bước chân là tới chỗ mua đồ ăn.
Tự đáy lòng tôi biết ơn các thầy cô, bạn bè, những người đã giúp cho hai bà cháu" - cụ Hồng xúc động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận