19/04/2019 19:20 GMT+7

Câu chuyện bà mẹ bán vé số tiếp thêm nghị lực cho con được tuyển thẳng đại học

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG

TTO - Giữa lúc giáo dục đang nóng chuyện bạo lực học đường, chạy điểm thi, danh sách lãnh đạo có con được nâng điểm thì xuất hiện một câu chuyện đẹp: mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học.

Câu chuyện bà mẹ bán vé số tiếp thêm nghị lực cho con được tuyển thẳng đại học - Ảnh 1.

18 năm, bà Dương Thị Chung (trái) đi bán vé số ở P.Lộc Sơn,TP Bảo Lộc nuôi con ăn học - Ảnh: MAI VINH

Câu chuyện như mang lại dòng nước mát giúp mọi người vơi đi bức xúc, để dòng sông cuộc sống qua ghềnh thác, trôi êm ả.

Nhà tôi chỉ cách nhà Nguyễn Công Minh khoảng 3 km, gần thế nhưng mẹ Minh và em thật diệu vợi, quá tầm tay với của tôi! 

Đọc bài viết trên Tuổi Trẻ, tôi nghĩ về gia đình em, về tôi, về những thách thức mà giáo dục đang giải quyết. Đôi khi để làm được những việc lớn ấy, cần bắt đầu từ những điều gần gũi...

Mẹ - nguồn năng lượng của con

Mẹ có thể có điều kiện vật chất, cao sang, quyền quý; mẹ có thể là những tháng ngày rong ruổi bán vé số, nhặt ve chai; mẹ còn sức khỏe hay tật nguyền hay đã mất nhưng, trong mẹ, lòng yêu thương con vô bờ, hi sinh vì con, hun đúc để con có ước mơ, con biết vun trồng cho ngày tháng ngồi trên ghế nhà trường, giúp con biết học tốt để cho con, cho mẹ, cho tương lai.

Thật tiếc, tôi đã gặp những học sinh, chớm khó khăn là buông bỏ học tập, sao nhãng học tập. Đã có lần tôi bất lực, một bà mẹ vất vả với gánh bún bò nghèo, sớm trưa chắt chiu; bà khóc ngất khi hay tin con nghỉ học, vậy mà con... không thay đổi. 

Minh diệu vợi là thế đó, cái nghèo của mẹ, tiền lại ít ỏi nhờ bán những tấm vé số như tiếp thêm nghị lực để em học tốt.

Giá mà thầy cô mình và cả tôi nữa, kết nối với gia đình học sinh nhiều hơn, để tư vấn, trợ giúp, làm khơi dậy và lan tỏa yêu thương diệu kỳ của mẹ, giúp những đứa con - học trò của mình cảm nhận được yêu thương, biết trân quý sự hy sinh của mẹ - nguồn năng lượng giúp các em vượt qua chông gai mà chăm chỉ, học tốt, tự học, sáng tạo.

Biết ơn để sống tử tế

Mẹ Minh chia sẻ giản dị trên Tuổi Trẻ: khi thôi bán vé số, bà sẽ làm mâm cơm mời những người thường xuyên mua vé số ủng hộ bà, bà nói: "Tôi mang ơn họ...". 

Cảm ơn bà, lòng biết ơn - một phẩm cách cao đẹp, chỉ tiếc là mấy ai nghĩ nhiều về và luôn sống với?

Biết ơn để sống tử tế, biết ơn để cảm nhận và để có cuộc sống an lành dù vật chất thiếu thốn; biết ơn để thôi đi những ganh ghét, biết ơn để làm người lương thiện. Khi đồng nghiệp của tôi và học sinh thấm đậm lòng biết ơn, giá trị ấy sẽ giúp thầy trò, mỗi ngày đến trường là một ngày vui. 

Biết ơn - khởi nguồn của tha thứ, tin vào cuộc sống, có nghị lực làm việc, học tập - căn bệnh thành tích, đối phó, bạo lực học đường sẽ triệt tiêu.

Tự học, ai làm được như Minh?

Tôi biết nhiều về thành tích của Minh qua các cuộc thi, nay tôi biết thêm về em, thành tích đó là nhờ vào nỗ lực của bản thân, hướng dẫn, động viên của thầy cô và hun đúc của ba mẹ. 

Ở Minh tự học như là một kỹ xảo, lý thuyết gắn với thực tiễn: Minh tìm tòi, nhận biết, hiểu và thiết kế. Tôi nghĩ, làm điều đó không phải chỉ đến với những cuộc thi, đó chính là cách tự học đúng đắn giúp người học hiểu sâu, nhớ lâu, vận dụng tốt; việc học vì thế không còn là chuỗi áp lực, thay vào đó là niềm tin, sự say mê, được rèn luyện và niềm vui bất tận. 

Hơn thế, học tập trong thời 4.0, Minh biết tìm tòi nguồn học liệu trên mạng, ngoài việc giúp em học tốt, Minh biết nghĩ về và kết nối để em sáng tạo trên lĩnh vực công nghệ. Gương sáng tự học của Minh, thêm một trải nghiệm cho tôi, một nhà giáo. 

Với đồng nghiệp, với các em học sinh, tôi nghĩ để dạy tốt và học tốt, không có con đường nào tốt hơn là tự học. Tự học luôn là hành trang của thầy và trò trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Giáo dục là hướng đến giáo dục giá trị sống

Nhà Minh nghèo, nghèo lắm, so với hoàn cảnh của phụ huynh trong bảng danh sách chạy điểm cho con em tại Sơn La, chắc là không so sánh được. Trong giàu sang, quyền lực, việc giáo dục con cái có chểnh mảng? Quá nuông chiều làm con cái ỷ lại? Có tiền là có tất cả? Có tiền, có quyền để bằng sự giả dối mà bước vào giảng đường đại học, có cơ hội thăng quan, tiến chức, làm giàu?

Mẹ Minh thì không, bài dạy của bà với con là sự không quản ngại khó khăn, là tin vào điều tử tế, là tin rằng học tốt sẽ giúp con sống đẹp, là cơ hội để con phát triển bản thân, giúp ích cho gia đình và cộng đồng. 

Tôi nhớ, có vị lãnh đạo thành phố Hà Nội chia sẻ "thà nghèo mà bình yên", ông có lý của ông.

Quả thật, nhà Minh nghèo nhưng bình yên, giản dị trong cuộc sống, sâu lắng trong giáo dục con cái, họ biết sống chầm chậm để hạnh phúc hôm nay và cho cả tương lai.

Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học

TTO - Đó là câu chuyện của bà Dương Thị Chung (44 tuổi, ở P.Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Cậu con trai út, Nguyễn Công Minh - học sinh lớp 12A7 Trường THPT Bảo Lộc - sẽ được tuyển thẳng vào đại học năm nay.

TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên