19/04/2019 06:12 GMT+7

Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học

HÀ BÌNH - MAI VINH
HÀ BÌNH - MAI VINH

TTO - Đó là câu chuyện của bà Dương Thị Chung (44 tuổi, ở P.Lộc Sơn, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng). Cậu con trai út, Nguyễn Công Minh - học sinh lớp 12A7 Trường THPT Bảo Lộc - sẽ được tuyển thẳng vào đại học năm nay.

Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học - Ảnh 1.

18 năm, bà Dương Thị Chung (trái) đi bán vé số ở P.Lộc Sơn,TP Bảo Lộc nuôi con ăn học - Ảnh: MAI VINH

Nguyễn Công Minh đoạt giải ba môn tin học kỳ thi chọn học sinh giỏi THPT cấp quốc gia năm 2018. Với thành tích này, Minh được tuyển thẳng vào đại học, dự định đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Con gái đầu của bà Chung, Nguyễn Thị Thùy Trang, từng dự thi Đường lên đỉnh Olympia. Trang vừa tốt nghiệp ĐH Ngoại thương cơ sở 2 - TP.HCM và đang làm việc cho một ngân hàng tại TP.HCM.

Bước chân của mẹ...

Sáng sớm 17-4, bà Chung trở dậy trong căn nhà nhỏ giữa vườn cà phê trên đất đỏ bazan ở P.Lộc Sơn, TP Bảo Lộc. Bà dắt chiếc xe đạp đi bán vé số - công việc đã gắn với bà 18 năm nay. Đạp đến đường Yết Kiêu (P.Lộc Sơn), bà vào mời những người đang uống cà phê mua vé số.

Ông Đặng Minh Hùng (P.Lộc Sơn) kể: "Tôi biết cô Chung cả chục năm nay rồi, đi bán vé số nhưng mấy đứa con đứa nào cũng học giỏi".

Qua mấy con phố nữa, bà đến nhà cụ bà Nguyễn Thị Sang (đã 80 tuổi). "Ngày nào cũng gửi nó một tờ" - cụ Sang nói - "Cho con nó ăn học...". Cứ thế, trong buổi sáng bà Chung bán hết 100 tờ vé số và tiền lời được 110.000 đồng.

Gần trưa, bà trở về nhà lo cơm nước cho chồng con. Quệt giọt mồ hôi, bà kể về "nghiệp vé số" của mình. Mười tám năm trước, bà đi làm tơ tằm nhưng bị dị ứng mẩn đỏ khắp người.

"Đường cùng, tôi đi bán vé số. Phải mất một tháng đầu tôi mới quen dần và bớt ngại với "nghề mới". Những hôm trời mưa, mang áo mưa vào quán cà phê mời vé số thì sợ ướt nên phải cởi ra bỏ ở ngoài. Mời xong không ai mua, lại mang áo mưa đi tiếp..." - bà Chung trầm tư kể.

Rồi dần dần công việc cũng quen. Việc bán vé số có "đồng ra đồng vào", bà phụ với chồng làm vườn cà phê cho các con ăn học. Bà nhớ lại lúc khó khăn nhất với gia đình: "Đó là khi con gái lớn vào đại học. Hai tháng trời tôi không ngủ được. Xoay xở khắp nơi lo cho con. Rồi khi con gái thứ hai đi học thiết kế đồ họa. Tiền trường cho ba đứa con cùng một lúc khiến tôi... lên cơn tiền đình nằm viện một tuần".

Kể vậy, nhưng trên gương mặt của người mẹ này nở một nụ cười tươi khi các con ngoan ngoãn, học giỏi. "Trời không phụ lòng người. Giờ thì tôi đỡ hơn một chút rồi, vì hai con gái đã có việc làm".

Tôi luôn nói với các con tôi đi bán vé số nhưng không bao giờ lừa gạt ai. Tôi luôn tử tế để cho con nhìn vào. Tôi cũng dạy các con sau này ra đời đừng tỏ thái độ thiếu tôn trọng với những người bán vé số, lượm ve chai, vì mẹ cũng làm nghề như vậy để nuôi các con. Thầy cô ở trường con tôi học đều biết tôi bán vé số. Nhiều hôm cô hiệu trưởng còn gọi tôi vào nhận thưởng thay con. Với những người xung quanh, tôi tính sau khi "giải nghệ" bán vé số sẽ làm mâm cơm mời những người thường xuyên mua vé số ủng hộ mình. Tôi mang ơn họ..

Bà Dương Thị Chung

Nuôi ước mơ cho con

Những bước chân đi bán vé số của bà Chung đã chắp thêm đôi cánh ước mơ cho các con của bà. Ngày ngày đến trường, Nguyễn Công Minh thỏa sức khám phá với máy móc, công nghệ của mình để tạo ra những sản phẩm công nghệ có ích cho cộng đồng.

Mẹ bán vé số, con được tuyển thẳng đại học - Ảnh 3.

Nguyễn Công Minh đam mê mày mò với các sản phẩm về công nghệ tự động - Ảnh: MAI VINH

"Tôi biết đến tin học từ năm cấp II do một thầy giáo giới thiệu và thích môn học này lúc nào chẳng hay" - chàng trai có dáng người cao, mặt lấm tấm mụn trứng cá của tuổi dậy thì, nói chuyện rất lễ phép kể. "Tôi thích công nghệ thông tin, vì có thể tạo ra được những thiết bị máy móc trong lĩnh vực tự động hóa, trí tuệ nhân tạo" - Minh chia sẻ.

Lên cấp III, với vốn kiến thức công nghệ thông tin học được, Minh mày mò chế tạo GardenBot - robot nông nghiệp. "Thiết bị này sẽ theo dõi hoạt động của khu vực cây trồng để đưa ra các chỉ số về nhiệt độ, độ ẩm, độ sáng riêng biệt và điều khiển từ xa qua Internet, bluetooth từ điện thoại, máy tính. Robot cũng sẽ tự động tưới nước, bón phân cho cây trồng" - Minh giải thích.

Sản phẩm đoạt giải ba cuộc thi khoa học kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng và nhiều giải thưởng khác. "Tôi là con nhà nông, nên tôi hiểu những khó khăn mà người nông dân gặp phải" - Minh nói thêm về sản phẩm.

Và dự án mới nhất của Minh là thiết bị hỗ trợ cho người khiếm thính với sự hướng dẫn của giáo viên Nguyễn Hoàng Sơn.

"Những người khiếm thính có thể trao đổi với nhau thông qua ngôn ngữ ký hiệu, nhưng gặp khó khăn khi trao đổi với người bình thường. Tôi nghiên cứu theo công nghệ dùng trí tuệ nhân tạo chuyển đổi ngôn ngữ sang âm thanh và ngược lại" - Minh kể.

Năm lớp 11, Minh được chọn vào đội tuyển thi quốc gia môn tin học của tỉnh Lâm Đồng và đoạt giải ba toàn quốc. Thành thích này giúp bạn được tuyển thẳng vào đại học.

"Tôi dự định đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) vì muốn trong tương lai sẽ theo đuổi lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, để giải những bài toán của cuộc sống" - Minh tâm sự.

Và những bài học dạy con giản dị

Các con ngoan ngoãn, học giỏi nhưng ông Nguyễn Công Hưng - chồng bà Chung - gãi đầu gãi tai "không có bí quyết gì" khi kể về việc dạy con. "Tôi không ép con học bao giờ" - ông Hưng nói - "Cứ để cho các con tự giác. Có lẽ mình không chơi bời gì, chỉ biết làm nông nên các con nhìn vào đó mà sống. Tôi cũng nói con chọn bạn mà chơi. Chơi với mấy bạn chăm học sẽ ganh đua nhau mà học".

Ông Hưng cũng kể ông chưa bao giờ đánh con. "Có gì cũng từ từ nhẹ nhàng khuyên bảo. Đánh con sẽ gây cho con cảm giác sợ sệt, ảnh hưởng tâm lý và con sẽ mất tự tin. Thấy con thích đầu tư cho việc học, thí nghiệm, tôi cứ để con làm. Thành công được thì tốt, mà không thành công cũng là bài học cho con" - ông Hưng chia sẻ.

Trong căn nhà của gia đình ông bà, ngoài rất nhiều giấy khen, bằng khen của các con, bản đồ Việt Nam, bản đồ thế giới và mấy câu thơ ép plastic dán vào góc học tập của con như: "Con ơi mẹ chẳng cần chi/Mong con ứng xử trong khi mẹ còn/Cho đúng bổn phận làm con...".

Theo đuổi ước mơ, cảm nhận được sự khó khăn vất vả của cha mẹ nhưng Minh nhớ có một lần cần mua bo mạch cho robot mà không đủ tiền nên đánh liều xin mẹ, ba mẹ quyết định mua cho, từ chuyện đó "tôi cảm nhận có niềm tin từ ba mẹ dành cho mình" - Minh nhớ lại.

Thầy Trần Văn Lâm (phó hiệu trưởng Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng):

Những đề tài của Minh mang tính thực tiễn cao

"Nguyễn Công Minh là học sinh rất chăm chỉ, có tố chất thông minh. Ngoài việc học, Minh cũng thường tham gia các cuộc thi về an toàn giao thông, sáng tạo khoa học kỹ thuật. Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Minh luôn vươn lên, học tốt và nghiên cứu khoa học. Những dự án, đề tài của Minh về nông nghiệp, hỗ trợ cho người khiếm thính mang tính thực tiễn cao".

Học sinh lớp 4 trả lại ví tiền chứa gần 7 triệu đồng Học sinh lớp 4 trả lại ví tiền chứa gần 7 triệu đồng

TTO - Trên đường đi học về, 2 học sinh lớp 4 Trường TH Lam Sơn (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai) nhặt được ví tiền chứa gần 7 triệu đồng. Sau đó, 2 em liền mang đến nhà giao cho cô giáo chủ nhiệm nhờ tìm người đánh rơi để trả lại.

HÀ BÌNH - MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên