12/04/2019 08:36 GMT+7

Cha mẹ sao không dạy con điều tốt và lòng yêu thương?

HOÀNG CHINH
HOÀNG CHINH

TTO - Chỉ trong vòng hai tuần lễ, liên tiếp xảy ra những vụ học sinh mang dao đến trường đâm bạn, thậm chí là thuê giang hồ "xử" bạn, đánh bạn ngã vào cửa kính tét đầu ở một số địa phương khiến cộng đồng không khỏi lo ngại.

Cha mẹ sao không dạy con điều tốt và lòng yêu thương? - Ảnh 1.

Việc đứa trẻ lớn lên thế nào phụ thuộc rất lớn vào cách dạy dỗ của cha mẹ - Ảnh minh họa: GIA TIẾN

Dĩ nhiên, các bậc cha mẹ luôn muốn con mình nên người, trở thành công dân có ích cho xã hội. Thế nhưng bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài, vô tình một số cách dạy con hoặc biểu hiện của cha mẹ đã hằn những vết "đen" lên tâm hồn trẻ thơ, góc độ nào đó đã tích tụ dẫn đến một số biểu hiện đáng lo nơi nhân cách trẻ.

"Vì, do, tại, bị..."

Vừa rồi, một thạc sĩ ngành truyền thông, cũng là một người mẹ, đăng tải một status trên facebook đại ý: chúng ta nên nhìn lại cách cha mẹ dạy dỗ con trước khi đổ lỗi cho những yếu tố khác. Cô viết rằng với một nền giáo dục quá tải, tồn tại quá nhiều vấn đề như lương giáo viên không đủ sống, chất lượng dạy và học còn nhiều bất cập, sẽ ảnh hưởng đến "đầu ra". 

Thế nhưng, cha mẹ đã thật sự dạy dỗ con cái của mình đúng hướng, đã yêu thương và dành thời gian uốn nắn con hay chưa?

Status của cô cũng không nhiều người like, nhưng có vài ý kiến phản đối cô một cách gay gắt. Có người cho rằng hoàn toàn do giáo dục, cha mẹ làm sao mà quản được con. Vâng, đúng là giáo dục có bất cập, thậm chí bất cập rất lớn. Nhưng nói một cách thô thiển, con cái là sản phẩm do cha mẹ tạo ra, tại sao cha mẹ lại phó thác cuộc đời con mình cho yếu tố bên ngoài ?

Nhìn lại mà xem, phần lớn thời gian từ khi sinh ra, con cái chúng ta ở với ai, thừa hưởng giọng nói, dáng đi, tính cách, nhân sinh quan... từ ai? Thầy cô cũng quan trọng đối với trẻ, với khoảng 8 tiếng mỗi ngày nếu học sinh học hai buổi, nhưng thầy cô không thể thay cha mẹ trong việc dạy dỗ.

Cha mẹ sao không dạy con điều tốt và lòng yêu thương? - Ảnh 2.

Cha mẹ nên nuôi dưỡng cho trẻ tình yêu thương, để trẻ như mầm cây lớn lên xanh tốt và giàu lòng yêu thương - Ảnh minh họa: GIA TIẾN

Hình thành nhân cách cho trẻ

Không vơ đũa cả nắm, nhưng dường như chúng ta ít khi nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, có chuyện gì xảy ra với con cũng không chịu tìm hiểu nguyên nhân - hậu quả cặn kẽ. Đôi khi con bị té đau, bị bạn bè đánh, cha mẹ còn lớn tiếng mắng chửi con mình hoặc lôi con đi gặp cha mẹ của bạn con mà mắng vốn, chì chiết, thậm chí bực dọc hỏi tại sao con không đánh lại bạn - bạo lực nối tiếp bạo lực.

Ai cũng cho rằng mình đúng. Thử nghĩ, một đứa trẻ từ khi biết ăn, nếu cha mẹ đút ăn cho chúng ngoài đường, ngoài xóm, thì thường nói: "Ăn đi con không cô kia đánh/ ăn đi không là chú kia giành hết/ ăn mau chứ phù thủy sắp tới". Cùng với đó là hành động vờ đánh vào ai đó, vật gì đó nếu chúng làm con khóc, con không chịu ăn.

Lớn lên một chút, đứa trẻ muốn vứt rác vào thùng rác nơi công viên nhưng cha mẹ cầm lấy vứt cái bộp xuống đất "khỏi mất công kiếm thùng rác". Đứa trẻ cũng chẳng thấy cha mẹ đối xử tốt với ông bà, không thấy cha mẹ giúp ai hoạn nạn, phường vận động đóng góp lũ lụt thì cha mẹ vừa đóng vừa làu bàu.

Buổi tối ăn cơm toàn nghe cha mẹ ngồi bêu xấu đồng nghiệp, kể chuyện tiêu cực ở cơ quan, hoặc mới "vô mánh" nhờ mưu mẹo. Cha mẹ cũng chẳng hỏi han gì con, để con chúi đầu vô điện thoại, ti vi xem linh tinh. Con học giảm điểm là cha mẹ ầm lên "tao cực khổ nuôi mày để mày học hành vậy hả?".

Bạn bè của con đến nhà chơi, có khi vừa chào ra về là cha mẹ hỏi liền con mình "con bé ấy con cái nhà ai, nhà khá không, học được không", rồi nếu con trả lời "học kém lắm", có khi cha mẹ sẽ nói "vậy đừng chơi với nó". Tại sao không là "con có biết tại sao bạn ấy học kém không/ con thử giúp bạn, giảng thêm cho bạn hiểu bài đi"?

Trên đây chỉ là những tình huống, nguyên nhân tương đối nhẹ nhàng để hình thành tính cách của trẻ. Thử hỏi cha mẹ giao cho thầy cô giáo một đứa trẻ bướng bỉnh, hay đánh nhau, không có lòng vị tha, thiếu lòng trắc ẩn... thì thầy cô - cũng là những người bình thường không phải thần tiên - làm sao bây giờ, với một lớp học 40-50 học sinh, với hàng đống thứ phải lo, và với những đứa con của họ nữa.

Ngày trước, thế hệ 7x - 8x cũng có đánh nhau, bứt nút áo dài đấy chứ, cũng có những "bản án" đuổi học nặng nề. Nếu chẳng có thì những câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh đã không được yêu thích, anh chàng Forrest Gump ngốc nghếch nơi trời Tây cũng đã không chạy bán sống bán chết để trốn đám bạn chặn đường mình.

Nói thì dông dài, nhưng trước quá nhiều vấn đề của xã hội ảnh hưởng đến trẻ em, chúng ta nên nhìn nhận trách nhiệm của người làm cha mẹ và cố gắng yêu thương con đúng cách. Chúng ta nỗ lực làm hết khả năng của mình, rồi hãy "hậu trách nhân". Đừng đổ cho công việc bận rộn, bệnh tật, hoàn cảnh, chỉ là một bộ phận trong chúng ta thấy được sự cần thiết phải làm tấm gương tốt cho trẻ, phải dạy trẻ những điều hay lẽ phải.

Đừng bận tâm lẽ thường tình như xã hội này nhiều thứ lộn xộn vậy, tôi dạy con thành người tốt rồi con tôi có chịu thiệt thòi không. Bông hoa nở trong rừng hay trước hiên nhà thì cũng là bông hoa, việc của nó đơn thuần là toả hương.

Bạo lực học đường: không chỉ nhà trường, cha mẹ cũng cần xem lại mình Bạo lực học đường: không chỉ nhà trường, cha mẹ cũng cần xem lại mình

TTO - Vì sao khi tiếp cận một bạn có dấu hiệu yếu thế thì những học sinh lại dùng sức mạnh để chèn ép, xúc phạm? Đó phải chăng là biểu hiện của sự kỳ thị đang chi phối rõ trong hành vi ứng xử?

HOÀNG CHINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên