Một phụ nữ ôm con trên chuyến bay của Qatar Airways đáp xuống thủ đô Kabul (Afghanistan) ngày 9-9 - Ảnh: REUTERS
"Tiểu vương quốc Hồi giáo sẽ thông qua hiến pháp từ đời vua Mohammad Zahir Shah trong một giai đoạn tạm thời", Hãng tin AFP dẫn lời quyền bộ trưởng tư pháp Taliban, ông Mawlavi Abdul Hakim Sharaee, cho biết trong một tuyên bố ngày 28-9.
Nhưng theo ông Sharaee, bất kỳ điều gì có trong văn bản trên xung đột với Luật Sharia và các nguyên tắc của Tiểu vương quốc sẽ bị loại bỏ.
Điều này khiến giới quan sát chưa thể khẳng định liệu sắp tới vai trò của phụ nữ trong xã hội của Taliban sẽ được thể hiện ra sao. Bản hiến pháp cũ cho phép phụ nữ bỏ phiếu, song chưa biết Taliban có loại bỏ điều khoản này hay không.
Trước khi các siêu cường can dự vào Afghanistan gần 6 thập kỷ trước, nước này có giai đoạn ngắn sống trong thời quân chủ lập hiến của vua Mohamad Zahir Shah.
Một năm sau khi nắm quyền (1963), ông đã phê chuẩn hiến pháp trên, mở đường cho gần một thập niên dân chủ nghị viện hiện diện ở Afghanistan.
Hiến pháp năm 1964 của Afghanistan cho phép phụ nữ lần đầu tiên trong lịch sử được tham gia bỏ phiếu. Nó cũng mở cửa cho sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ vào lĩnh vực chính trị, mà ngày nay điều này được xem như khá sai lệch với quan điểm của Taliban.
Trong giai đoạn nắm quyền trước đây ở Afghanistan từ 1996 tới 2001, Taliban loại bỏ vai trò của phụ nữ trong phần lớn các vấn đề công cộng, trong đó có cả công việc lẫn giáo dục.
Khi bắt đầu kiểm soát Afghanistan từ giữa tháng 8 vừa qua, Taliban tuyên bố họ sẽ thể hiện lập trường mềm mỏng hơn, có cách tiếp cận bao trùm hơn so với trước đây, theo AFP.
Tuy nhiên, quan sát chính quyền lâm thời của Taliban hiện nay, AFP nhận định các vị trí hàng đầu đều nằm trong tay những nhân vật theo đường lối cứng rắn, và phụ nữ không được tham gia.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận