Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Amir Khan Muttaqi kêu gọi quốc tế nối lại hoạt động hỗ trợ nhân đạo với Afghanistan - Ảnh: AFP
Ngày 14-9, trong buổi họp báo đầu tiên sau khi Taliban ra mắt thành lập chính phủ mới, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Afghanistan Amir Khan Muttaqi kêu gọi cộng đồng quốc tế nối lại hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan trong khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Theo Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres, hệ thống tài chính của Afghanistan hiện rất khó khăn do không có tiền mặt. Một số chức năng cơ bản của nền kinh tế không thể vận hành và người dân chỉ được tiếp cận tiền mặt một cách hạn chế.
Đài Al Jazeera cho biết ông Muttaqi cảm ơn cộng đồng quốc tế đã cam kết hỗ trợ khẩn cấp hàng tỉ USD cho Afghanistan, cho biết chính quyền sẽ dùng số tiền này để giải quyết đói nghèo, viện trợ những người cần hỗ trợ một cách minh bạch.
Phát biểu của ông Muttaqi đưa ra sau khi LHQ cho biết đã có 1,2 tỉ USD được cam kết hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan.
Cùng ngày, thống đốc tỉnh Helmand trả lời phỏng vấn báo The Guardian đã kêu gọi phương Tây hãy công nhận chính quyền của Taliban tại Afghanistan, và quay lại đất nước này cùng với tiền chứ không phải với súng.
Theo báo The Guardian, thống đốc Talib Mawlawi là người đã có nhiều năm chiến đấu chống lại lực lượng Anh ở thị trấn Sangin. Ông Mawlawi nói: "Chúng ta đối đầu nhau trong chiến đấu và không có dịp biết về nhau trong đời thường. Giờ đây, quý vị có thể có được sự tin tưởng của chúng tôi và giúp chúng tôi hạnh phúc bằng việc công nhận chính phủ này".
"Tất cả các lực lượng nước ngoài xâm lược, giết hại phụ nữ, trẻ em, người già của chúng tôi, phá hủy mọi thứ. Đây là lúc cộng đồng quốc tế nên giúp chúng tôi bằng viện trợ nhân đạo và tập trung cho phát triển giáo dục, kinh tế, thương mại", ông Talib tuyên bố.
Sau khi lực lượng Taliban kiểm soát tỉnh Helmand, lần đầu tiên nơi này không có giao tranh sau 2 thập kỷ. Nhưng giống như tình hình chung cả nước, Helmand đang bên bờ vực sụp đổ kinh tế.
Lương chính phủ đã không được chi trả trong nhiều tuần, từ giữa tháng cuối của chính quyền cũ và tháng đầu của chính quyền mới. Nhiều người làm việc cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã bỏ trốn hoặc các dự án của họ tạm dừng, việc kinh doanh của người buôn bán chậm lại.
Cho đến nay, chưa có quốc gia nào chính thức thừa nhận chính quyền của Taliban tại Afghanistan.
Ngày 13-9, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện trong một phiên điều trần trực tuyến, khi được hỏi liệu Nhà Trắng có công nhận Taliban là một chính phủ hợp pháp không, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thừa nhận Taliban là "chính phủ trên thực tế" của Afghanistan.
Các chuyên gia cho rằng đây là một tín hiệu cho thấy phương Tây đã ngừng nỗ lực tạo ra một nền dân chủ họ muốn ở quốc gia này.
Taliban kêu gọi Mỹ thể hiện 'tấm lòng'
Ngày 14-9, Taliban thúc giục Mỹ thể hiện "tấm lòng" với Afghanistan sau khi họ đã tạo điều kiện để Mỹ hoàn thành việc rút quân và sơ tán hơn 120.000 người hồi cuối tháng 8.
"Mỹ là một nước lớn. Họ cần có một trái tim lớn", ông Muttaqi nói.
Theo Hãng tin AFP, nhiều người dân Afghanistan đang phải bán đồ dùng trong nhà để trang trải cho các sinh hoạt thiết yếu hàng ngày.
Ông Muttaqi cho biết Afghanistan đã nhận được viện trợ từ các nước như Pakistan, Qatar và Uzbekistan. Quốc gia này cũng đang trải qua hạn hán.
Ông Muttaqi cũng nói ông đã thảo luận với đại sứ Trung Quốc tại Afghanistan về vắc xin COVID-19 và các nguyên nhân gây khủng hoảng nhân đạo khác, và Bắc Kinh đã cam kết sẽ sớm viện trợ 15 triệu USD cho Afghanistan.
Kể từ khi Taliban kiểm soát Afghanistan từ giữa tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã ngăn không cho Afghanistan tiếp cận các khoản viện trợ. Trong khi đó, Mỹ cũng đóng băng các tài khoản tiền mặt của Afghanistan tại Mỹ.
ANH THƯ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận