04/01/2016 10:48 GMT+7

Tài sản không rõ nguồn gốc

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Trước lời đồn liên quan 12 lô đất ven biển Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định không có bất cứ lô đất nào ngoài căn nhà đang ở (số 43 Nguyễn Thái Học).

Bí thư Nguyễn Xuân Anh cũng khẳng định tại buổi họp bào rằng ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình.

Thái độ công khai và chủ động thông tin của người lãnh đạo TP Đà Nẵng rất đáng ghi nhận. Nhưng những ai dõi theo vụ việc này vẫn không khỏi thắc mắc về 12 lô đất nói trên.

Theo người chủ trên giấy tờ của các lô đất, ông chỉ đứng tên mua giúp và đây là “chuyện làm ăn riêng tư”.

Chắc chắn mọi công dân đều có quyền sở hữu tài sản và quyền bí mật đời tư. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định các quyền này. Đồng thời, Hiến pháp cũng quy định quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

Nhìn ra thế giới, ở những nước phát triển, nơi pháp luật hết sức tôn trọng quyền sở hữu tài sản và quyền bí mật đời tư của công dân thì mọi công dân phải thực hiện nghiêm túc những nghĩa vụ thông tin về tính chính đáng và hợp pháp về tài sản của mình.

Nếu một công dân mang tiền đi mua khối tài sản lớn thì cơ quan thuế có thể kiểm tra nguồn tiền ấy. Nhiều nước quy định các giao dịch mua bán hàng hóa bằng tiền mặt chỉ được giới hạn trong khoảng trên dưới 3.000 USD. Tất cả các giao dịch lớn hơn số lượng trên đều phải thực hiện qua ngân hàng.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ở nhiều nước Bắc Âu, để mua ôtô, nhà đất, tài sản có giá trị, người mua bắt buộc phải chứng minh rõ nguồn thu nhập hợp pháp.

Ngoại trừ trường hợp may mắn được người thân biếu tặng hoặc thừa kế, một công dân muốn được sở hữu một chiếc ôtô bắt buộc phải lao động bằng chính trí tuệ và công sức của mình. Đây là tính công bằng của xã hội.

Còn ở Việt Nam, người dân mang cả bao tải tiền đi mua nhà đất, ôtô, thậm chí gửi vào ngân hàng cũng chẳng ai hỏi tiền đó từ đâu ra.

Với thói quen sử dụng tiền mặt trong hầu hết các giao dịch, không bị hạn chế về số lượng như ở Việt Nam thì việc quản lý thông tin về tài sản cá nhân cực kỳ khó khăn, đặc biệt là về nguồn gốc tài sản.

Một vị phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội từng kể câu chuyện có thật về người bạn Việt kiều làm ăn, sinh sống tại Đức.

Người Việt kiều này nhờ buôn bán qua lại giữa Việt Nam và Đức trong nhiều năm nên kiếm được số tiền lớn, nhưng vẫn sống trong căn hộ tạm bợ, không dám mua căn nhà to hơn, đơn giản vì sợ sẽ bị cơ quan chức năng sở tại đến “hỏi thăm”.

Thực tiễn thế giới cho thấy một khi kiểm soát tài sản hữu hiệu sẽ giúp ngăn chặn dòng chảy của “tiền đen”, vì lợi ích số đông, đồng thời cơ quan chức năng còn có trách nhiệm bảo mật thông tin nếu thu nhập, tài sản của công dân là hợp pháp.

Vì vậy, muốn chống tiêu cực, tham nhũng không chỉ dừng lại ở kiểm soát thu nhập và tài sản của những người có chức vụ, quyền hạn, mà còn phải kiểm soát cả những tài sản không rõ nguồn gốc.

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên