
Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế Pamela Coke-Hamilton - Ảnh: WTO.ORG
Thương mại toàn cầu có thể suy giảm mạnh
Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) - cơ quan chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Liên hợp quốc nhận định thuế quan mà Mỹ áp lên các nước cùng với các biện pháp đáp trả có thể khiến thương mại toàn cầu suy giảm từ 3-7%, GDP toàn cầu giảm 0,7%, trong đó các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Đó là một con số rất lớn. Nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, thương mại giữa hai nước có thể giảm 80%, và hiệu ứng lan tỏa có thể là thảm khốc", Giám đốc điều hành ITC, bà Pamela Coke-Hamilton, nói với Hãng tin Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố tạm hoãn thuế đối ứng 90 ngày với hàng hóa từ hơn 75 quốc gia/vùng lãnh thổ, song mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc lên tới 145%.
Ngày 11-4, Bắc Kinh đáp trả bằng cách tăng thuế với hàng nhập khẩu từ Mỹ lên 125%.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
“Thuế quan có thể gây ra tác động tiêu cực lớn hơn nhiều so với việc cắt giảm viện trợ nước ngoài”, bà Coke-Hamilton cảnh báo thêm, đồng thời cho rằng các nền kinh tế đang phát triển có nguy cơ bị thụt lùi so với những thành tựu kinh tế đã đạt được trong những năm gần đây.
Theo dữ liệu của ITC, Bangladesh - nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới - có thể mất khoảng 3,3 tỉ USD giá trị xuất khẩu hằng năm sang Mỹ vào năm 2029, nếu mức thuế 37% của Mỹ được giữ nguyên sau giai đoạn tạm hoãn.
Bà Coke-Hamilton cho rằng Bangladesh có thể tìm thấy cơ hội thay thế ở các thị trường châu Âu vốn vẫn có tiềm năng tăng trưởng.
WTO kêu gọi cải tổ
Theo nguồn tin của Reuters, phát biểu tại một sự kiện hôm 9-4, cựu giám đốc WTO Roberto Azevedo cảnh báo sự suy giảm lòng tin với các quy tắc thương mại toàn cầu có thể thúc đẩy việc tạo ra một tổ chức thay thế WTO, trong đó loại trừ một số thành viên hiện tại.
Tổng giám đốc đương nhiệm của WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, kêu gọi các nước thành viên khởi động tiến trình cải tổ ngay tại Geneva, trước thềm hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Cameroon vào năm tới.
Cho đến nay, các cuộc đàm phán nhằm cập nhật các quy tắc của WTO vẫn gặp khó khăn, một phần vì cơ chế đồng thuận của tổ chức yêu cầu sự nhất trí của cả 166 thành viên.
Nỗ lực khôi phục cơ quan phúc thẩm của WTO, vốn từng bị tê liệt dưới thời ông Trump, cũng chưa đạt được kết quả.
Ông Supachai Panitchpakdi, người giữ chức tổng giám đốc WTO giai đoạn 2002 - 2005, kêu gọi cải tổ tổ chức một cách cấp bách.
“Hoặc là cải tổ, hoặc là chúng ta sẽ rơi vào một cuộc suy thoái lớn, thậm chí còn tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính 2008, vì lần này nguyên nhân sẽ đến từ thương mại. Và sẽ không có lối thoát”, ông nói với Reuters.
Hôm 9-4, ông đề xuất với các đại biểu thương mại về việc các nước thành viên tiến hành đàm phán trong 1 tháng về thuế quan, sau đó là các cuộc thảo luận ngắn về việc giảm rào cản thương mại và xây dựng các quy tắc mới.
Tại cùng sự kiện, một nhóm gồm 39 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Canada và Anh, đã bày tỏ ủng hộ WTO, kêu gọi “hành động táo bạo và tập thể” để đảm bảo tổ chức này tiếp tục là nền tảng của một hệ thống thương mại tự do, công bằng và dựa trên luật lệ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận