Sự thật về tin đồn quế có thể chữa đau đầu gối trong 24 giờ

Không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào cho thấy quế có thể chữa khỏi hoặc thậm chí làm giảm đáng kể cơn đau đầu gối chỉ trong một ngày.

đau đầu gối - Ảnh 1.

Quế không đủ để tạo ra tác dụng thần kỳ chữa cơn đau đầu gối trong 24 giờ - Ảnh: THIP

Theo nền tảng thông tin sức khỏe và kiểm chứng thông tin The Healthy Indian Project (THIP), quế được lấy từ vỏ cây quế và chứa nhiều hợp chất như cinnamaldehyde, có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa.

Những đặc tính này nghe có vẻ đầy hứa hẹn, nhưng chúng không đủ để tạo ra tác dụng thần kỳ chữa cơn đau đầu gối.

Quế có giúp chữa đau đầu gối trong 24 giờ không?

Đau đầu gối thường bắt nguồn từ những vấn đề phức tạp, như viêm khớp, rách dây chằng hoặc chấn thương do sử dụng quá mức.

Những tình trạng này liên quan đến viêm, tổn thương mô hoặc vấn đề về cấu trúc mà một bài thuốc dân gian hay một loại gia vị duy nhất không thể giải quyết chỉ trong 24 giờ.

Các nghiên cứu về tác dụng của quế phần lớn chỉ được thực hiện trong phòng thí nghiệm hoặc tập trung vào chứng viêm nói chung, chứ không phải là giảm đau khớp cụ thể ở người.

Có thể quế mang lại một số lợi ích nhất định cho sức khỏe khớp, nhưng đừng kỳ vọng quá mức. Một số nghiên cứu cho thấy quế có thể có tác dụng chống viêm nhẹ.

Một nghiên cứu năm 2015 đăng trên tạp chí Food & Function phát hiện rằng chiết xuất từ quế giúp giảm các dấu hiệu viêm trong mô hình động vật.

Một nghiên cứu nhỏ khác đăng trên Nutrition Research năm 2018 ghi nhận rằng các chất bổ sung từ quế giúp giảm nhẹ mức độ viêm ở người mắc các bệnh mãn tính, tuy nhiên không đề cập cụ thể đến khớp hay đầu gối.

Ngay cả khi những tác dụng này là có thật, thì cũng cần vài tuần hoặc vài tháng mới có hiệu quả, chứ không phải chỉ vài giờ. Hơn nữa, các nghiên cứu trên người về việc sử dụng quế cho sức khỏe khớp còn rất hạn chế và chưa có kết luận rõ ràng.

Điều trị cần dựa vào bằng chứng khoa học

THIP nhận định, các biện pháp tự nhiên mang lại cảm giác an toàn và chủ động, đặc biệt khi liên quan đến thứ quen thuộc như quế.

Những bài đăng trên mạng xã hội thường không có nguồn gốc xác thực, thổi phồng các tuyên bố này bằng những câu chuyện hồi phục kỳ diệu.

Hiệu ứng giả dược (placebo) cũng góp phần. Nếu bạn tin rằng quế giúp ích, có thể bạn sẽ thấy đỡ hơn đôi chút, dù chỉ là trong suy nghĩ.

Thêm vào đó, cơn đau đầu gối có thể khiến người ta cảm thấy mệt mỏi và sẵn sàng thử bất cứ cách nào hứa hẹn mang lại sự giảm đau nhanh chóng.

Đáng tiếc, hầu hết những tuyên bố này đều đến từ nguồn không xác minh, hoặc hiểu sai lợi ích sức khỏe tổng quát của quế như thể nó là "thuốc thần".

Có nhiều lựa chọn thông minh hơn để kiểm soát đau đầu gối. Đau đầu gối có nhiều nguyên nhân như viêm xương khớp, chấn thương hoặc thậm chí là tư thế sai. Vì vậy bước đầu tiên là gặp bác sĩ để xác định rõ tình trạng.

Với các cơn đau nhẹ, Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội hoặc đạp xe để tăng cường cơ bắp hỗ trợ đầu gối. Vật lý trị liệu cũng có thể mang lại hiệu quả rõ rệt nhờ cải thiện khả năng vận động và giảm cứng khớp.

Thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen có thể hữu ích, nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước.

Nếu bạn đang thừa cân, chỉ cần giảm một ít cân cũng giúp giảm áp lực lên khớp. Với các trường hợp nặng, có thể cần đến tiêm corticosteroid hoặc phẫu thuật.

Những phương pháp này được hỗ trợ bởi nhiều thập kỷ nghiên cứu, trái ngược với những lời nói chưa được kiểm chứng về quế.

Bác sĩ Smit Dave, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Sterling và Orthocure ở Ahmedabad (Ấn Độ), cho biết thay khớp gối toàn phần là giải pháp hiệu quả duy nhất cho viêm khớp gối nghiêm trọng.

Ông cảnh báo rằng các loại dầu, kem, gel hoặc phương pháp dân gian chỉ mang lại tác dụng tạm thời và không phải là cách chữa trị.

Sự thật về tin đồn quế có thể chữa đau đầu gối trong 24 giờ - Ảnh 4.Đừng tin chuyện gia vị chữa được ung thư

Một bài đăng trên mạng xã hội gần đây quảng bá công thức Ayurveda để điều trị ung thư giai đoạn IV. Thông tin này không chỉ gây hiểu nhầm mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên