15/02/2025 13:55 GMT+7

Sự sống thông minh giống con người không phải hiếm trong vũ trụ?

Một nghiên cứu mới cho rằng khả năng tồn tại sự sống thông minh giống con người trong vũ trụ có thể cao hơn suy đoán trước đây.

Sự sống thông minh giống con người không phải hiếm trong vũ trụ? - Ảnh 1.

Nghiên cứu mới cho rằng khả năng cao trong vũ trụ có nhiều sự sống thông minh giống con người - Ảnh: NASA

Một nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học đến từ ĐH bang Pennsylvania (Penn State) của Mỹ, ĐH Munich (Đức) và ĐH Rochester (Mỹ) ngày 14-2 đã công bố một khám phá mới trên tạp chí Science Advances, lập luận rằng sự xuất hiện của con người không do may mắn, mà là kết quả tất yếu từ quá trình hành tinh biến đổi.

"Kết quả cho thấy rằng sự tiến hóa của sự sống phức tạp có thể ít liên quan đến may mắn, mà liên quan nhiều hơn đến sự tương tác giữa sự sống và môi trường của nó", giáo sư khoa học địa chất Jennifer Macalady và đồng tác giả của bài báo cho biết.

Trước đó, giới khoa học thế giới đã dựa vào lý thuyết "Các bước khó" của nhà vật lý Brandon Carter công bố năm 1983, cho rằng những giai đoạn biến đổi quan trọng cho sự sống thông minh có xác suất xảy ra rất thấp trong khoảng thời gian ngắn như tuổi thọ của một hành tinh. Do đó khả năng tồn tại những sinh vật giống con người ngoài Trái đất là cực kỳ thấp, theo Hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu mới đã đề xuất rằng sự xuất hiện của con người là kết quả tự nhiên, khi những thay đổi về môi trường trên Trái đất như nhiệt độ và lượng oxy đã lần lượt mở ra đủ các "cửa sổ khả năng sinh sống" trong lịch sử Trái đất.

"Con người không tiến hóa 'sớm' hay 'muộn' trong lịch sử Trái đất, mà là 'đúng lúc', khi các điều kiện đã sẵn sàng", tác giả chính của nghiên cứu Dan Mills từ ĐH Munich giải thích.

Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu kết luận rằng khả năng tồn tại của sự sống thông minh trong vũ trụ có thể cao hơn suy đoán trước đây.

"Thay vì một loạt sự kiện không thể xảy ra, sự tiến hóa có thể là một quá trình có thể dự đoán được, diễn ra khi các điều kiện toàn cầu cho phép", giáo sư thiên văn học và vật lý thiên văn Jason Wright tại Penn State và là đồng tác giả của bài báo nêu.

Nhóm nghiên cứu cho biết họ có kế hoạch thử nghiệm lý thuyết của họ, và đề xuất tìm kiếm dấu hiệu sự sống trong khí quyển các hành tinh ngoài hệ Mặt trời cũng như nghiên cứu sâu hơn về điều kiện sống trong các môi trường khác nhau.

"Hiểu được khả năng xuất hiện sự sống thông minh giúp chúng ta hiểu được vị trí của chính mình trên thế giới", ông Mills nhấn mạnh.

Sự sống thông minh giống con người không phải hiếm trong vũ trụ? - Ảnh 3.Kính viễn vọng lớn bằng 30 sân bóng đá bắt đầu soi tìm sự sống trong vũ trụ

TTO - Kính viễn vọng hình cầu có khẩu độ 500m (còn gọi là FAST) có kích cỡ tương đương 30 sân bóng đá, có khả năng tiếp nhận lượng thông tin lên tới 38gigabyte/giây, nhạy hơn kính thiên văn lớn thứ hai thế giới 2,5 lần.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên