Nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đưa ra kết luận trên sau khi phân tích dữ liệu về xu hướng "dân số" của hơn 71.000 loài động vật - bao gồm động vật có vú, chim, bò sát, lưỡng cư, cá và côn trùng - từ khắp nơi trên thế giới.
Nói chung, các nhà khoa học đồng ý rằng một sự kiện tuyệt chủng đang xảy ra và các loài biến mất nhanh hơn nhiều so với tốc độ chúng được thay thế, theo Forbes.
48% quần thể động vật đang bị thu hẹp
Theo Bảo tàng Lịch sử tự nhiên của Mỹ, một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thường được định nghĩa là thế giới mất đi 75% số loài trong một khoảng thời gian địa chất ngắn - dưới 2,8 triệu năm.
Nghiên cứu trước đây xác định rằng tốc độ tuyệt chủng hiện tại đã cao hơn từ 1.000 - 10.000 lần (tùy loài) so với tốc độ tuyệt chủng “nền tảng”. Điều này khiến một số nhà khoa học lập luận rằng sự sống trên Trái đất đã bước vào "sự kiện tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu".
Việc đánh giá tình trạng bảo tồn của một loài dựa trên các đánh giá do Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) ban hành. Trong số lượng quần thể và nguy cơ tuyệt chủng của hơn 150.300 loài do IUCN đánh giá, 28% được coi là đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng và khoảng 1% đã bị tuyên bố tuyệt chủng.
Theo phân tích của nhóm nghiên cứu, 49% quần thể động vật ổn định, nhưng 48% quần thể đang bị thu hẹp, trong khi chỉ 3% có quần thể đang gia tăng.
Họ cũng tìm thấy bằng chứng cho thấy 33% các loài hiện được phân loại là "không bị đe dọa" trong Sách đỏ của IUCN lại đang thực sự có xu hướng tuyệt chủng.
Tuyệt chủng lần thứ 6 do con người
Đặc biệt, khi so sánh với 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trước đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy đây là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đầu tiên "do hành động của chỉ một loài", đó là con người.
Trên toàn cầu, nhiều loài đang suy giảm do nhiều hoạt động phá hoại của con người. Đặc biệt là mất môi trường sống, chia cắt và suy thoái, sử dụng rộng rãi thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các hóa chất khác, và tác động của các loài xâm lấn. Chúng trầm trọng hơn nguyên nhân biến đổi khí hậu.
Phát hiện của các nhà nghiên cứu củng cố cảnh báo rằng đa dạng sinh học đang trên "bờ vực của một cuộc khủng hoảng tuyệt chủng”, đặc biệt là khi toàn bộ hệ sinh thái bị phá hủy và sụp đổ.
Hiện tại, 40% diện tích đất trên Trái đất đã được thay đổi đặc biệt để sản xuất lương thực cho dân số ngày càng tăng.
Chỉ riêng ngành nông nghiệp toàn cầu đã tiêu thụ hết 70% lượng nước ngọt trên bề mặt Trái đất, và sử dụng khoảng 90% đất rừng bị phá.
Các mối quan hệ đan xen giữa nhu cầu thực phẩm của con người, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học đang gây áp lực to lớn lên hành tinh của chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận