Từ những năm 1980, ếch tự nhiên bị săn lùng với số lượng lớn tại châu Âu khiến loài vật này dường như biến mất tại địa phương, và Liên minh châu Âu (EU) đã phải ra lệnh cấm việc giao dịch ếch trong nội khối.
Tuy vậy, các nhà cung cấp vẫn tiếp tục thỏa mãn nhu cầu thịt ếch của người dân tại châu lục này bằng cách nhập khẩu ếch hợp pháp từ nhiều quốc gia khác.
Theo các nghiên cứu, ước tính từ năm 2010 - 2019, châu Âu nhập khẩu 40,7 triệu ký thịt đùi ếch, tương đương với hơn 2 tỉ con ếch đã bị giết hại để lấy thịt.
Bỉ là quốc gia nhập khẩu đùi ếch nhiều nhất (28.430 tấn từ 2010-2019) nhưng sau đó tiếp tục xuất khẩu 3/4 số lượng đó cho Pháp. Pháp nhập 6.790 tấn đùi ếch từ các nước ngoài châu Âu (chiếm 16,6% tổng lượng đùi ếch nhập khẩu của EU).
Tiếp sau là Hà Lan với 2.620 tấn (6,4%), Ý nhập 1.790 tấn (4,3%) và Tây Ban Nha nhập 923,4 tấn (2,2%).
Đa phần ếch nhập khẩu vào châu Âu đến từ Indonesia, Albania, và Thổ Nhĩ Kỳ.
Loài ếch bị đe dọa
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí chuyên về bảo tồn thiên nhiên Nature Conservation, hàng triệu con ếch bị giết mỗi năm cho nhu cầu thực phẩm, khiến loài động vật lưỡng cư này bị đe dọa ở mức độ địa phương cũng như toàn cầu.
“Ếch vốn là một loài nhạy cảm với ô nhiễm, khủng hoảng khí hậu và nấm. Việc châu Âu tiêu thụ mạnh thịt của loài vật này ngày càng làm cho quần thể ếch ở nhiều quốc gia suy giảm”, tạp chí National Geographic dẫn lời bà Sandra Altherr, thành viên nhóm nghiên cứu và cũng là đồng sáng lập của tổ chức bảo tồn thiên nhiên Pro Wildlife (Đức), cho biết.
Không chỉ bị đe dọa về số lượng, ếch còn bị đe dọa về chủng loài.
Theo tạp chí National Geographic, có ít nhất 190 loài ếch đang được mua bán trên toàn thế giới. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là số ước tính vì các loài ếch rất dễ bị xác nhận nhầm. Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2017 tiến hành phân tích DNA của đùi ếch thu được từ các cửa hàng ở Pháp cho thấy có 206/209 mẫu thu thập được dán nhãn là ếch Java khổng lồ lại không phải là loài này.
Trong số các loài ếch được xác nhận trong nghiên cứu, có 58 loài được Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp hạng là bị đe dọa tuyệt chủng và 10 loài cực kỳ nguy cấp.
Việc suy giảm về số lượng và loài cũng khiến ngành xuất khẩu thịt ếch ở các quốc gia bị ảnh hưởng.
Indonesia đã phải chuyển từ loài ếch có đùi to sang loại ếch ăn cua nhỏ hơn và thường thấy hơn. Tại Albania, việc khai thác quá mức đã khiến loài ếch nước Albania đang bị đe dọa gần như biến mất. Và theo các nghiên cứu, ếch Anatolian đặc hữu ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuyệt chủng vào năm 2023 nếu vẫn giữ mức độ khai thác như hiện nay.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng chân ếch đôi lúc được khai thác bằng cách chặt bỏ khi ếch vẫn còn sống và phần còn lại thì bị bỏ mặc.
“Tất cả những ai muốn ăn món ăn này nên biết về sự tàn ác cực độ đằng sau nó”, bà Altherr nói.
Châu Âu nên chịu trách nhiệm
Chỉ có hai loài ếch được liệt kê trong danh sách khai thác lấy thịt của Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Năm 1985, CITES đã bảo hộ thương mại 2 loài ếch đang phải chịu suy giảm về số lượng ở Ấn Độ và Bangladesh vì xuất khẩu quá mức sang châu Âu.
“Không có hành động nào được đưa ra kể từ đó để kiểm soát việc mua bán đối với các loài còn lại”, ông Mark Auliya - một nhà bò sát học tại Viện Phân tích thay đổi đa dạng sinh học Leibniz, ở Bon, Đức, đồng tác giả bài nghiên cứu - nói với tạp chí National Geographic.
Các nhà nghiên cứu cũng đề xuất nhiều giải pháp để giải quyết các khía cạnh về minh bạch và bền vững cho hoạt động mua bán thịt ếch. Chẳng hạn các nước châu Âu nên đưa ra các quyết định về thương mại và nhập khẩu dựa trên cơ sở khoa học về số lượng và nguy cơ mà các loài ếch đang gặp phải.
Đồng thời, các nước châu Âu cũng nên đặt ra tiêu chí nhân đạo trong việc xử lý ếch, xét nghiệm mức độ thuốc trừ sâu có trong thịt ếch để bảo vệ người tiêu dùng. Số lượng ếch chết trong quá trình vận chuyển và xử lý cũng nên được kiểm đếm.
Annemarie Ohler, chuyên gia về ếch tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia ở Paris, nêu ý kiến với tạp chí National Georaphic rằng nếu không có sự tham gia của EU, mọi thứ sẽ không có gì thay đổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận