Phần mềm quản lý nhân sự Tanca.io - Video: TRƯƠNG KIÊN - ANH THƯ - NHÃ CHÂN
Điều ấn tượng hơn là start-up chuyển đổi số này chưa qua bất kỳ vòng gọi vốn nào, và vẫn vững vàng qua hai năm đại dịch.
Kỳ vọng một sản phẩm chuyển đổi số Việt tầm cỡ
Ra đời năm 2019, từ một phần mềm tập trung cho các giải pháp chấm công, đội ngũ Tanca phát triển 16 nhóm tính năng cho lĩnh vực quản lý nhân sự và công việc của doanh nghiệp. Gần 20 lập trình viên làm việc không kể ngày đêm trong nhiều năm để phát triển phần mềm có độ sâu và chất lượng nhất để phục vụ cho hơn 30 lĩnh vực kinh doanh.
Trần Viết Quân, nhà sáng lập kiêm giám đốc của Tanca, tin rằng chỉ sản phẩm thật sự xuất sắc và được phát triển trong thời gian ngắn mới có khả năng thắng các đối thủ nước ngoài. Quan điểm của Quân là dù đặt sản phẩm của mình cạnh các đối thủ khác thì Tanca phải thật sự khác biệt bằng chính sự sáng tạo của mình.
Từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ có tiếng tại Việt Nam trong nhiều năm, Quân luôn đặt câu hỏi tại sao không nhiều các sản phẩm công nghệ thành công tại Việt Nam. Nếu nhìn về thương mại điện tử sẽ chỉ còn Tiki đấu với Shopee và Lazada. Mảng xe ôm, taxi công nghệ đã nằm trong tay Grab, Gojek, quảng cáo nằm trong tay Facebook, Google.
Việt Nam chỉ còn lợi thế ở mảng OTT như Zalo, ví điện tử như Momo, VNPay. Quân nhận định lĩnh vực công nghệ tiếp theo mà Việt Nam có thể thắng trên sân nhà là SaaS (Software as a service - phần mềm dịch vụ cho thuê) và công nghệ blockchain.
Tuy nhiên, với sự ứng dụng nhanh chóng của công nghệ đã khiến xu hướng khách hàng và người dùng thay đổi. Ngày nay các phần mềm cho doanh nghiệp không chỉ phục vụ cho nghiệp vụ của mỗi bộ phận mà phải hướng đến trải nghiệm người dùng của từng nhân viên.
Các nhân viên đều sử dụng rất nhiều ứng dụng hàng đầu thế giới, do vậy họ dễ dàng đánh giá chất lượng của các ứng dụng. Điều này thúc đẩy các nhà phát triển phải vừa phát triển nghiệp vụ phần mềm chuẩn xác, vừa phải tập trung xây dựng các ứng dụng để tăng trải nghiệm người dùng thì mới có thể giữ được khách hàng về dài hạn.
"Thách thức của Tanca là vừa phải học hỏi và xây dựng theo cách các nền tảng chuyển đổi số hàng đầu thế giới đang làm, nhưng cũng phải sáng tạo ra các tính năng phù hợp với các doanh nghiệp Việt, phải đi rất sát với nhu cầu của thị trường để cải tiến sản phẩm liên tục.
Đều đặn hằng tháng, Tanca đều có phiên bản cập nhật mới, và cứ một năm sẽ có một bản nâng cấp lớn về tính năng và giao diện. Mong muốn lớn của tôi là có thể trở thành nền tảng quản lý nhân sự số một Việt Nam và cung cấp giải pháp này ra thế giới trong vài năm nữa", chàng trai sinh năm 1984 chia sẻ tầm nhìn.
Đặt mình vào vị trí khách hàng chuyển đổi số
Phong trào chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, nhưng số lượng doanh nghiệp thực sự chuyển đổi số và chuyển đổi thành công vẫn còn rất thấp. Vì sao có đến hơn 80% các doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng họ không thể chuyển đổi hay chuyển đổi thành công.
"Điều này xuất phát từ 3 nguyên nhân chính, một là các nhà cung cấp trong nước vẫn chưa tạo ra nền tảng công nghệ thật sự tốt và phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), hai là các doanh nghiệp SME không biết cần phải bắt đầu như thế nào và ba là họ không có đủ kinh phí hoặc họ lo lắng việc đầu tư không hiệu quả", Quân nhận xét.
Do vậy để có thể giúp Tanca bán hàng thành công mà không cần tiêu tốn quá nhiều chi phí cho tiếp thị, Quân bám sát vào ba nguyên nhân trên. Đầu tiên, Tanca phải phát triển các tính năng ở mức đủ sâu để phục vụ chính xác nhu cầu của hàng nghìn doanh nghiệp nhưng phải rất dễ dùng và dễ triển khai. Hai là phải cho các doanh nghiệp được sử dụng miễn phí từ 15-30 ngày với đội ngũ hỗ trợ 24/7. Ba là giá bán phải rất phù hợp hoặc cho phép thanh toán linh hoạt theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.
Quân cho rằng phải nhìn vào các khó khăn mà SME đối diện qua 2 năm dịch COVID-19 vừa qua. Nhìn thấy sự khó khăn của họ để đồng cảm và từ đó đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số.
Tanca sẵn sàng hỗ trợ chi phí cho nhiều doanh nghiệp bị tác động nặng bởi dịch, từ đó giúp họ đỡ đi một gánh nặng mà vẫn có thể sử dụng các dịch vụ.
Một trong những thách thức của chuyển đổi số hiện nay là doanh nghiệp phải dùng rất nhiều phần mềm của các nhà cung cấp và dữ liệu phân tán. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc phân tích dữ liệu theo thời gian thực. Do đó Tanca tập trung làm việc với nhiều nhà cung cấp khác nhau ở các mảng ERP, CRM, POS… để kết nối lại với nhau. Khi các nền tảng được kết nối sẽ giúp cho trải nghiệm của nhân viên được thông suốt, các dữ liệu được tập hợp và phân tích, các doanh nghiệp cũng có nhiều phương án lựa chọn hơn trong việc chuyển đổi số.
"Năm 2024-2025 sẽ là thời kỳ chín muồi của quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Khi đó thị trường sẽ bùng nổ hơn với khoảng 30-40% doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số. Do vậy Tanca sẽ phải tập trung phát triển sâu nền tảng của mình để có thể đón xu hướng bùng nổ này", Quân chia sẻ.
"Chúng tôi bắt đầu sử dụng Tanca vào năm 2021. Hệ thống này giúp cho Vinamilk rất nhiều trong việc tự động chấm công qua Camera trí tuệ nhân tạo. Nhân viên không còn quên chấm công và bộ phận HR cũng giảm tải lớn việc tổng hợp công hằng tháng. Ngoài ra, hệ thống Trình duyệt yêu cầu sử dụng trong HR cũng được số hóa hầu hết giúp giảm thiểu việc gửi yêu cầu như cách cũ.
Việc ứng dụng các công nghệ đám mây thông qua ứng dụng di động cũng giúp cho nhân viên nắm rõ các thông tin về chấm công, tình trạng làm việc cũng như các dữ liệu được chính xác và minh bạch hơn" - ông Nguyễn Tường Huy, giám đốc nhân sự Công ty Vinamilk, cho hay.
Tuổi Trẻ Start-Up Award lần 4 lan tỏa cảm hứng khởi nghiệp
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp còn có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như được quảng bá đến công chúng. Ban tổ chức sẽ chọn các start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: VinaCapital, FE Credit, No.1, IDICo, GIBC, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Vietnam Golf..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, có thể gửi bài viết tự giới thiệu về địa chỉ email: tuoitrestartupaward@tuoitre.com.vn.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận