Theo Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ - NOAA, một nghiên cứu đã cho thấy tỉ lệ bị sét đánh chỉ chiếm phần nhỏ 1/1.200.000. Đặc biệt, người bị sét đánh trúng đến bảy lần như ông Roy Sullivan (sinh năm 1912 ở Greene County Virginia, Mỹ) mà không chết thì càng cực kỳ hiếm hoi hơn nữa.
Kiểm lâm viên cao số
Sinh thời, Roy Cleveland Sullivan là một chàng thanh niên Mỹ to lớn, khỏe mạnh với chiều cao hơn 1,8m, nặng 80kg, có cơ thể rắn chắc như vận động viên thể thao. Từ nhỏ, ông đã yêu thích thiên nhiên và lớn lên vào nghề kiểm lâm đúng con đường mơ ước ở công viên quốc gia Shenandoah.
Lần thứ nhất Roy bị "thiên lôi giáng búa" là tháng 4-1942, khi ông đã vào nghề bảo vệ rừng được sáu năm. Hôm đó, ông đang làm nhiệm vụ canh phòng hỏa hoạn trên một đỉnh tháp canh ở rừng thì mưa bão kéo đến với sấm sét dữ dội. Mặc dù hiểu rõ sẽ rất nguy hiểm khi ở tháp cao khi sấm sét (lúc ấy tháp chưa được gắn thu lôi), nhưng Roy đã không kịp xuống.
Một luồng sét đã trúng vào đúng chân khiến ông bất tỉnh. Đến khi ông tỉnh dậy thì thấy ngón chân cái bị cháy đen trong khi chiếc giày của bàn chân này ướt đẫm máu.
Bị thiên lôi hỏi thăm nhưng Roy chỉ vài hôm đã đi tuần rừng trở lại bình thường. Đồng nghiệp chúc mừng ông may mắn, nhưng thật sự lúc đó khó ai nghĩ nổi chàng kiểm lâm viên này sẽ còn may mắn như có phép màu cứu mạng nhiều lần nữa.
Được 27 năm thiên lôi bỏ quên tên, bỗng dưng đến năm 1969 Roy lại bị sét đánh trúng lần nữa. Ngày đó, ông đang lái xe tuần rừng thì gặp mưa gió và vào đúng "tọa độ sét đánh". Những cú sét đầu đánh trúng vào các cây cao bên đường, sau đó thì trúng vào xe của ông. Dòng điện làm ông bất tỉnh và xe lao vào vách đá bên đường.
May là trước đó, Roy đã giảm tốc độ xe trong màn mưa. Một mình bất tỉnh trong xe, đến khi tỉnh dậy ông cảm giác mình đau rát toàn thân, còn râu, tóc, lông mày thì cháy sém. Thoát khỏi lưỡi hái tử thần gần như chắc chắn, Roy lại may mắn lần thứ hai, khi tia sét trực tiếp giết chết ông hoặc đốt cháy chiếc xe và thiêu rụi ông khi đang gục bất tỉnh. Sự may mắn "nhân đôi" cực kỳ hy hữu.
Sau lần thoát chết thứ hai này, Roy bắt đầu biết sợ và cảnh giác với "trời đánh", nhưng số phận của ông vẫn thật kỳ lạ. Ông lại tiếp tục bị sét đánh và lại sống sót như có phép màu.
Chỉ một năm sau lần sét đánh thứ hai, tức năm 1970, ông lại bị "thiên lôi trút cơn thịnh nộ" khi đang làm vườn. Lần này, sét đánh vào máy biến áp điện gần đó và tia điện trúng luôn vào vai trái ông. Cảm giác như thiêu đốt, ông ngã nhào ra bất tỉnh.
Khi tỉnh dậy thì chiếc áo cháy sém, phần lưng bị bỏng mà đến khi lành nó đã để lại "hoa sét" giống y như tia sét chằng chịt trên bầu trời. "Tác phẩm của thiên lôi" mà ngay cả các thợ xăm tài ba cũng phải ngạc nhiên.
Tới lần thứ tư Roy bị sét đánh lại là một tình huống hy hữu khi trời hôm đó chỉ có mưa nhẹ lất phất, không hề có sấm chớp ầm đùng như thường thấy. Bỗng nhiên ông ù tai như điếc đặc, toàn thân tê điếng và... tóc trên đầu thì bốc cháy.
Ông cố gượng qua cơn đau, cởi áo khoác dập lửa trên đầu nhưng không được. Ông phải cố chạy vào nhà để lấy nước và khăn ướt dập lên đầu...
Không chết vì sét đánh, lại chết vì đạn
Một con người bốn lần bị sét đánh là quá hy hữu, đặc biệt là vẫn sống sót, và có lẽ chính vì thế nên thiên lôi vẫn chưa chịu buông tha Roy. Lần thứ năm ông bị sét đánh là vào ngày 7-8-1973 và cũng lại là lúc ông đang lái xe trong khi cơn mưa lớn đang kéo tới. Mấy lần suýt chết trong những trận trời đất nổi cơn dông gió thế này, nên ông cố lái xe thoát ra khỏi khu vực đó nhưng không kịp nữa.
Một tia sáng lòa ngay trước mắt ông, rồi lửa bốc cháy trên áo ở khoảng vai trái rồi lan xuống quần, xuống bàn chân. Điều kỳ lạ như có phép màu là ông vẫn tỉnh táo để lao người đến chỗ có nước để tự dập tắt lửa. Roy, người kiểm lâm kiên cường mà đến lúc đó đã lớn tuổi vẫn không gục ngã.
Năm 1976, cũng là lần thứ sáu ông bị sét đánh khi đang đi dạo bộ trên đường mòn ở công viên và lại tiếp tục may mắn qua khỏi để về nhà ăn tối với vợ. Lần thứ bảy và cũng là lần cuối cùng Roy bị sét đánh là vào ngày 25-6-1977 khi ông đã 65 tuổi, mới rời việc kiểm lâm viên được vài tháng.
Lần này thì ông đang đi câu cá bên một con sông ở bang Virginia thì bị "trời đánh". Lại tiếp tục may mắn như sáu lần trước đã vượt qua được cơn thịnh nộ của thiên lôi, nhưng lần này Roy bị thương nặng.
Dòng điện sét làm ông hư hẳn thính lực một bên tai, bỏng vùng ngực và ảnh hưởng đến nội tạng của ông, trong đó có bao tử đã không còn được như bình thường...
Sau lần thứ bảy bị sét đánh, Roy trải qua bốn năm kế tiếp an bình. Chưa ai dám chắc ông già có "duyên" kỳ lạ với thiên lôi này có bị sét đánh nữa hay không thì ông lại bất ngờ tự tử vào năm 71 tuổi. Một đêm, ông đã tắm rửa sạch sẽ để lên giường ngủ với vợ và tự chọn cách ra đi bằng một phát súng ngắn.
"Trời đánh" bảy lần không chết, tỉ lệ may mắn như bảy lần trúng số độc đắc, nhưng người kiểm lâm già đã tự kết liễu cuộc đời mình bằng một viên đạn đồng.
Trong đó, thời điểm năm 2017, cả nước xảy ra 16 vụ sét đánh làm 16 người chết; năm 2018 đã tăng lên 22 vụ làm 25 người chết; năm 2019 có 22 vụ sét đánh làm 26 người chết; năm 2020 có 29 vụ sét đánh làm 32 người chết. Sang năm 2021 có 27 vụ sét đánh làm 32 người chết, đặc biệt chỉ gần 7 tháng năm 2022 đã có 36 vụ sét đánh làm 44 người không qua khỏi.
Ở Việt Nam cũng có nhiều người may mắn sống sót khi bị sét đánh, như trường hợp bà Lê Thị Nhàn (ở xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hóa) vẫn may mắn thoát chết dù bị sét đánh đến ba lần. Lần thứ ba cũng là lần bà bị sét đánh nặng nhất vào tháng 7-2012 khi đang làm vườn. Tia điện sét làm bà Nhàn bị bất tỉnh, bỏng nặng và chảy nhiều máu nhưng vẫn qua khỏi. Đến năm 68 tuổi, bà mới mất vì bệnh suy tim.
Theo bà Mary Ann Cooper, chuyên gia y tế quốc tế về chấn thương do sét và John Jensenius, một chuyên gia về vấn đề an toàn sấm sét thuộc Cơ quan Thời tiết quốc gia Úc (NWS), có lý do nhiều người bị sét đánh không chết.
Thực tế thì tia sét trực tiếp đánh trúng người rất hiếm, chỉ chiếm một phần nhỏ trong các trường hợp bị sét đánh. Trường hợp đầu là tia sét đánh xuống mặt đất rồi lan ra mọi hướng. Nếu ở quá gần điểm tia sét đánh trúng, người ta mới có nguy cơ cao bị điện giật tử vong.
Trường hợp khác là tia sét đánh trúng một vật thể cao hơn và gần nạn nhân như cây cối, cột điện, tòa nhà. Lúc đó, người ta chỉ bị một phần dòng điện của tia sét truyền sang từ vật thể cao kia.
Cả hai trường hợp này đều là bị sét đánh gián tiếp và thường ít gây tử vong hơn so với bị sét đánh trực tiếp vào người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận