Phóng to |
Lực lượng biên phòng hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá trên vùng biển quanh đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Quốc Nam |
Khi gặp hoạn nạn, tàu hỏng, trôi dạt hay sắp chìm, ngay lập tức họ được những người dân trên đảo này ra tiếp cứu. Khi bão tố, gió mùa thì nơi trú ngụ an toàn của họ cũng là hòn đảo này...
Ngư dân đi biển vùng này coi đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) như là một điểm tựa giữa trùng khơi.
Hình bóng quê nhà
Nơi được coi nhộn nhịp nhất trên đảo là âu thuyền. Đây không chỉ là nơi ra vào của tàu thuyền từ đất liền, mà còn là nơi neo đậu tàu thuyền của ngư dân các vùng từ Thanh Hóa đến Bình Định đang tham gia đánh bắt cá trên vùng biển rộng 9.000km2 quanh đảo. Mỗi khi gió mùa hay mưa bão là những khi trên đảo này vui nhất.
Dưới âu thuyền tàu đậu kín như nêm. Trên bờ, hàng trăm ngư dân nói đủ các giọng, từ giọng lơ lớ Bắc cho đến giọng Nam Trung bộ. Xen giữa những câu chuyện là tiếng trọ trẹ đặc chất quê của những cư dân Quảng Trị đang sống trên đảo.
“Hễ cứ có tàu thuyền của ngư dân cập vào là y như rằng đêm đó trên đảo được hát hò tưng bừng” - anh Nguyễn Quang Thánh, người được giao quản lý khu dân cư, vui vẻ kể. Giữa bờ kè gió lồng lộng thổi, trên tấm chiếu cói một mâm rượu được bày ra. Rượu thì dân trên đảo gửi mua từ đất liền ra. Người dân thường nói vui là ru-gô-vi-na, tức rượu gạo VN. Thức nhắm thì ngư dân luôn có sẵn. Khách như chủ, ngồi quanh nhắc những câu chuyện dài cho đỡ nhớ quê...
Anh Nguyễn Văn Diệu, một trong số mười hộ dân trên đảo, kể có hôm một tàu từ Bình Định ghé vào đảo. Như mọi hôm, anh loay hoay chuẩn bị mâm rượu, dọn cơm. Người thuyền trưởng da sạm nắng tên Châu cứ trầm ngâm, sau đó ông mang chén rượu đầu tiên lần theo lối mòn xuống mép biển, lẩm nhẩm khấn rồi quỳ xuống nhẹ nhàng vốc một nắm đất hòa vào chén rượu, sau đó rưới xuống biển. “Xong ông rớm nước mắt nói rằng chén rượu này là để tưởng nhớ những ngư dân xấu số đã nằm lại trên biển, bỏ thêm nắm đất cho họ đỡ nhớ quê nhà”.
Đó là bữa rượu buồn nhưng nhiều cảm xúc nhất trên đảo này. “Mãi thành quen, nhiều khi ngư dân ghé vào đảo không phải vì gió bão, mà chỉ ghé vào để được giẫm chân lên đất mẹ, rồi sau đó lại tiếp tục ra khơi. Có khi họ đi cả tháng trời mới trở về nhà”, anh Diệu kể.
Đảo Cồn Cỏ cách đất liền gần 18 hải lý (gần 30km), có ngư trường rộng hơn 9.000km2. Đảo Cồn Cỏ được ví như bức bình phong án ngữ ở cửa ngõ phía nam của vịnh Bắc bộ và là điểm nối quan trọng trên tuyến “đê bao” trên biển Đông. Từ năm 2002, UBND tỉnh Quảng Trị quyết định thành lập tổng đội thanh niên xung phong xây dựng đảo thanh niên Cồn Cỏ. Ngày 11-10-2004, Cồn Cỏ chính thức trở thành huyện đảo. |
Đảo Cồn Cỏ là cửa ngõ phía nam của vịnh Bắc bộ, nên nghiễm nhiên trở thành nơi che chở cho ngư dân mỗi khi hoạn nạn, thiên tai. Mới đây nhất, ngày 13-2-2011, chiếc tàu mang số hiệu QB 2555 do ông Hoàng Văn Hiếu, ở xã Đức Trạch, Bố Trạch (Quảng Bình) đang đánh cá trên vùng biển cách đảo 14 hải lý thì bị gãy trục láp, phá nước, có nguy cơ chìm.
Ngay lập tức, đồn biên phòng Cồn Cỏ tức tốc cho tàu ra cứu hộ. Sau khi đưa lên đảo, sáu thuyền viên được dân đảo chăm sóc, giúp đỡ. Đến mấy tuần sau, khi sửa chữa xong tàu mới trở về nhà. Trước đó, tháng
12-2010, tàu QB 92760 của ngư dân Quảng Bình gặp nạn trên vùng biển cách đảo 16 hải lý cũng được bộ đội và cư dân trên đảo cứu hộ kịp thời...
Ươm mầm xanh cho đảo
Những người dân còn bám trụ trên đảo đều rùng mình nhắc đến gần mười năm gian lao khai hoang trên đảo. Những con đường đầy đá hộc, những mùa hè khô kiệt nước ngọt, những bữa cơm chắp vá là những ký ức ám ảnh họ cho đến bây giờ. Nhiều thanh niên xung phong không chịu nổi đã bỏ vào đất liền. “Dù gì thì cũng không thể bỏ đảo được. Mình bỏ đảo nữa lấy ai ở đây? Rồi mỗi khi ngư dân cập vào sao còn tìm thấy hơi ấm quê hương nữa”, anh Diệu nói như vậy.
Quyết định gắn bó với đảo nên việc xây dựng cuộc sống được đặt lên hàng đầu. Hiện 10 hộ dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ lẻ cho công nhân xây dựng các công trình tại đây. Tuy nhiên, việc khó nhất và là một nỗi lo thường trực của cư dân nơi đây vẫn là tương lai của những đứa trẻ. “Lo cho tương lai các em cũng chính là lo cho tương lai của đảo” - ông Lê Quang Lanh, bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ, nói.
Chiều trên đảo. Cái không khí vắng vẻ của một hòn đảo chỉ có chưa đầy 300 dân cư trở nên sôi động bởi tiếng trẻ thơ chơi đùa. Chị Nguyễn Thị Lan, một cư dân trên đảo, vội vàng bế con gái mới 5 tuổi, tay dắt cậu con trai 7 tuổi đi xuống dãy nhà giáp bờ biển với nét mặt rạng ngời: “Tối nay cả xóm tổ chức tết thiếu nhi cho các cháu. Giờ mấy chị em phụ nữ phải tụ họp để làm bánh sắn (bánh làm từ bột khoai mì).
Trái cây cũng được gửi từ đất liền ra từ lúc chiều rồi”. Cũng háo hức không kém, gần chục chị em trên đảo mới hơn 5 giờ chiều đều tay bồng tay bế những đứa trẻ có mặt ở khoảng sân trống đoạn gần bờ biển, để chuẩn bị ngày 1-6 thật vui cho các em. “Đã có 15 đứa trẻ chào đời trên đảo này rồi đó. Lần lượt các cháu sẽ là thế hệ tương lai của đảo!” - cô Hoàng Thị Thắm, giáo viên Trường mầm non Hoa Phong Ba, ngôi trường duy nhất trên đảo này, tâm sự.
Cô Thắm không thuộc lớp thanh niên xung phong ra đảo gần 10 năm trước, nhưng cô đã gắn bó với đảo này hơn ba năm. Người trên đảo gọi cô là người ươm mầm xanh cho đảo. Lớp mẫu giáo của cô trước có 12 cháu nhưng giờ chỉ còn bảy cháu, bởi các cháu qua tuổi đều phải trở về đất liền học tiếp cấp I.
Trong số hơn chục em nhỏ tham dự chương trình tết thiếu nhi ở khoảnh sân bên bờ biển này có ba cháu mới từ đất liền ra thăm cha mẹ sau khi kết thúc năm học. Cô Thắm nói lớp học nhỏ này không chỉ là niềm vui của những cư dân trên đảo, mà còn là niềm vui chung của cả những ngư dân ghé đảo. “Mỗi khi cập bờ, làm gì thì làm, các thuyền viên đều đi thẳng một mạch từ âu thuyền lên đứng trước cửa lớp. Hỏi mới biết họ lên nhìn cho đỡ nhớ con”, cô kể.
Kỳ 1: Ký ức đại dương Kỳ 2: Những hải trình khủng khiếpKỳ 3: Sống giữa biển đôngKỳ 4:Ngư ông và bão dữ
__________________
Ông Dư kể chuyện một bạn thuyền bị con cá hố phóng theo mồi cắm thẳng vào bụng, ngất xỉu giữa biển mênh mông rồi kết luận: “Biển giả không ai biết trước điều gì. Ngư dân sống với nhau phải hào sảng, mở rộng tấm lòng như biển... thì mới tồn tại”.
Kỳ tới: Mở lòng ra như biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận