07/05/2018 14:44 GMT+7

Sống chết với bài chòi

DUY THANH - THÁI LỘC
DUY THANH - THÁI LỘC

TTO - Trên suốt chiều dài chín tỉnh miền Trung có đến hàng trăm hiệu hô (người ca bài chòi) sống chết với bài chòi...

Sống chết với bài chòi - Ảnh 1.

Hội bài chòi tổ chức ở thôn quê luôn thu hút rất đông người tham gia - Ảnh: THÁI LỘC

Nếu không có mấy đêm bài chòi của Phước thì đảo Cù Lao Xanh buồn lắm, chẳng có gì giải trí

Cụ NGUYỄN VĂN HẠNH

7h tối sáng trăng tại đảo Cù Lao Xanh (tức xã Nhơn Châu của TP Quy Nhơn, Bình Định), nhiều cư dân đã tụ tập cạnh cầu cảng.

Cả nhà theo nghiệp

Ông Trần Hữu Phước cùng vợ là Lê Thị Hoa và con trai lớn Trần Huệ Thiện trong trang phục của anh hiệu hô, lo cân chỉnh âm thanh chiếc loa "kẹo kéo", người trải bạt, đặt bàn...

Người chơi ngồi theo nhóm trong bạt, còn người xem già có, trẻ có quây quần. Mấy quân bài được hiệu Phước bán hết chóng vánh, mỗi quân 5.000 đồng.

"Hiệu phát bài đã đủ, cho hiệu thủ bài tì" - ông Phước cầm micro nói, rồi ôm ống tre đựng các thẻ bài con bắt đầu hô. Không có đàn nhị, kèn thổi, hội đánh bài chòi trên đảo chỉ có chiếc song loan do bà Hoa cầm gõ nhịp. Nhiều tiếng gõ thanh tre được người chơi thủ theo hưởng ứng nhịp nhàng.

"Đàn ông ta có cái nêm/ Đàn bà sinh nhụy lại thêm mẽ đèn/ Đàn bà sáng rực ao sen/ Đàn ông như cửa nọc chèn hai bên/ Hô là con Nhứt Nọc".

"Tôi trúng!" - một người phụ nữ luống tuổi thốt lên ngay sau câu hô của ông Phước. Tức thì bà Hoa đem ngay thẻ con "nhứt nọc" đến đưa ngay cho người vừa trúng.

Những câu thai "nhì nghèo", "ba gà", "tứ xách", "ngũ dụm", "bạch huê"... được gia đình ông Phước trình diễn trong sự hào hứng của dân đảo.

Mỗi ván đánh bài chòi khoảng 15 phút, người tới bài (có ba con trùng với ba con trong thẻ bài lớn) được khen bằng việc trao cờ, uống một chung rượu và 20.000 đồng. Cuộc chơi kéo dài trong hai giờ, không khí rộn rã như hội.

"Dù không có chòi hay đờn, kèn bài bản, nhưng mỗi bận nghỉ trăng là có mấy đêm bài chòi của Phước chớ không thì đảo buồn lắm, chẳng có gì giải trí" - cụ Nguyễn Văn Hạnh, 86 tuổi, bộc bạch.

Nghệ nhân Phước nói mình sinh ra trong bài chòi và lớn lên nhờ bài chòi: "Bà nội tôi là người hô bài chòi rất hay, ru tôi ngủ bằng bài chòi. Tâm hồn tôi được bài chòi nuôi dưỡng".

Thời thanh niên mỗi bận giong thuyền ra biển, những ngón nghề bài chòi được ông Phước hô hát giải khuây cùng bạn thuyền.

Thập niên 1980, bài chòi gần như mất tăm bởi phong trào "nhạc xung kích" và cải lương, ông Phước đi làm kép trong đoàn cải lương của đảo, lưu diễn khắp nơi. Sau ít năm đoàn cải lương rã đám, ông trở lại nghề biển và cưới vợ sinh con...

Đến năm 2012, ông Phước cùng hai cán bộ xã khác được triệu tập vào TP Quy Nhơn để tập huấn hô bài chòi.

"Ngay buổi học đầu tiên khi các nghệ nhân hướng dẫn về bài chòi, tui thấy đã "trúng tủ" rồi! Tối về tui nhớ lại mấy câu thai từng nằm lòng, hôm sau vô hát liền được khen ngợi" - ông Phước nhớ lại.

Chất giọng tốt, lại nhớ nhiều câu thai cổ, biết sáng tác câu thai mới rồi diễn xướng, diễn "cương" đều tốt nên ông chóng thành hạt nhân của bài chòi TP Quy Nhơn. Bà Hoa, vợ ông, cô đào cải lương năm nào, thấy chồng mê bài chòi quá bà cũng mê theo.

Rồi ba người con của họ cũng tập tành hưởng ứng bài chòi cùng cha mẹ. Cả gia đình ông Phước hễ rảnh rỗi là rủ nhau cùng hát, hô và diễn tập bài chòi.

Tiếng lành đồn xa, mấy năm gần đây năm nào gia đình ông cũng được mời vô TP Quy Nhơn diễn bài chòi suốt mấy ngày tết. Nhiều nơi có dịp hội hè lớn là alô mời ông làm hiệu hoặc để gia đình ông tổ chức hội bài chòi, tăng phần hấp dẫn.

Bài chòi đã mang lại cho gia đình ông Phước một nghề ổn định. Bây giờ cứ mỗi thứ bảy và chủ nhật, vợ chồng ông lại vào Quy Nhơn để cùng các nghệ nhân khác mở hội đánh bài chòi phục vụ du khách và người mộ điệu.

Sống chết với bài chòi - Ảnh 3.

Vợ chồng nghệ nhân Trần Hữu Phước và Lê Thị Hoa trong hội bài chòi - Ảnh: DUY THANH

Nhờ bài chòi mà... bán được cá

Khi hỏi về bài chòi ở tỉnh Phú Yên, người ta chỉ ngay đến nghệ nhân Bình Thảng ở khu phố Phú Thọ 3, thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa.

Người nghệ nhân tuổi trung niên không nhớ "bén duyên" với bài chòi từ khi nào, chỉ nhớ rằng khi còn là một cậu bé nằm trong chiếc võng cói đong đưa, ông đã được cha, vốn là một thành viên trong đội bài chòi của làng, ru ngủ bằng làn điệu bài chòi.

Những câu ca, làn điệu, tích tuồng cứ thế thấm vào máu huyết của ông.

"Hồi ấy bài chòi được dân làng biển ưa lắm. Hội đánh bài chòi luôn được tổ chức vào dịp tết và những ngày hát "lăng" mừng được mùa, ngư dân hô bài chòi ngay trên thuyền lúc nghỉ ngơi chờ kéo lưới hoặc trải chiếu tụ tập bên bãi biển mỗi mùa trăng sáng" - ông Thảng kể.

Nhờ có giọng tốt, hô hát hay, ông Thảng rất được mến mộ.

Chuyện đời nghiêm túc có, tếu táo có, cả việc... đi tán gái của ông Thảng đều gắn với bài chòi. Nhưng chuyện ấn tượng nhất vẫn là "bài chòi bán cá". Hồi ông đi "chạy rẩu", mua cá từ biển vào sâu trong đồng bằng để bán, có nhiều hôm ế ẩm cá muốn ươn.

Trong lúc bế tắc, ông cất lên câu bài chòi: "Nhớ thời mùng bốn tháng ba/Kể từ năm Ngọ sang qua năm Mùi/Ông Trời làm mờ mịt tối thui/Con nhà ngư nghiệp chết thời phương xa/Kẻ thời trâu (trôi) tấp hồ Na/Ngừ (người) thời trâu (trôi) lạc Tuy Hòa - Phú Yên...".

Thấy anh bán cá hát bài chòi kể chuyện khốn khổ, hoạn nạn của ngư dân, các bà, các chị mua cá ào ào, hai giỏ cá hết sạch. Kể từ đó, ông tiếp tục "rèn nghề" bài chòi để bán được nhiều cá.

Quá mê bài chòi nên từ năm 1984, trong năm năm liền, mỗi năm ông Thảng đều nghỉ đi biển 4-5 tháng để vào Trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh Phú Khánh (cũ) học về bài chòi.

Nhờ vậy ông được bồi đắp kiến thức từ lịch sử, các làn điệu và cách thức trình diễn bài chòi cả truyền thống lẫn đương đại.

Mưu sinh bằng nhiều nghề nhưng bài chòi cứ vận vào làm lẽ sống của ông một cách xuyên suốt. Lo lắng bài chòi mai một, ông mở lớp truyền dạy bài chòi miễn phí tại quán cà phê nhỏ của mình.

Khi thu hút được một số bạn trẻ, ông thành lập CLB dân ca thôn Phú Thọ 3, nay phát triển thành CLB dân ca bài chòi huyện Đông Hòa.

Phó chủ tịch hội văn nghệ không bằng cấp

dam me 3 (4) 4(read-only)

Nghệ nhân bài chòi Bình Thảng - Ảnh: THÁI LỘC

Nghệ nhân Bình Thảng viết nhiều kịch bản, tham gia biểu diễn cho địa phương, ban ngành của huyện, của tỉnh thi cấp khu vực, cấp toàn quốc và đoạt nhiều huy chương vàng, bạc.

Cũng nhờ vậy mà ông được mời và bầu làm phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện Đông Hòa dù học mới xong lớp 9 và không có bằng cấp chuyên môn nào đáng kể...

___________________________

Kỳ tới: Nghệ nhân... bán vé số

DUY THANH - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên