06/05/2018 16:43 GMT+7

Trên đất tổ của bài chòi

DUY THANH - THÁI LỘC
DUY THANH - THÁI LỘC

TTO - Ngày 5-5, tỉnh Bình Định và Bộ VH-TT&DL tổ chức lễ đón bằng của UNESCO công nhận và vinh danh di sản Nghệ thuật bài chòi miền Trung của 9 tỉnh duyên hải, từ Quảng Bình đến Khánh Hòa.

Trên đất tổ của bài chòi - Ảnh 1.

Cụ Đào Duy Nhơn trước hương án thờ cụ tổ Đào Duy Từ ở Hoài Nhơn, Bình Định - Ảnh: T.L.

Bộ môn nghệ thuật dân gian này đang có một đời sống rất phong phú và sống động.

Đền thờ danh nhân Đào Duy Từ - người được xem là "ông tổ" của nghệ thuật bài chòi - nằm giữa khu vườn rộng, cây cối xanh tươi thuộc thôn Ngọc Sơn Bắc, xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. 

Thủ từ là cụ Đào Duy Nhơn, hậu duệ thứ 14 của vị tổ, cho biết di tích này được công nhận cấp quốc gia, xây dựng vào năm 1859 dưới thời Tự Đức.

“Huyện Hoài Nhơn - nơi được cho là sản sinh ra nghệ thuật đánh bài chòi cổ, cũng là huyện duy nhất ở Bình Định có CLB dân ca bài chòi ở cả 17 xã, thị trấn

Ông Lê Văn Tình

Chuyện về cụ tổ

Cụ Nhơn kể rằng cụ tổ Đào Duy Từ làm việc giúp chúa Nguyễn chỉ trong 8 năm cuối đời. "Theo lịch sử, phần nhiều thời gian cụ Đào Duy Từ ở đất Tùng Châu, tức huyện Hoài Nhơn ngày nay. 

Dòng họ Đào chúng tôi lưu truyền chuyện cụ tổ chức để dân khai khẩn, sản xuất, chỉ huy đào sông Đào kết nối từ sông Lại Giang ra tận Tam Quan. 

Trong quá trình tổ chức đó, cụ Đào Duy Từ đã sáng tạo ra bài chòi xuất phát từ câu chuyện đối đáp để giải khuây cho người dân" - cụ Nhơn kể.

Lời cụ Nhơn có điểm tương đồng với nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, cho rằng khởi nguồn của bài chòi từ những lưu dân người Việt vào phương Nam, họ sản xuất trên những thửa đất khai khẩn, khai hoang, nơi có nhiều thú dữ quấy phá. 

Để bảo vệ thành quả lao động, họ dựng lên những chòi canh nhô cao trên vườn tược, ruộng đồng và dùng những vật phát ra tiếng kêu lớn như mõ, thanh la vừa để xua đuổi muông thú, vừa báo hiệu có người lạ quấy phá. Chính cụ Đào Duy Từ đã phát triển trò chơi đánh bài chòi ở Bình Định...

Trên đất tổ của bài chòi - Ảnh 3.

Đền thờ Đào Duy Từ ở Hoài Nhơn, Bình Định - Ảnh: T.LỘC

Theo lưu truyền trong gia tộc, cha cụ Đào Duy Từ là ông Đào Tất Hán là quản ca thời vua Lê Anh Tông nên cụ Từ cũng có sẵn "máu" văn nghệ. 

Trong 30 năm rời Thanh Hóa lưu lạc khắp nơi ở phương Nam, trải qua nhiều nghề khác nhau, cụ đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, sinh hoạt, lao động nên đã sáng tác nên những câu thai cho hội đánh bài chòi, không chỉ nhằm tạo không khí vui tươi cho người dân mà còn là kinh nghiệm răn đời, dạy người.

Câu lạc bộ bài chòi

Cách đền thờ cụ Từ non cây số là nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Rạng, chủ nhiệm CLB bài chòi cổ xã Hoài Thanh. Khi những tia nắng cuối cùng trong ngày sắp tắt trên khu vườn nhà ông Rạng, các thành viên CLB kéo đến. 

Đó là buổi sinh hoạt định kỳ mỗi tháng, họ cùng trao đổi, bàn bạc các bài bản, sự kiện hoặc góp ý những câu thai mới. Cái bàn ximăng và mấy chiếc ghế nhanh chóng được bày ngay giữa khu vườn để mọi người hàn huyên, trao đổi và diễn xướng.

Mở đầu, ông Trương Văn Xự khoe mới sưu tầm được câu thai (câu ca) cho quân bài "tứ cẳng". "Hai ngừ (người) nói chuyện nhỏ to / Em chui dô (vô) em thấy bốn cái giò nó tréo ngoe". 

Tiếp sau câu ca của ông Xự, bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt chen thêm câu thai "tứ cẳng" mới sưu tầm được: "Em liền đi gặp người thương / Lâu nay lỡ nhớ lỡ thương bóng hình / Ngờ đâu mẹ bắt thình lình / Ba chân bốn cẳng in hình còn đây"... Câu chuyện của họ cứ thế rôm rả, giọng hô hát bài chòi cứ luyến láy vang lên.

Sau đó, bà Nguyệt tiếp tục cùng ông Trần Thanh Sơn đứng lên "trình diễn" cho mọi người gần 15 phút các câu "mồi" (câu hô bài chòi không có tên của con bài, nhưng để thu hút khán giả trước khi vào câu thai để "xổ" tên con bài), câu thai cổ và mới sưu tầm được dự kiến sẽ "trình làng" trong các đợt tổ chức bài chòi sắp tới. 

Tại cuộc sinh hoạt này, ông Rạng đề nghị các thành viên nghiên cứu sáng tác thêm các câu thai mới ứng với cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất hiện tại để thu hút, hấp dẫn người chơi và khán giả, chứ cứ quẩn quanh hệ thống câu thai cũ thì sẽ gây nhàm chán. Đề xuất của ông Rạng được những người có mặt hưởng ứng.

Trên đất tổ của bài chòi - Ảnh 4.

Trao đổi bài chòi trong vườn nhà ông Nguyễn Văn Rạng - Ảnh: THÁI LỘC

Được biết, CLB này thành lập từ năm 2013, quy tụ những người có máu văn nghệ, mê bài chòi - cả cán bộ xã lẫn dân thường. 

Đến nay, CLB có hơn 30 người. Họ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để "rèn nghề" và tổ chức trình diễn trong các hội hè, đình đám và tham gia nhiều hội thi từ cấp xã cho đến huyện, tỉnh.

Ở Hoài Nhơn - nơi được cho là sản sinh ra nghệ thuật đánh bài chòi cổ, cũng là huyện duy nhất ở Bình Định có CLB dân ca bài chòi ở cả 17 xã, thị trấn - hiện đang xúc tiến thành lập CLB bài chòi cấp huyện. 

Theo ông Lê Văn Tình - giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin - thể thao huyện Hoài Nhơn: "Trước kia, hội đánh bài chòi chỉ tổ chức vào dịp đầu xuân, còn nay thì hội đánh bài chòi được huyện Hoài Nhơn tổ chức mỗi dịp tết, lễ lớn. Hiện cả huyện có hơn 80 người hiệu hô, hát tốt, đặc biệt có 20 hiệu là học sinh, có em tuổi mới lên 10".

Bảo vệ trước hội đồng UNESCO

Ông Nguyễn An Pha - chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Định - kể về buổi đoàn Việt Nam bảo vệ hồ sơ "Nghệ thuật bài chòi miền Trung Việt Nam và các hình thức nghệ thuật tương đồng" trước hội đồng UNESCO hôm 7-12-2017 tại Jeju - Hàn Quốc mà cảm giác còn hồi hộp.

Sau mấy phút, đại diện đoàn Việt Nam trình bày hồ sơ bài chòi, vị chủ trì hỏi các thành viên có ai có ý kiến gì không. "Chúng tôi nín thở, hồi hộp và... căng thẳng.

Nhưng sau câu hỏi của vị chủ trì, không ai trong số 24 vị của hội đồng có ý kiến gì, nghĩa là thống nhất rất cao. Chủ trì đóng búa công nhận. Lúc đó, mừng vui vỡ òa. Các đoàn khác chạy đến chúc mừng các thành viên đoàn Việt Nam!".

Khi chuẩn bị bảo vệ, ông Pha xin phép trưởng đoàn Việt Nam và mượn luôn cái bàn của đoàn Venezuela cạnh bên để bày bộ bài và một số nhạc cụ liên quan đến bài chòi.

Những thứ này do ông "tự ý" mang theo trước khi lên đường. Ngay sau thành công, rất nhiều vị khách quốc tế ngạc nhiên trước những hình vẽ "cổ quái và kỳ lạ" của bài chòi Việt Nam.

_____________

Kỳ tới: Những câu ca đam mê

DUY THANH - THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên