"Chuẩn men" thời nay là đàn ông sẵn sàng rửa chén phụ vợ - Ảnh: T.MY |
Đàn ông nội trợ: Chẳng có gì sai!
Trả lời câu hỏi trong bài viết Đàn ông nấu ăn, lau nhà, rửa chén: 'có gì đó sai sai'?, anh Khánh khẳng định: Chẳng có gì sai ở đây hết. Việc gia đình thì mỗi người một tay một chân. Còn nghĩ “sai sai” thì chắc là đang đeo cái mác gia trưởng rồi.
Việc nhà cũng là nghĩa vụ, trách nhiệm của các quý ông để giữ gìn tổ ấm hạnh phúc. Mất gì đâu mà không động tay động chân quét nhà, lau dọn giúp vợ một tí?
“Thời buổi này ai về trước thì lo công việc nhà, có gì đâu mà sai sai. Phụ nữ bây giờ cũng phải đi làm, cũng kiếm ra tiền như đàn ông (có khi nhiều hơn) nên đàn ông cũng phải giúp vợ chứ”, một quý ông nói.
Nhiều ông chồng cho biết từ nhỏ đã phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, nấu cơm, trông em, lớn lên thì theo thói quen lại phụ giúp vợ.
“Thế kỷ 21 rồi, đàn ông đi chợ và cùng vợ mình chia sẻ việc bếp núc nhiều lắm. Mình nhớ lúc 8 tuổi đã leo cây hái đu đủ nấu canh cho cả nhà, đến nay đã ngót 40 năm mà gia đình vẫn êm ấm, nội, ngoại vẫn quý mến, bạn bè, anh em vẫn tình nghĩa, có thấy kỳ kỳ, sai sai cái gì đâu”, bạn Năm nói.
Theo bạn Lê Đình Quế thì chuyện đàn ông làm việc nhà chẳng có gì sai bởi đó cũng là cách thể hiện tình cảm với vợ con.
Ông Phạm Ngọc Hùng còn tự hào khoe mình nấu ăn thuộc hạng ngon nhất nhà. “Chẳng có gì phải lăn tăn hết. Con trai tôi cũng theo tính tôi luôn”, ông Hùng tự hào nói.
Diễn viên Bình Minh: Vợ nấu cơm thì tôi rửa chén
Nam diễn viên Bình Minh và bà xã Anh Thơ - Ảnh tư liệu |
Nam diễn viên, MC Bình Minh chia sẻ dù có người giúp việc nhưng anh vẫn muốn tự tay làm việc nhà vì đó vừa là cách để gắn kết tình cảm vợ chồng, vừa làm gương cho các con và có thể tranh thủ tập thể dục.
“Ở nhà, nếu Thơ (bà xã Bình Minh - PV) nấu ăn thì Minh sẽ rửa chén. Chuyện quét nhà, lau nhà Minh cũng tự làm. Hôm nào đi làm về mệt quá thì hôm sau sẽ làm bù cho bà xã.
Với Minh, đàn ông phải biết chia sẻ việc nhà với người phụ nữ của mình, phải bỏ dần quan niệm chồng đi làm về được ngồi thảnh thơi đọc báo, xem tivi trong khi vợ thì tất bật.
Phụ nữ thời nay cũng cần thời gian, tâm sức phấn đấu cho sự nghiệp như đàn ông, xong việc ở ngoài lại về chăm sóc con cái, nếu chồng còn không chia sẻ trách nhiệm làm việc nhà thì phụ nữ sẽ vất vả vô cùng”, nam diễn viên nói.
Nam diễn viên cho biết chính vì tình yêu, trách nhiệm và nhất là nhìn thấy sự vất vả của người phụ nữ bên cạnh mình nên anh chẳng nề hà việc giúp vợ con chăm lo nhà cửa, tự xông vào làm. Anh quan niệm đàn ông không được để vợ mình vất vả vì phải gồng gánh tất cả mọi việc.
Gia đình nam ca sĩ Hoàng Bách - Ảnh NVCC |
Còn đối với nam ca sĩ Hoàng Bách, không thể mặc định chồng phải làm việc này, vợ phải làm việc kia, tùy vào hoàn cảnh gia đình mà có sự sắp xếp công việc phù hợp, sao cho mỗi người được phát huy thế mạnh, sở trường và được sống theo cách mình muốn.
“Các ông chồng đừng tự đặt áp lực kiếm tiền lên chính bản thân. Nếu vợ kiếm tiền giỏi, còn chồng thu vén việc nhà khéo hơn thì hãy cứ mạnh dạn đổi vai trò cho nhau. Bây giờ có rất nhiều mẫu gia đình như vậy và họ rất thành công. Hãy tự cởi trói cho mình và cũng là cởi trói cho người phụ nữ của bạn”, Hoàng Bách chia sẻ.
Nam ca sĩ quan niệm việc nhà là việc chung, ai giỏi việc gì thì làm việc đó, trên cơ sở mọi người cùng chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau thì chắc chắn sẽ tìm được tiếng nói chung.
“Trước đây khi tôi nấu ăn khá hơn thì người vào bếp thường xuyên là tôi. Lâu dần tay nghề nấu nướng của vợ vượt hẳn mình thì cô ấy đảm nhận. Đàn ông chỉ không làm thay phụ nữ chuyện sinh nở và cho con bú thôi, chứ mọi việc khác đều có thể làm được”, nam ca sĩ hài hước nói.
Đừng nghĩ mình đang “giúp vợ”
Trên quan điểm của một chuyên gia xã hội học, tiến sĩ Phạm Thị Thúy cho biết bà phản đối cách suy nghĩ đàn ông phụ việc nhà là đang “giúp vợ”, bởi việc nhà không phải là trách nhiệm của riêng ai, không phải ai giúp ai, mà ở việc nhà là nghĩa vụ của tất cả các thành viên đối với gia đình.
“Người đàn ông làm việc nhà cũng là đang hoàn thành trách nhiệm của mình, tổ ấm là do hai người cùng tạo dựng. Không nên có suy nghĩ người này chỉ đang giúp đỡ người kia mà nên ý thức rằng đây cũng là công việc của chính mình”, bà Thúy nói.
Khi mỗi thành viên đều ý thức việc nhà là công việc chung thì mọi việc sẽ rất nhanh chóng dễ dàng. Cả nhà cùng chung tay, khi cùng hết việc thì cùng chơi, còn khi mọi người trong nhà đang vất vả mà lại có một thành viên đang chơi thì thật “khó coi”.
Theo chuyên gia Phạm Thị Thúy, dựa vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng gia đình trong từng thời điểm, dựa trên năng lực của từng người mà nên có sự phân công việc nhà cho phù hợp.
Ví dụ như có những lúc chồng làm phải việc nhà nhiều hơn như khi vợ đang mang bầu, có những lúc vợ phải làm nhiều hơn như khi chồng bận rộn công việc, những lúc con cái được nghỉ học thì nên làm việc nhà nhiều hơn lúc đi học,…
“Việc nhà khó phân công rách ròi vì đây là những công việc không tên. Quan trọng là ý thức giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong công việc chung, người này làm cái này thì người kia tự động làm cái khác.
Các thành viên khi về nhà nhìn thấy công việc là tự động bắt tay vào làm, vợ hoặc chồng đang nấu cơm thì người còn lại rửa bát, chăm con. Người có trách nhiệm sẽ tự nhìn thấy công việc của mình, không cần phải phân công”, bà Thúy chia sẻ.
Bà Phạm Thị Thúy cũng khuyên quý đàn ông nên tập làm việc nhà vì tiêu chí chọn chồng của phụ nữ thời nay đã khác xưa.
Không cô gái nào thích việc mình vừa phải đi làm, vừa phải chăm con, tối đến lại quần quật việc nhà cửa mà chồng thì chỉ biết đọc báo, xem tivi.
Nghe Radio về đàn ông vào bếp TẠI ĐÂY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận