12/12/2016 16:17 GMT+7

Đàn ông nấu ăn, lau nhà, rửa chén: 'có gì đó sai sai'?

TRÀ MY
TRÀ MY

TTO – “Ai cũng nói bình đẳng nam nữ nhưng chỉ việc người đàn ông làm nội trợ còn "thấy kỳ kỳ" thì làm sao mà bình đẳng được?”, thạc sĩ Minh Hoa đặt câu hỏi khi chia sẻ với Tuổi Trẻ ngày 12-12.

Các ông bố nấu ăn cho con cái đi thi The Voice Kids tại TP.HCM - Ảnh tư liệu

 

Chồng làm nội trợ: mơ ước của các cô vợ

Một bà nội trợ lên tiếng trên Tuổi Trẻ Online sau khi đọc bài Chồng ở nhà làm nội trợ cho vợ là sai lầm?: "Chồng có thu nhập vài chục triệu mà vẫn chu toàn chuyện nội trợ là mơ ước của em đó".

Còn sau khi đọc bài Chồng tôi cắt rau thì đứt tay, rửa chén thì chén bể, bạn Caophuong bình luận: "Đúng là đọc qua bài viết mà cảm thấy thương thương ông chồng của cô ấy khi phải "đứt tay, bể chén". Quả thực, vụng về kiểu ấy cũng không ít trong thời đại @ hôm nay.

Nhưng, đàn ông ơi! gia đình có hạnh phúc hay không, rất cần đến những sự việc nhỏ nhoi như thế, chưa quen, dần dà sẽ quen thôi mà. Hãy tập tành và chia sẻ với vợ con với. Chúng ta vẫn thấy đó, đa số những đầu bếp giỏi trên thế giới, trong nhà hàng... đều là đàn ông đó thôi. Riêng tôi, rất nhiều công việc phải làm, nhưng những gì vợ làm được tôi cũng chẳng thua. Cố lên hỡi các Đức Ông Chồng".

Bạn PhuongTB đồng tình: "Cũng tại đàn ông nội trợ ít quá, nên người ta thấy kỳ lạ. Giờ mấy anh cứ chịu khó rủ nhau làm nhiều đi, mọi người sẽ quen thôi".

Phân tích để chỉ ra việc đàn ông nội trợ chẳng có gì là kỳ, là yếu yếu như nhiều người vẫn nghị, bạn Lợi cho rằng “bây giờ đàn ông, phụ nữ gì thì cũng phải ra ngoài kiếm tiền, ai rảnh thì làm việc nhà, cái đó là trách nhiệm chứ không thể gọi là phụ vợ được.

Ăn là hai vợ chồng cùng ăn, ai cũng có trách nhiệm rửa chén, làm đồ ăn. Quần áo là hai người mặc, ai cũng có trách nhiệm giặt đồ. Con cái là của chung hai người, ai cũng có trách nhiệm chăm sóc... Ai mà còn nghĩ nội trợ là của phụ nữ thì nên tự coi lại bản thân”.

Có một người cha làm nội trợ, bạn Bảo Quyên cảm thấy chẳng có gì là xấu hổ.

“Ba mình về hưu sớm từ khi mình ra đời. Ba ở nhà nội trợ, đưa đón hao con gái đi học, sửa điện, nước và rất nhiều việc khác. Mình luôn luôn tự hào và yêu thương ba. Ba là người đàn ông tuyệt vời nhất!”, Bảo Quyên viết.

Tếu táo hơn, một quý ông cho biết có ai hỏi thì anh bảo anh đang làm osin trong nhà” mà cũng thấy chẳng vấn đề gì.

“Giúp được vợ con khi về hưu cũng là điều tốt!”, quý ông khẳng định.

"Có gì đó sai sai"?

Thạc sĩ tâm lý-trị liệu Lê Thị Minh Hoa (ViệnTư vấn tâm lý Sunnycare) cho rằng chính vì định giới làm mọi người mặc định suy nghĩ của mình rằng đàn ông nên làm cái này, phụ nữ nên làm cái kia.

Trao đổi với TTO, một chuyên gia tâm lý phân tích, theo quan niệm của người Á Đông thì đàn ông luôn là người phải đứng mũi chịu sào, bôn ba ngoài xã hội và gắn lên vai họ là trách nhiệm lo lắng kinh tế cho gia đình. Quan niệm từ bao đời cũng hình thành nên tâm lý muốn khẳng định giá trị bản thân thì phải bươn chải ngoài xã hội của cánh mày râu.

Vì thế, khi đã xây dựng được nền tảng kinh tế ổn định, người đàn ông chấp nhận lui về lo việc nội trợ, chăm sóc vợ con, nhà cửa tức là họ cũng phần nào dẹp đi cái tôi của mình và nghĩ những việc mình làm sẽ mang đến niềm vui, sự ấm cúng cho gia đình sau nhiều năm bận rộn bên ngoài.

Trên thực tế, công việc nội trợ rất vất vả và cần đầu óc khoa học để làm nhanh, gọn, hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ việc gì không làm ra tiền thì không được tính là công lao động và người làm nội trợ cũng không được nể trọng, được đánh giá cao.

“Ai cũng nói bình đẳng nam nữ nhưng chỉ việc người đàn ông làm nội trợ còn thấy kỳ thì làm sao mà bình đẳng được?” - thạc sĩ Minh Hoa đặt câu hỏi.

Với nhiều người phụ nữ, khi thấy chồng lui về, ban đầu họ có thể rất vui và tự hào vì chồng chia sẻ “trăm việc nhà” với vợ, tuy nhiên, sau đó họ lại bị lung lay vì có vẻ như chuyện đàn ông ở nhà làm mất đi hình ảnh mạnh mẽ mà họ thường nghĩ về chồng mình?

Theo các chuyên gia tâm lý, đây chỉ là cách nghĩ của những người vợ áp đặt quan niệm của bản thân lên người chồng. Việc người vợ khó chịu, có thể là vì họ chưa hiểu hết giá trị của chồng mình.

Sự thành công và giá trị của một người đàn ông không phải chỉ được ghi nhân khi anh ta có địa vị cao, làm ra nhiều tiền mà còn là khi anh biết chia sẻ, lắng nghe, quan tâm và đỡ đần vợ, con trong những công việc ở nhà.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tâm lý chia sẻ lời khuyên không nên quá phụ thuộc vào lời nói của người ngoài mà hãy tự xây dựng tường thành hạnh phúc cho gia đình mình.

“Người ngoài có thể nói bất cứ điều gì, chẳng hạn một người không phụ giúp vợ việc nhà thì họ phê phán nhưng một người đàn ông chịu lui về thì họ lại đánh giá người đó chắc là bất tài vô dụng nên mới phải làm nội trợ. Họ đang tự mâu thuẫn với chính mình” - thạc sĩ Minh Hoa nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cũng khuyên dù lui về nhưng đàn ông vẫn nên giữ cho mình những mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động bên ngoài, vừa để duy trì, trau dồi khả năng của bản thân, vừa để giữ sự tự tin của một người đàn ông.

TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên