Chồng tôi cắt rau thì đứt tay, rửa chén thì chén bể

BẢO NHI 12/12/2016 23:12 GMT+7

TTCT - Ca cẩm chồng mình là chuyện không nên. Nhưng rõ ràng không phải “ông chồng” nào cũng phù hợp với chuyện nội trợ... Những ngày đầu chồng tôi bắt đầu nhiệm vụ nội trợ thay tôi khá vất vả.

Khi chồng vào bếp - Tranh minh họa


Vợ chồng tôi có ba con. Con nhỏ mới 5 tuổi. Chồng tôi chuyên bán các vật liệu chống thấm. Do làm ăn thua lỗ nên tôi bàn với chồng hãy nghỉ kinh doanh một thời gian.

Anh đồng ý vì hết vốn và cũng thất chí. Tôi tiếp tục đi làm trong một công ty, lương cũng đủ trang trải.

Những ngày đầu anh bắt đầu nhiệm vụ nội trợ thay tôi khá vất vả. Anh không nhớ giờ giấc đưa đón con hay nấu cơm. Nhà tôi khắp nơi dán đầy mẩu giấy đủ màu vàng, xanh, đỏ: “6h30 đưa con đi học, 11h đón con về”, “8h đi chợ”, “10h bắc nồi cơm...”.

Nhà tôi giống như rạp hát vì anh phơi đồ khắp mọi nơi. Sau ghế salon cũng có thể mắc vài ba bộ đồ ngủ, sau cầu thang cũng vài cái quần jeans. Trong nhà tắm vô số khăn lớn nhỏ và áo ngủ...

Thỉnh thoảng tôi thấy trong góc nhà có những đống rác to nhỏ khác nhau do anh mải xem tivi rồi quên...

Khi anh phải rửa chén thì thôi rồi! Tôi phải mua chục chén mới, tô mới chỉ sau vài ngày anh làm nội trợ.

Anh thích nấu canh nhưng thường rửa rau nát bét và cắt rau thì đứt tay. Tay anh băng bó thường xuyên. Có khi cái thớt còn phi xuống chân anh. Anh gọt miếng bí đỏ nham nhở, còn củ khoai tây chỉ còn một miếng bé tí.

Anh nấu mặn nên đôi khi tôi phải lén lấy nước sôi đổ thêm vào nồi canh giải mặn. Nồi cá anh kho nhìn vào chỉ thấy xương vì anh để lửa to, mà còn thò muỗng vào khuấy đều nên thịt cá nát hết ra.

Tôi “chữa cháy” bằng cách rủ anh ra ăn nhà hàng cho anh đỡ áp lực nấu nướng, nhưng anh không chịu vì anh nói như vậy phung phí quá. Nhà hàng nào anh cũng chê bỏ quá nhiều bột ngọt, phục vụ chậm, nóng quá hay ồn quá...

Thực đơn trong gia đình anh toàn quyền quyết định, nhưng rõ ràng anh cho ăn toàn món luộc! Một hôm tôi phát hiện anh thay thịt kho bằng thịt gà chiên rất ngon.

Tôi thắc mắc gà mua ở đâu ngon thế, anh chỉ chỗ. Tôi ra chợ thấy cô bán gà thì hiểu vì sao thực đơn mấy ngày liền toàn gà: nào là gà kho, gà luộc, gà chiên, gà rôti, gà hầm đậu, gà hầm cải xanh, gà nấu lá giang...

Cô bán gà quá xinh xắn và ngọt ngào! Anh mua gà và mua cả cuốn sách nấu ăn. Cả nhà phải nói nhìn thấy gà 30 năm sau cũng còn sợ, anh mới thôi món gà.

Quả là trăm thứ buồn cười mà chồng tôi làm khi giữ vai trò nội trợ. Anh làm không chuyên tâm và liên tục kêu ca về sức khỏe và công việc.

Tôi chủ động bớt việc, giảm các sự kiện ngoài giờ làm và từ chối các cuộc cơm tối đi với sếp để làm việc với đối tác nước ngoài, ở nhà phụ anh việc nhà và nấu ăn.

Để giúp anh không mặc cảm tự ti cho rằng mình “vô tích sự”, tôi nghĩ ra nhiều việc cho anh làm như giúp tôi giải quyết các loại giấy tờ có liên quan tới chính quyền địa phương, nhờ anh góp ý và chung tay tổ chức một số sự kiện cho công ty của tôi.

Tôi sẵn sàng khen ngợi anh mọi lúc mọi nơi, nhất là khi anh “hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Cuối cùng tôi thấy mọi việc cũng ổn.

Anh chịu khó ở nhà 3 năm giúp tôi, sau đó có việc khác để làm. Chúng tôi cùng vượt qua giai đoạn khó khăn của đời mình và cuộc hôn nhân của mình.

*Đọc thêm: Chồng ở nhà làm nội trợ cho vợ là sai lầm?

*Theo bạn, đàn ông phải chia sẻ việc nhà với vợ hay không? Đàn ông vào bếp thì "có cái gì đó sai sai" hay không? Có phải đàn ông giúp vợ việc nhà "gần như tuyệt chủng" như một bạn đọc bình luận? Mời các bạn để lại ý kiến ở phần Bình luận bên dưới.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận