Đó là chia sẻ của ông Ngô Xuân Liễu, giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bên lề Tuần cao điểm kết nối cung, cầu lao động tỉnh Thái Nguyên từ ngày 10 đến 17-4.
Số hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng
Theo ông Liễu, quý 1-2023, số lượng người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp có tăng. Đặc biệt tháng 3 vừa qua, số hồ sơ tăng hơn 60 - 70% so với tháng 2 và tăng gần 20% so với cùng kỳ 2022.
Bên cạnh đó, ông nhận định con số gần 149.000 người thất nghiệp do Tổng cục Thống kê vừa công bố là tín hiệu cho thấy "sức khỏe của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề". Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành các giải pháp, chính sách chủ động để sẵn sàng đối đầu với các cú sốc lớn.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, điện, điện tử đang có nhu cầu tuyển dụng trở lại. Nguyên nhân vì có khu vực, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhưng có doanh nghiệp, khu vực khác phục hồi.
"Các ngành thâm dụng lao động, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đã và đang bị ảnh hưởng từ quý 4-2022 cho đến bây giờ và dự kiến tiếp tục ảnh hưởng đến quý 2-2023. Việc dịch chuyển lao động lớn, cú sốc có thể sẽ không có vì doanh nghiệp bị ảnh hưởng hết sức nỗ lực, cố gắng tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới", ông Liễu cho hay.
Đề xuất nhóm giải pháp tránh sa thải
Theo Tổng cục Thống kê, báo cáo nhanh của các địa phương nêu quý 1-2023, các địa phương giãn việc, nghỉ việc nhiều là Thanh Hóa 62.400 người, Bình Dương khoảng 36.400 người, TP.HCM khoảng 19.800 người, Bắc Giang 16.000 người…
Đặc biệt, quý 1-2023, số lao động bị mất việc là gần 149.000 người. Trong đó 55,2% lao động bị mất việc thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, tập trung ở một số thủ phủ công nghiệp như Đồng Nai khoảng 32.600 người, Bình Dương khoảng 21.700 người, Bắc Ninh khoảng 14.000 người, Bắc Giang khoảng 7.700 người.
Từ các số liệu trên, giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm đánh giá đây là tín hiệu về việc tuyển dụng lao động bị ảnh hưởng. Do vậy, ông Ngô Xuân Liễu đề xuất cần có những giải pháp, chính sách "nóng" để thị trường lao động ổn định, tránh tình trạng sa thải, thiếu việc làm.
Giải pháp đầu tiên là nắm bắt thông tin biến động của thị trường lao động để kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.
Thứ hai, các trung tâm việc làm phải đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh qua các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến. Chẳng hạn, Tuần cao điểm kết nối cung, cầu lao động tỉnh Thái Nguyên với các địa phương gồm Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Cao Bằng đang diễn ra.
Ông Liễu cũng cho rằng việc trang bị kỹ năng cứng, kỹ năng mềm, chuyên môn cho người lao động, nhất là học sinh, sinh viên ra trường là việc phải làm ngay trong bối cảnh thị trường lao động biến đổi.
Những ngành nào tuyển việc nhiều?
Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương - giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu tuyển dụng các ngành điện, điện tử, cơ khí. Trong khi đó, ngành dệt may tuyển chậm hơn.
"Qua nắm bắt, doanh nghiệp FDI trên địa bàn Thái Nguyên rất cần lao động có tay nghề, chất lượng cao, tập trung ở các lĩnh vực điện, điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, nhà hàng, khách sạn.
Sở đã thông tin với các cơ sở đào tạo để có những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Thái Nguyên cũng tập trung mở rộng kết nối việc làm với các tỉnh trong cả nước và nước ngoài. Tuần cao điểm kết nối cung, cầu việc làm Thái Nguyên sẽ có gần 150 lượt đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối cung cầu với 4.000 chỉ tiêu", bà Hương thông tin.
Năm 2022, Thái Nguyên đã tổ chức trên 100 phiên giao dịch việc làm, hội nghị giới thiệu việc làm, thu hút hơn 33.000 lượt người tham gia. Từ đó, hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh có việc làm, thu nhập tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận