Ngày 22-5, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp cùng Amazon Global Selling Việt Nam tổ chức hội nghị “Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2024 - Tinh hoa hàng Việt, cất cánh toàn cầu”.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền - phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), doanh số thương mại điện tử bán lẻ có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20% trong 10 năm qua, đưa Việt Nam lọt top những quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất khu vực và thế giới.
Doanh nghiệp Việt mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế
Với mức doanh thu thương mại điện tử toàn cầu lên tới 7.400 tỉ USD, bà Huyền cho rằng Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu qua kênh này khi hội nhập sâu rộng, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do, xu hướng chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang nền tảng số.
Từ thực tiễn, ông Gijae Seong - giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết trong 5 năm chung tay giới thiệu sản phẩm Made in Vietnam ra quốc tế, đã giúp thúc đẩy nền kinh tế trong nước phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới.
Đánh giá tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là vô cùng lớn, ông Gijae Seong chỉ ra 5 xu hướng phát triển quan trọng, đặt nền móng cho ngành xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam.
Đó là việc tăng tốc mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, khi các doanh nghiệp Việt ngày càng mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với sản lượng sản phẩm bán ra trên Amazon tăng 300% trong 5 năm qua.
Xu hướng thứ hai là năng lực xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam ngày càng tăng. Cụ thể, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/năm trên Amazon tăng vọt gấp 10 lần trong 5 năm qua.
Theo đánh giá của ông Gijae Seong, kết quả này cho thấy nỗ lực cất cánh toàn cầu mạnh mẽ của doanh nghiệp địa phương và củng cố vị thế của Việt Nam ngày càng tăng trong lĩnh vực xuất khẩu qua thương mại điện tử.
Các đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon cũng tăng gấp 35 lần. Doanh nghiệp Việt Nam cũng đang ngày càng sử dụng hiệu quả các công cụ hỗ trợ nhà bán hàng của Amazon để tinh giản khâu vận hành kinh doanh.
Xuất khẩu qua nền tảng thương mại điện tử tăng mạnh
Thực tế năm 2023, số lượng các đối tác bán hàng Việt Nam sử dụng hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon tăng hơn 300% so với năm 2019. Thông qua công cụ này, doanh nghiệp giảm tải khâu vận hành, tập trung cải tiến sản phẩm và làm thông suốt quá trình xuất khẩu trực tuyến.
Ngoài ra, CEO của Amazon cũng chỉ ra danh mục sản phẩm có tỉ lệ tăng trưởng cao từ các đối tác bán hàng Việt Nam gồm sức khỏe, chăm sóc cá nhân, nhà cửa, nhà bếp, may mặc và làm đẹp. Kết quả này có được nhờ vào việc không ngừng đổi mới của doanh nghiệp, mở rộng và đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng tăng của khách hàng.
Tuy vậy, lãnh đạo Amazon cho rằng thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự sẵn sàng, thiếu nguồn lực và nhân lực phù hợp để bắt đầu chuyển đổi số, nắm bắt cơ hội.
Đồng tình, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho rằng việc tiếp cận các nền tảng thương mại điện tử lớn trên thế giới vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp.
Đặc biệt tại miền Bắc, những khó khăn mà doanh nghiệp đối mặt như nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu thông tin về xu hướng các quy định liên quan của thị trường nước ngoài; các kỹ năng, kiến thức về xây dựng chiến lược kinh doanh, xây dựng và bảo vệ thương hiệu…
Vì vậy, bà Huyền cho rằng để giải quyết các khó khăn trên cần sự phối hợp chung tay của cơ quan quản lý, các sàn thương mại điện tử lớn, các đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử và sự nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận