Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu tháng 4, số ca COVID-19 có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt trong các ngày cuối tuần và đầu tuần qua, số ca COVID-19 được báo cáo trên hệ thống đã tăng gấp 5-6 lần so với trung bình 2 tháng gần đây.
Số ca COVID-19 gần đây chủ yếu tập trung tại miền Bắc, cao nhất là thành phố Hà Nội. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC Hà Nội) cũng nhận định trong tuần qua, số ca COVID-19 tăng so với tuần trước. Ngày 8 và 10-4, mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 100 ca COVID-19 mới.
Theo khảo sát của Tuổi Trẻ Online tại một số bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi, viêm hô hấp có xét nghiệm COVID-19 dương tính tăng nhẹ. Triệu chứng ban đầu vẫn là ho, sốt, mệt mỏi, viêm phổi, mất vị giác,...
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) tuần qua trung bình mỗi ngày có 10 đến 15 người có kết quả xét nghiệm dương tính. Hiện có 10 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện. Tất cả đều trên 60 tuổi, có mắc các bệnh lý khác như cao huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư.
Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 11-4 đang điều trị cho 74 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 5 ca thở máy, 10 ca thở oxy kính.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, số ca COVID-19 thời gian gần đây có gia tăng. Bệnh nhân có các triệu chứng ban đầu ho sốt, mệt mỏi,…chưa ghi nhận triệu chứng mới ở người bệnh.
Hiện Bộ Y tế chưa có báo cáo về biến đổi chủng vi rút COVID-19 mới xuất hiện tại Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định số ca COVID-19 gia tăng do miền Bắc đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển, trong đó có vi rút SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, còn do tâm lý chủ quan trong phòng bệnh, không sử dụng khẩu trang tại nơi công cộng, khử khuẩn thường xuyên khiến bệnh lây lan. Ngoài ra, tỉ lệ tiêm chủng còn thấp cũng khiến ca COVID-19 mắc nhập viện gia tăng.
Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), COVID-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003.
Trong khi đó, Việt Nam đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế thì tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất có thể xâm nhập vào nước ta.
Tuy nhiên, ông Phu cũng nhận định nếu không xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm hơn, kháng lại các vắc xin đang sử dụng, Việt Nam quản lý được số mắc một cách ổn định, hệ thống y tế không bị quá tải, số ca chuyển nặng, tử vong không nhiều thì dần dần sẽ gọi là kiểm soát ổn định.
"Vì thế, chúng ta cần phối hợp tốt với WHO theo dõi tình hình dịch, giám sát để đánh giá nguy cơ, từ đó có đáp ứng phù hợp để không bị bất ngờ.
Người dân phải chú ý các vấn đề dự phòng. Đó là đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, phải rửa tay khử khuẩn thường xuyên... Chúng ta không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ.
Những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền. Tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế", ông Phu khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận