26/06/2024 14:39 GMT+7

Sinh viên than kiến tập mà làm việc không kịp ăn

Một bài viết được cho là của sinh viên khoa du lịch Trường đại học Nha Trang (Khánh Hòa) vừa đăng lên mạng xã hội, với nội dung cho rằng việc kiến tập “quá sức” của bạn này tại cơ sở lưu trú.

Kỳ kiến tập làm việc với cường độ cao khiến các em sinh viên năm nhất mệt mỏi - Ảnh tạo bằng AI

Kỳ kiến tập làm việc với cường độ cao khiến các em sinh viên năm nhất mệt mỏi - Ảnh tạo bằng AI

Ngày 22-6, một tài khoản xưng là sinh viên năm nhất khoa du lịch Trường đại học Nha Trang chuyên ngành quản trị khách sạn, đăng thông tin khi đi kiến tập 2 tháng tại các khách sạn và resort, bạn này và các sinh viên cùng kiến tập đều phải làm việc như một nhân viên chính thức.

Kiến tập mà làm việc toàn thời gian

"Chúng mình cảm thấy đang bị bóc lột sức lao động một cách triệt để. Là kiến tập, thế nhưng mọi người đều phải làm việc liên tục 8 tiếng/ngày và liên tục trong 6 ngày/tuần, có những bạn còn bị bắt tăng ca ngay ngày đầu tiên (...).

"Thực sự là bọn mình không có thời gian để nghỉ trưa. Có một lần mình đang ăn cơm nhưng khi phòng có phát sinh thêm thì mình đã bị kéo đi để tiếp tục công việc trong khi chỉ mới ngồi ăn", nội dung bài viết đăng tải.

Một phần nội dung bài viết bày tỏ sự bức xúc trong kỳ kiến tập của sinh viên khoa du lịch - Đại học Nha Trang - Ảnh chụp màn hình

Một phần nội dung bài viết bày tỏ sự bức xúc trong kỳ kiến tập của sinh viên khoa du lịch - Đại học Nha Trang - Ảnh chụp màn hình

"Theo như những gì tụi mình hiểu thì đây chỉ là 1 môn học và chỉ có 1 tín chỉ mà lại bắt mọi người đi xuyên suốt 2 tháng trời. Nếu là môn học thì phải có tiết học, thời gian ngày giờ rõ ràng, chứ đâu thể nào bắt tụi mình làm xuyên suốt như một nhân công chính vậy được", bài viết nêu.

Bài viết thu về hàng ngàn bình luận, chia sẻ, tuy nhiên sau đó đã được gỡ khỏi mạng xã hội.

Để làm rõ thông tin, Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với một sinh viên năm nhất, K65 ngành quản trị khách sạn - khoa du lịch thuộc Trường đại học Nha Trang. Sinh viên này đang kiến tập tại một khách sạn ở Nha Trang.

"Công việc một ngày của mình là dọn dẹp giường, phòng, hút bụi… Mình làm 8 tiếng/ngày liên tục trong 6 ngày và không có phụ cấp.

Ăn cơm trưa trong vòng 20 - 25 phút là phải lên làm lại. Phải làm việc quần quật như vậy rất mệt mỏi. Chỉ mong nhà trường, doanh nghiệp giảm giờ hoặc giảm ngày làm trong tuần", sinh viên nói.

Sẽ điều chỉnh số ngày kiến tập của sinh viên

Ông Võ Quang Hoàng - chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa - cho hay về giờ giấc đi làm 8 giờ/ngày trong 6 ngày là chuyện bình thường của một nhân viên buồng phòng. Cường độ làm việc phụ thuộc vào tình hình hoạt động của cơ sở đó.

"Không thể đi kiến tập hay thực tập mà làm cường độ ít hơn, sau này khi các em tiếp xúc với áp lực công việc lớn lại không quen. Nhưng các em là sinh viên năm nhất mới chỉ dừng ở mức kiến tập nên mức độ sẽ khác với thực tập. 

Do đó theo tôi, nên giảm giờ làm hoặc số ngày làm việc để đảm bảo các em tiếp thu đủ lượng kiến thức, vận dụng vào thực tế", ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, các cơ sở trong Hội cũng liên kết với các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để nhận sinh viên thực tập, kiến tập. Mỗi cơ sở sẽ có cách truyền đạt cũng như quy chuẩn phục vụ khách khác nhau.

Thầy Lê Chí Công - trưởng khoa du lịch Trường đại học Nha Trang - cho hay đã nắm được thông tin bài viết trên mạng xã hội. Việc trường cho sinh viên kiến tập sớm giúp các em có trải nghiệm nhiều nhất.

"Vì các em còn mới quá, chỉ vừa xong năm nhất, khi các em đi thực hành thì chưa quen. Khoa đã họp và sẽ đề nghị các doanh nghiệp giảm còn 5 ngày làm/tuần để các em thích nghi dần", thầy Công nói.

Theo thầy Công, kỳ kiến tập này có khoảng 200 em. Khoa cũng đã tổ chức khảo sát và nhận được phản hồi tốt của các sinh viên, việc như phản ánh trên mạng xã hội có thể rơi vào một số trường hợp cá biệt.

Mỗi doanh nghiệp có những chính sách, cách quản lý nhân lực khác nhau, cho nên sinh viên phải phụ thuộc vào doanh nghiệp, trường không can thiệp.

Doanh nghiệp gặp khó khi thực tập sinh đòi hỏi, Doanh nghiệp gặp khó khi thực tập sinh đòi hỏi, 'mất tích', nhảy việc

Nhiều doanh nghiệp "than trời" với thái độ làm việc của nhiều thực tập sinh gen Z từ các trường đại học hiện nay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên