Chiếc áo làm mát được thiết kế để các bác sĩ có thể mặc bên trong bộ đồ bảo hộ. Phần balô đựng đá lạnh, y bác sĩ có thể đeo bên ngoài để tiện thay đá - Ảnh: NVCC
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Bắc Ninh, Bắc Giang, hay tin nhiều y tá, bác sĩ chống dịch ở hai địa phương này ngất xỉu vì phải làm việc cường độ cao giữa thời tiết nắng nóng trong bộ đồ bảo hộ kín mít, nhóm sinh viên K62 của Viện kỹ thuật hóa học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã quyết định chế tạo một sản phẩm dành riêng cho các bác sĩ, y tá mùa dịch.
Đó là một chiếc áo ghilê làm mát cơ thể theo nguyên lý tuần hoàn nước lạnh. Bên trong chiếc áo vải có một lớp bảo ôn và những đường ống mềm chạy dọc theo thân áo cả đằng trước và đằng sau.
Chiếc áo đính kèm một chiếc balô đằng sau để người mặc có thể trút đá lạnh vào đó. Dòng nước mát từ đá lạnh sẽ được một chiếc bơm bơm đi khắp cái áo, làm mát cơ thể người mặc.
Hôm 8-6, nhóm sinh viên Phạm Đình Giỏi, Nguyễn Thị Hương Hảo và Kiều Thị Thùy Linh đã kiểm tra sản phẩm lần cuối. Áo chống nóng có thể "chạy" liên tục trong vòng 8 giờ, tương đương với một ca làm việc của bác sĩ, y tá. Duy chỉ có điều sau 2 giờ thì người dùng áo sẽ phải thay đá lạnh một lần.
Nhóm cũng đang tính toán làm sao tích hợp thêm một túi nước uống có kèm theo ống hút để các bác sĩ, y tá có thể uống luôn.
Mục tiêu của nhóm là sản phẩm chỉ nặng 1kg (so với áo nước ngoài nặng 2kg), giá mềm hơn bằng 1/4 so với áo nước ngoài (sản phẩm nước ngoài khoảng 2 triệu đồng) đã đạt được.
Hôm 8-6, sau khi kiểm nghiệm sản phẩm, nhóm cho biết pin chạy đủ 8 giờ, nếu nhiệt độ môi trường là 32 độ C thì nhiệt độ giữa cơ thể người mặc áo và lớp áo làm mát là 26-27 độ C, có thể làm dịu mát cơ thể khi trời nắng nóng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận