16/10/2017 10:53 GMT+7

Sinh viên có lòng tự trọng, không phải ai cho gì cũng nhận!

MỘC MIÊN
MỘC MIÊN

TTO - Là sinh viên, từng ngửa tay nhận những suất cơm từ thiện, tuy nhiên bạn đọc Mộc Miên cho rằng nếu là người có lòng tự trọng, không phải ai cho cái gì cũng nhận.

Sinh viên có lòng tự trọng, không phải ai cho gì cũng nhận! - Ảnh 1.

Hình ảnh một số sinh viên xếp hàng ở quán cơm 2000 đồng - Ảnh: VŨ TUẤN ANH

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu chia sẻ này của bạn đọc Mộc Miên.

"Thời chưa kiếm ra tiền, mỗi ngày tôi đều đong đếm chi tiêu trong một ngày. Tôi đặt giới hạn: tiêu không quá 30 ngàn/ngày. Hôm nào lỡ thâm hụt thì tôi phải nhịn bù mấy hôm sau. 

Các bạn sinh viên hãy nhớ rằng, cái gì cũng có giới hạn của nó. Đừng nghĩ là mình nghèo nên có ai cho không , bán rẻ cái gì cũng nhận. Tham lam quá sẽ là sân si, ích kỷ quá sẽ hạ nhục chính mình".

Mộc Miên

Tôi luôn chọn những món vừa no lại vừa rẻ. Một tuần, 5 ngày tôi ăn chay. Một phần cơm chay 8 ngàn, hai bữa hết gần 20 ngàn, ăn sáng 8 ngàn nữa là ổn. 

Hôm nào vội, tôi đón xe buýt ở ký túc xá đến trường cho kịp giờ thì tốn thêm 2 ngàn. Lúc thong thả, tôi đi bộ cho khỏe và quan trọng nhất là tiết kiệm tiền.

Năm nhất của tôi gắn với những bữa ăn đạm bạc như thế! Những hôm có cơm từ thiện gần trường, tôi cũng ghé vào nhận. Đương nhiên không có cơm chùa, tôi vẫn sống được. Nhưng tôi muốn tiết kiệm tiền cho ba mẹ.

Cho đến một ngày, cảm giác thèm thuồng những món ăn lạ ở Sài Gòn khiến người tôi bực dọc. Nhưng lấy tiền đâu ra? Câu hỏi ấy cứ thôi thúc tôi. Tôi phải nuốt nước bọt khi nhìn ảnh đồ ăn ngồn ngộn trên mạng.

Sau đó, tôi quyết định cân bằng việc học và làm thêm. Số tiền đầu tiên kiếm được, tôi mua những món ăn trong khả năng mà mình thích. Không còn những đêm đi ngủ với cái bụng rỗng, tôi có thể mua đồ ăn bằng chính số tiền tôi kiếm được. Đương nhiên, tiền làm thêm được không phải chỉ để ăn.

Hôm nay đọc bài báo thông tin anh Vũ Tuấn Anh nói các bạn sinh viên mua cơm 2.000 đồng là không có lòng tự trọng, tôi giả nghĩ nếu bây giờ mình vẫn sống nhờ số tiền phục cấp từ gia đình thì biết đâu tôi lại là một trong những sinh viên bị nhận xét không hay ấy.

Tôi đã từng ở trong hoàn cảnh của các bạn ấy nên đương nhiên tôi khá cảm thông. Nhưng tôi chỉ cảm thông với những bạn khó khăn thật sự, muốn tiết kiệm để phục vụ mục đích học tập. 

Còn với những bạn dành tiền mua trà sữa, đi quán net cày game, hay mua đồ thì tôi phản đối kịch liệt. Nếu có dư thời gian để làm những việc ấy thì đi làm thêm sẽ ý nghĩa hơn.

Sinh viên đừng vin vào cớ nghèo, bận học để ỷ lại, trông chờ người khác. Nằm chờ mãi, sung sẽ chẳng bao giờ rơi trúng miệng, có chăng là quả sung thối.

Ai cũng phải lao động mới có ăn. Các bạn là sinh viên, đâu phải chỉ có học. Trường đời còn dạy các bạn nhiều hơn thế!

Ở nước ngoài, 18 tuổi bạn phải tự lập. Lúc này, không có trợ cấp của gia đình, ngày nào bạn cũng ăn cơm từ thiện sao?

Thật lạ lùng khi tôi nói chuyện với một cô bạn, tôi kể về công việc làm thêm với ngành mình đang học và quyết định không nhận trợ cấp từ gia đình nữa. 

Tôi đã hai mươi, không còn nhỏ để ăn bám gia đình. Bạn ấy nhìn tôi trợn tròn mắt và bảo: "Tao giờ chỉ lo học". Việc đi làm thêm để không ỷ lại từ nguồn trợ cấp gia đình không có nghĩa sẽ lơ là việc học.

Càng lạ hơn nữa khi nghe trong lớp ai không ngửa tay xin tiền gia đình thì nhiều bạn trầm trồ khen giỏi. Một chuyện theo tôi nghĩ quá đỗi bình thường.

Trong lớp tôi có nhiều bạn ngày nào cũng đi học như một cái bóng, không giơ tay phát biểu bao giờ, ghi chép rất cẩn thận nhưng điểm thi cứ lẹt đẹt. Thế các bạn ấy có đi làm thêm không? Câu trả lời là không. Ngược lại, vài bạn vừa học vừa làm nhưng thành tích học tập khá tốt.

Các bạn mua cơm 2.000, đương nhiên chẳng thể dành hết phần cơm người nghèo. Nhưng hôm nào cũng vậy thì tâm lý ỷ lại sẽ ngấm vào trong máu. Đó mới là căn cơ giết chết con người các bạn và cả tương lai đất nước.

Nhưng nếu mới chỉ nhìn thấy các bạn ấy mua cơm 2.000 và nhận xét về bản chất con người, tôi e hơi quá vội vàng. Không phải sinh viên nào mua cơm rẻ cũng là không có tự trọng!

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này? Bạn đồng tình hay có quan điểm khác với ý kiến của bạn Mộc Miên? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

                                                                                                                      

MỘC MIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên