Hình ảnh sinh viên xếp hàng ở quán cơm 2000 đồng được chia sẻ trên facebook - Ảnh: VŨ TUẤN ANH
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này.
Là người thường xuyên làm việc thiện, từng có thời gian tổ chức nấu cơm chay phát cho người có nhu cầu, tôi xin chia sẻ câu chuyện của mình cùng quan điểm về câu chuyện sinh viên rồng rắn xếp hàng mua cơm 2.000 đồng gây tranh luận những ngày qua.
Quan niệm muốn làm việc tốt nào đó cần sự chung tay thì trước tiên mình phải xắn tay làm trước, tôi bàn với gia đình móc hầu bao nấu cơm chay phát miễn phí cho người có nhu cầu.
Riêng với các bạn sinh viên đến với quán cơm 2.000, tôi chỉ có lời nhắn nho nhỏ vốn cũng là bài học tôi nằm lòng từ lời dạy của người đỡ đầu mình khi còn là sinh viên: "Khi chưa có điều kiện, chúng ta hạnh phúc với sự thụ hưởng bởi việc nhận; khi có điều kiện, chúng ta nên biết hạnh phúc với sự thụ hưởng bởi việc cho đi".
Lê Công Sĩ
Thấy việc tôi làm có ý nghĩa (do tôi chụp hình đăng lên facebook mỗi kỳ phát cơm), nhiều bạn bè bắt đầu chung tay hỗ trợ. Từ chỉ trên dưới một trăm suất mỗi lần phát, dần dần số lượng suất ăn tăng vọt lên ba bốn trăm bên cạnh chất lượng bữa ăn cũng cải thiện đáng kể.
Lại do quan niệm "của cho không bằng cách cho" nên tuy phát miễn phí song hàng trăm phần ăn được chúng tôi bỏ vào hộp cẩn thận; cơm, đồ mặn và canh đều để riêng.
Trên hết, trước ngày phát chúng tôi đều treo bảng "quảng cáo": "Tại đây phát cơm chay miễn phí cho người có nhu cầu, vào ngày …".
Tôi dùng chữ "miễn phí" thay cho "từ thiện", tương tự tôi xác định đối tượng nhận cơm là "người có nhu cầu" mà không là "người nghèo" để tránh cảm giác mặc cảm, tự ti (nếu có) nơi người nhận.
Điểm phát cơm của tôi do vậy thường xuyên tấp nập, không khí rất nhẹ nhàng, vui tươi.
Do điểm phát cơm gần một trường tiểu học và cạnh trụ sở một số cơ quan, ban ngành nên người nhận cơm không chỉ có các cô chú bán vé số hay người lao động nghèo, ngược lại có rất nhiều "khách hàng" thường xuyên là những anh chị công chức viên chức đi xe tay ga đắt tiền.
Thấy chen chúc nhận cơm với người lao động là những "khách sang" như vừa nói, có người đã bày tỏ thái độ không hài lòng và phản ảnh với tôi. Đáp lại, tôi chỉ im lặng bởi từ đầu tôi đã xác định đối tượng nhận cơm là "người có nhu cầu".
Người có nhu cầu ở đây có thể là cô chú bán vé số, chị lao công, anh thợ hồ hay các bạn sinh viên vì nhiều lý do muốn tiết kiệm đôi ba chục ngàn cho việc gì đó nhưng vẫn có một bữa cơm ngon dù không cá thịt.
Người có nhu cầu ở đây có thể là người muốn ăn kiêng, có thể là người vì thấy cơm chay khẩu vị lạ, ngon nên muốn dùng … Người có nhu cầu đơn giản chỉ là người có nhu cầu có một suất cơm chay vì bất cứ lý do gì, thế thôi.
Tôi khá ấn tượng với một bà lão bán vé số vốn hằng ngày tôi vẫn hay ủng hộ.
Gần đến ngày phát cơm, gặp bà lão ở quán cà phê tôi có báo cho bà việc phát cơm, đồng thời gợi ý bà hoặc có thể tiện đường thì đến nhận hoặc bà ở đâu tôi cho người mang đến.
Đáp lại, bà lão nói: "Thôi được rồi, ngoại cảm ơn. Ngoại không có nhu cầu, con thấy vậy chứ ngoại cũng còn con cháu lo. Hãy để những phần ăn đó cho người cần hơn".
Vậy đó, bà lão nhìn tuy "nghèo" song lại là người không có nhu cầu nhận cơm của tôi, trong khi người "giàu hơn" lại là đối tượng cần nhận.
Nhận ra điều ấy và như đã nói từ đầu do quan niệm đối tượng nhận cơm là người có nhu cầu nên tôi không lăn tăn bất cứ điều gì khi chứng kiến bất kỳ ai đến nhận quà của mình. Nếu không là người trong cuộc hẳn tôi sẽ không có trải nghiệm thú vị đó.
Từng là sinh viên nghèo trọ học trong chùa, từng có những bữa cơm canh rau lỏng bỏng, từng là đối tượng thọ nhận sự trợ giúp tôi phần nào thấu hiểu hoàn cảnh sinh viên.
Ngày nay tuy hoàn cảnh mỗi sinh viên mỗi khác song tôi nghĩ phần lớn sinh viên vẫn còn là đối tượng cần có sự tương trợ.
Sinh viên đến quán mua phần cơm 2.000 đồng có thể không hẳn tất cả các bạn đều quá khó khăn, càng không hẳn tất cả các bạn đều đủ đầy hay giàu có.
Tôi chỉ có lời nhắn nho nhỏ vốn là bài học nằm lòng từ lời dạy của người đỡ đầu mình khi còn là sinh viên: "Khi chưa có điều kiện, chúng ta hạnh phúc với sự thụ hưởng bởi việc nhận; khi có điều kiện, chúng ta nên biết hạnh phúc với sự thụ hưởng bởi việc cho đi".
Đơn giản hơn, hãy tiếp nối những điều tốt đẹp, đó là cách tốt nhất chúng ta "trả ơn" cuộc đời.
Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, bạn nghĩ sao về câu chuyện này? Bạn đồng tình hay có quan điểm khác với ý kiến KTS Lê Công Sĩ? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về địa chỉ: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận