Ảnh minh họa - Ảnh TTO
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, tại phiên họp HĐND tỉnh Đồng Tháp chiều 14-7, đại biểu Lê Thị Huyền Phong - hiệu trưởng Trường THPT Đỗ Công Tường - phản ảnh tình trạng người không vay tiền cũng bị gọi điện thoại quấy rối làm phiền, "khủng bố", thậm chí gọi đến cơ quan đơn vị công tác của người không liên quan để quấy rối.
Dù chỉ là một phiên họp cấp tỉnh, nhưng vấn đề bà Phong đặt ra đã chạm đến vấn đề chung của bạn đọc khắp cả nước. Hàng trăm ý kiến bình luận không chỉ phản ảnh sự nhũng nhiễu của vấn nạn sim rác, mà còn hiến kế "bắt tận tay, day tận trán" vấn nạn này.
Thường xuyên bị quấy rối, bạn đọc Phạm Minh Hiền viết: "Gần đây lại xuất hiện kiểu mời vay qua điện thoại, gọi điện lúc 12 giờ trưa, hỏi là: "Em bên công ty tài chính, anh chị có cần vay tiền không?". Tôi hỏi lại: "Em bên công ty tài chính nào mà gọi mời vay tiền vào giờ này?". Họ cúp máy ngang".
Tuy nhiên, theo bạn đọc Phạm Minh Hiền, vụ việc chưa dừng lại ở đây. Từ ngày hôm đó cho đến tuần sau, mỗi một ngày ông nhận vài chục cuộc gọi kiểu thế này.
Về ý này, bạn đọc Linh Nguyen bổ sung: "Vấn đề ở đây là nhà mạng nghĩ gì khi cung cấp sim để quấy rối khách hàng của mình? Nhà mạng yêu cầu người sử dụng cung cấp thông tin cá nhân và cũng phải có trách nhiệm với khách hàng của mình chứ".
Không chỉ tư vấn vay tiền, tư vấn bảo hiểm, sim rác còn lộng hành đến cả việc vu khống người và đòi nợ thuê.
Về ý này, bạn đọc nick name Phuong Nguyen bức xúc: "Nếu là người vay không trả nợ bị khủng bố còn chấp nhận được. Nhưng người không vay, không liên quan lại bị khủng bố tinh thần thì khổ cho họ".
Theo bạn đọc Phuong Nguyen, đòi nợ thuê là bất hợp pháp, vi phạm pháp luật. Và như vậy đã có đủ bằng chứng kết tội. Nếu các cơ quan chức năng có trách nhiệm làm hết lòng, chắc chắn sẽ dẹp được.
Cùng tâm trạng "đau khổ" không kém, bạn đọc nick name VD viết: "Một tuần lễ nay, tôi nhận hàng loạt cuộc gọi tự xưng là người của tổng đài, là người của công an đòi tôi trả tiền cước, đòi khởi tố ra tòa án tối cao...".
Bạn đọc này tự hỏi: "Tôi chẳng biết kêu ai và trách ai. Nhà mạng thì yêu cầu photo CMND, chụp ảnh chân dung; đi bệnh viện, mua sắm... thì đòi số điện thoại. Cuối cùng ai là người bán thông tin?".
Về giải pháp, theo rất nhiều bạn đọc, không phải không có biện pháp trị nạn sim rác, vấn đề là các cơ quan chức năng có muốn làm hay không mà thôi.
Xung quanh ý này, bạn đọc Đức Nguyên góp ý: "Nói thẳng nếu công an vào chiến dịch thì sim có là rác thì công an vẫn định vị được vị trí xuất phát của cuộc gọi, và với kỹ thuật trinh sát của ngành công an thì việc biết ai ở nhà nào, tầng mấy, gọi thời điểm nào là hoàn toàn làm được".
Là người làm trong ngành CNTT, bạn đọc Đức Nguyên cho rằng cách xử lý đó gọi là dấu vết kỹ thuật. Khi gọi hay gửi tin nhắn thì bắt buộc phải qua các trụ BTS liên lạc, về kỹ thuật sẽ có mã hóa vị trí mã của các cuộc gọi và tin nhắn này từ trụ BTS nào.
Bạn đọc này hiến kế: "Sâu xa hơn là dùng xe kỹ thuật bắt sóng rà soát, có thể định vị được một người mở máy hoặc kể cả tắt máy vì smartphone luôn truyền tín hiệu để kết nối tối thiểu với nhà mạng qua các trụ BTS. Do đó quan trọng là có muốn làm hay không mà thôi. Kỹ thuật truy vết là có, và lực lượng an ninh công an Việt Nam có công nghệ đó để truy vết".
Góp ý cho các cơ quan chức năng, bạn đọc Hai Lúa Miền Tây viết: "Xác định được công ty tài chính cho vay tức là xác định được công ty đòi nợ thuê, khởi nguồn nơi gọi điện khủng bố thì tại sao lại không có biện pháp xử lý?".
Bạn đọc này hiến kế: "Đầu tiên bắt các công ty đòi nợ ký cam kết chịu trách nhiệm nếu nhân viên làm sai và chịu trách nhiệm bồi thường tiền bạc, danh dự cho người bị khủng bố. Tình trạng này không riêng tại Đồng Tháp. Cần xin ý kiến Bộ Công an có biện pháp mạnh tay với loại hình làm mất an ninh trật tự xã hội này".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận