17/09/2019 14:21 GMT+7

Sếp Nhật nêu lý do vì sao sản xuất ở Việt Nam đắt hơn ở Thái

Ông SEIJI SHIRATAKI (tổng giám đốc Công ty TNHH  ENKEI Việt Nam) - NGỌC AN ghi
Ông SEIJI SHIRATAKI (tổng giám đốc Công ty TNHH ENKEI Việt Nam) - NGỌC AN ghi

TTO - Mỗi tháng, đơn hàng sản xuất vành xe của nhà máy là 30.000 - 35.000 trong khi để có thể cạnh tranh số lượng cần phải gấp 3, nên giá lúc nào cũng cao hơn 5-10% so với Thái Lan. Đấy là chưa nói đến chính sách thuế...

Sếp Nhật nêu lý do vì sao sản xuất ở Việt Nam đắt hơn ở Thái - Ảnh 1.

Tại bộ phận sản xuất cản sau ôtô của một doanh nghiệp Việt - Ảnh: CÔNG TRUNG

Sau tuyến bài “Cơ hội cuối cùng cho công nghiệp ôtô Việt Nam?”, Tuổi Trẻ mời bạn đọc, chuyên gia, doanh nghiệp góp ý. Xin giới thiệu ý kiến đầu tiên của một lãnh đạo doanh nghiệp FDI.

Thị trường ôtô Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng nhưng quy mô sản lượng sản xuất nội địa lại rất thấp. Trước áp lực cạnh tranh của làn sóng nhập khẩu, các nhà sản xuất linh phụ kiện trông mong Chính phủ sớm có những chính sách để không phải lo lắng về tương lai mờ mịt.

Chúng tôi đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 và trở thành nhà cung ứng nguyên vật liệu cho các hãng xe như Toyota, Trường Hải, Honda, Nissan, Mitsubishi trong ngành ôtô. Với sản phẩm chính là vành xe (đúc từ nhôm), năng lực sản xuất của ENKEI hiện nay khoảng 24.000 vành/tháng, tăng gấp rưỡi so với lúc mới đầu tư. Dù lượng đơn hàng chúng tôi nhận được đang tăng cao hơn so với năng lực sản xuất nhưng bài toán mở rộng đầu tư sản xuất vẫn là thách thức không nhỏ với chúng tôi.

Thị trường ôtô cũng như thị trường cung ứng linh phụ kiện cho ngành ôtô đang tăng trưởng tốt. Nhu cầu tiêu dùng của người dân với ôtô đang tăng lên rất nhanh. Dòng xe nhập khẩu đang tràn về rất nhiều. Thực tế này đặt ra khó khăn cho chúng tôi, khi sản xuất trong nước bị thu hẹp trước làn sóng nhập khẩu. Chúng tôi cũng đã bị giảm khoảng 10% đơn hàng, trong khi một số nhà sản xuất có thể đứng trước nguy cơ phá sản.

Với ngành sản xuất, phải có thị trường với dung lượng đủ lớn, quy mô đơn hàng phải lớn thì mới có thể giảm giá thành sản phẩm. Hiện đơn hàng chúng tôi nhận được bình quân là 30.000-35.000 vành/tháng, để cạnh tranh phải có đơn hàng ít nhất 100.000 sản phẩm/tháng. 

Với lượng đơn hàng thấp như vậy nên giá thành sản xuất cho mỗi chiếc vành mà ENKEI đang làm thường có giá cao hơn các nước trong khu vực từ 5-10%. Như tại Thái Lan, nhà máy của chúng tôi sản xuất có giá thấp hơn.

Trước đây, chúng tôi quyết định rót vốn vào Việt Nam bởi nhìn thấy tiềm năng và lúc bấy giờ thuế nguyên liệu nhập khẩu (nhôm) là bằng 0%. Thế nhưng, thuế tăng liên tục, năm 2016 lên 2% và 2017 tăng lên 3%... 

Nguyên vật liệu chiếm tới 40-50% giá thành sản phẩm, nên việc tăng thuế làm sản phẩm tại Việt Nam kém cạnh tranh hơn so với Thái Lan, Indonesia.

Mỗi năm chúng tôi có doanh thu 50 triệu USD thì riêng tiền thuế đã mất 1,5 triệu USD. Điều này cũng làm cho chúng tôi rất băn khoăn việc có nên mở rộng đầu tư hay không. Với năng lực hiện nay chỉ khoảng 24.000 vành/tháng, thực hiện theo kế hoạch trước đây, chúng tôi đầu tư mở rộng sản xuất hai dây chuyền. Bài toán đang rất rủi ro, chính sách về ngành ôtô của Việt Nam hiện chưa thực sự rõ ràng, đặc biệt liên quan đến thuế.

Nhiều nhà đầu tư là bạn của tôi trong ngành ôtô chia sẻ, nếu Chính phủ có chính sách rõ ràng thì họ sẵn sàng đầu tư hoặc mở rộng năng lực nhà máy. Nhưng giờ chính sách không rõ ràng nên các hãng xe chưa thể quyết định đầu tư hay không. Còn với nhà sản xuất linh kiện như chúng tôi, nếu như hãng xe trong nước không đầu tư thì tương lai của chúng tôi cũng rất mờ mịt.

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy các nhà sản xuất linh kiện Trung Quốc vào thế khó, họ có thể nhận làm với giá rất rẻ, thời gian ngắn. Doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ càng khó khăn hơn. Đến nay với số tiền tích lũy được, ENKEI đã đầu tư vào hai dây chuyền sản xuất mới với 10 triệu USD. 

Tương lai chúng tôi phụ thuộc vào chính sách của Chính phủ, nên chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm có các chính sách rõ ràng, đặc biệt là chính sách thuế, ưu tiên cho các nhà sản xuất nội địa, và các hỗ trợ thiết thực như ưu đãi vốn vay với lãi suất thấp. Việt Nam cần tạo ra hàng rào với hàng nhập khẩu, hoặc có chính sách bảo vệ tốt hơn sản xuất trong nước.

Ngành ôtô rất tiềm năng. Nếu không có chính sách rõ ràng, tôi nhấn mạnh lại: thực sự tương lai sẽ rất mờ mịt.

Mời độc giả tham gia Diễn đàn về Công nghiệp hỗ trợ cho ôtô

Loạt bài về "Cơ hội cuối cùng cho công nghiệp ôtô Việt Nam?" đăng trên báo Tuổi Trẻ cho thấy còn rất nhiều điều cần phải làm nếu muốn phát triển ngành này cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ. Việt Nam cần làm gì? Có nên đánh thuế cao với ôtô như hiện nay không? Nên hạn chế xe cá nhân, hay thúc đẩy cải thiện hạ tầng và nới chính sách để người dân có thể mua xe hơi giá rẻ hơn, qua đó thúc đẩy sản xuất?...

Tuổi Trẻ mở Diễn đàn về công nghiệp hỗ trợ và phát triển ngành công nghiệp ôtô, kính mời bạn đọc tham gia nêu thực trạng, mong muốn hay hiến kế về chiến lược, cách thực thi, giải pháp phát triển...

Các ý kiến vui lòng gửi về email: phituan@tuoitre.com.vn.

TUỔI TRẺ

Cơ hội cuối cùng cho công nghiệp ôtô VN? - Khơi dậy tinh thần sản xuất công nghiệp Cơ hội cuối cùng cho công nghiệp ôtô VN? - Khơi dậy tinh thần sản xuất công nghiệp

TTO - VN cần có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp bởi đây là lĩnh vực đầu tư dài hạn, thu hồi vốn chậm, tỉ suất lợi nhuận thấp… nên chưa thu hút được sự quan tâm của các DN, chưa khơi dậy tinh thần xã hội sản xuất công nghiệp.


Ông SEIJI SHIRATAKI (tổng giám đốc Công ty TNHH ENKEI Việt Nam) - NGỌC AN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên