17/03/2020 10:48 GMT+7

Sẽ không còn lặp lại ca 'siêu lây nhiễm'

THÙY DƯƠNG ghi
THÙY DƯƠNG ghi

TTO - Những người làm công tác phòng chống dịch nhìn nhận người dân Việt Nam hiện phối hợp rất tốt trong phòng chống dịch bệnh. Người dân có yếu tố dịch tễ hoặc nghi ngờ có triệu chứng của bệnh đã chủ động khai báo với các cơ quan chức năng.

Sẽ không còn lặp lại ca siêu lây nhiễm - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng phong tỏa, cách ly tại khu vực đường Ngô Sĩ Liên và Hoàng Văn Thụ, phường Đức Thắng, TP Phan Thiết sau khi ghi nhận ca COVID-19 thứ 34, bệnh nhân "siêu lây nhiễm" - Ảnh: A LỘC

Những ngày gần đây, Bộ Y tế liên tục công bố các ca nhiễm COVID-19 tại nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Thuận… Những thông tin này làm nhiều người dân lo ngại, thắc mắc không biết hiện Việt Nam có kiểm soát được dịch COVID-19 hay không? Thời gian tới chúng ta sẽ đương đầu với dịch COVID-19 như thế nào? Một người nhiễm COVID-19 có thể lây sang cho 5 người hay nhiều hơn thế?...

PGS.TS.BS PHAN TRỌNG LÂN (viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM) phân tích:

Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam đã có 61 trường hợp nhiễm COVID-19 nhưng chỉ có 7 trường hợp lây lan sang những người khác (trong đó trường hợp ở Vĩnh Phúc 1 người lây bệnh sang 5 người và trường hợp bệnh nhân thứ 34 ở Bình Thuận lây thêm 10 người khác). Có 54 trường hợp được cách ly, kiểm soát, khoanh vùng, xử lý ổ dịch một cách kịp thời không có lây lan.

Hiện nay trên thế giới, chỉ số lây nhiễm cơ bản là một người nhiễm bệnh lây ra 2-3 người khác. Riêng tại Việt Nam, chỉ số lây nhiễm hiện là 0,7. Trong khi đó theo nghiên cứu, nếu chỉ số lây lan dưới 1 nghĩa là tình hình dịch đang được kiểm soát.

Những người làm công tác phòng chống dịch nhìn nhận người dân Việt Nam hiện đang phối hợp rất tốt trong phòng chống dịch bệnh. Khi người dân có yếu tố dịch tễ hoặc nghi ngờ có triệu chứng của bệnh đã chủ động khai báo với các cơ quan chức năng. 

Ngoài ra, với công nghệ mà chúng ta đang ứng dụng, với hệ thống giám sát rộng rãi chặt chẽ của chúng ta như vừa xét nghiệm, vừa giám sát tại các cửa khẩu, tôi tin các trường hợp siêu lây nhiễm như ca số 34 tại Bình Thuận là trường hợp cá biệt hoặc không có nữa.

Dịch COVID-19 đã là cấp đại dịch trên toàn cầu với 150 nước và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca bệnh. Trước việc giao lưu đi lại, Việt Nam tất yếu sẽ có thêm những ca mới, điều chúng ta phải làm là hạn chế tối đa những trường hợp không dự báo được. Chúng ta đã có sẵn các kịch bản mà tình hình bệnh dịch có thể xảy ra.

Tôi hi vọng với sự vào cuộc tích cực như hiện nay, với hệ thống điều trị trải dài từ trung ương đến các tuyến cơ sở, chứ không tập trung về một nơi điều trị, các kịch bản xấu sẽ không xảy ra và nếu có chúng ta sẽ kiểm soát được một cách đầy đủ hơn.

Chuyên gia nói gì về bệnh nhân ‘siêu lây nhiễm’? Chuyên gia nói gì về bệnh nhân ‘siêu lây nhiễm’?

TTO - Liệu một người bệnh COVID-19 có thể lây nhiễm cho hàng chục người khác không? Trên thực tế có nhiều nhân tố tác động khiến một người bệnh có thể lây lan cho nhiều người khác.

THÙY DƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên