Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân - Ảnh: Quochoi.vn
Chiều nay 16-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận dự thảo Luật cư trú (sửa đổi). Đa số ý kiến phát biểu đều tán thành với việc quản lý xã hội bằng mã số định danh cá nhân, chấm dứt "sứ mệnh lịch sử" của sổ hộ khẩu.
"Cơ sở dữ liệu về dân cư khi nào hoàn thiện, đưa vào khai thác, sử dụng ổn định thì mới có thể triển khai thi hành Luật cư trú với phương pháp quản lý bằng số định danh cá nhân. Hiện nay Bộ Công an đang đề xuất cho lùi thời gian khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chưa biết đến bao giờ hoàn thành. Vậy đến thời điểm 1-7-2021 nếu luật có hiệu lực thi hành thì khó đảm bảo cơ sở dữ liệu có thể khai thác được", Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Trần Thị Dung đặt vấn đề.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cũng hoàn toàn ủng hộ quyết tâm cải cách rất đột phá của Chính phủ trong thay đổi phương thức quản lý cư trú, tuy nhiên băn khoăn về thời điểm luật có hiệu lực thi hành là 1-7-2021, tức là thời điểm để chấm dứt giá trị sử dụng của sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
"Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện mới cấp được 18 triệu số định danh. Như vậy, trong vòng 1 năm tới phải hoàn thành cấp khoảng 80 triệu số định danh cá nhân còn lại. Đây là áp lực rất lớn, khó khả thi.
Quản lý bằng phương thức điện tử là hoàn toàn mới, đòi hỏi cần có thời gian đủ để tập huấn, xây dựng năng lực của đội ngũ vận hành hệ thống quản lý, nhất là khi dự thảo luật đi theo hướng chuyển giao thẩm quyền xuống cấp xã, coi lực lượng công an xã là chủ lực để thực hiện nhiệm vụ này", bà Xuân đặt vấn đề.
Trong khi đó, việc xác lập và thông báo số định danh trong thực tiễn cần nhiều thời gian để kiểm tra, đối soát, đảm bảo sự chính xác. Quá trình thí điểm những năm qua cũng mới chỉ thực hiện ở 4 thành phố lớn và 12 tỉnh, chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, điều kiện khá thuận lợi.
Công việc ở các tỉnh còn lại, đặc biệt khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là rất khó khăn, thách thức cả về điều kiện đi lại, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tập quán, lối sống, nhận thức của người dân...
Trước nhiều băn khoăn về tính khả thi của quy định mới, giải trình trước Quốc hội cuối phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Tô Lâm cho biết hiện nay đã cấp được khoảng 16 triệu căn cước công dân, còn khoảng 80 triệu chưa được cấp, trừ số lượng người dưới 14 tuổi thì còn khoảng 50 triệu.
Trên thực tế, cơ quan chức năng đã nhập vào máy tới 99% các thông tin cần thiết của công dân.
"Nếu được Quốc hội, Chính phủ ủng hộ thì chúng tôi sẽ hoàn thành việc này trong vòng 1 năm tới. Những người dưới 14 tuổi chúng tôi sẽ tiếp tục cấp sau ngày 1-7-2021", Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Lo thủ tục hành dân
Theo ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Mai Bộ, dự thảo luật chưa bao quát được các trường hợp công dân có 2 nơi ở khác nhau.
"Tôi biết nhiều trường hợp ngay tại Hà Nội có đăng ký thường trú một nơi và thường xuyên ở tại một nơi khác. Mỗi khi phải thực hiện nghĩa vụ, cán bộ nơi thường trú hỏi thì họ bảo là đã thực hiện tại nơi ở thường xuyên, khi cán bộ ở nơi ở thường xuyên hỏi thì họ lại bảo đã thực hiện ở nơi đăng ký thường trú", đại biểu Mai Bộ phản ánh.
Một điều nữa được ông Bộ phát hiện, là nếu không quy định điều cấm đối với một số thủ tục hành chính thì có thể "nay mai dân lại rất khổ", ví dụ như thủ tục đòi hỏi phải có cơ quan có thẩm quyền xác nhận nơi cư trú.
"Ví dụ con tôi học ở trường, tôi đi đăng ký thì họ nói không chỉ trình số định danh cá nhân mà phải đi xin xác nhận nơi cư trú thì sẽ rất khổ", ông Bộ cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận