Từ áp lực của cuộc sống mà nhu cầu sinh đủ 2 con cũng đã giảm - Ảnh: DUYÊN PHAN
Có 5,09% người cho biết họ mong muốn có 1 con, 49,41% mong có 2 con, 42,86% mong có từ 3 con trở lên, và đặc biệt có 1,51% cho biết không muốn sinh con.
Những kết quả này cho thấy đã có những thay đổi trong tiềm thức người Việt, sau nhiều chục năm thực hiện kế hoạch hóa gia đình: một tỉ lệ rất đáng kể người dân mong có nhiều con (từ 3 con trở lên), và cũng có những người không muốn sinh con. Sau nhiều năm nỗ lực giảm sinh, Việt Nam đã thay đổi chính sách dân số, và có những từ như "khuyến khích sinh đủ 2 con" xuất hiện.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Doãn Tú nói:
- Cùng lúc chúng tôi có 3 kênh lấy ý kiến người dân, xem quan điểm của họ: một là website của Tổng cục Dân số, hai là trên một tờ báo điện tử và thứ ba là kết hợp với Viện Chiến lược chính sách y tế, lấy ý kiến thông qua bảng hỏi dành cho những người không có điều kiện/nhu cầu vào Internet. Bên cạnh ý kiến về số con, chúng tôi cũng hỏi về mong muốn của họ sinh con trai/con gái.
* Bước đầu những khảo sát này đã có kết quả, cho thấy số người mong muốn sinh từ 3 con khá cao, gần bằng số người muốn sinh 2 con. Ông thấy điều này có gì thay đổi so với ý nghĩ trong tiềm thức nhiều chục năm vừa rồi thực hiện kế hoạch hóa gia đình?
- Kết quả của các cuộc lấy ý kiến là kênh tham khảo, dựa trên định hướng của nghị quyết T.Ư 21 điều chỉnh mức sinh trên tinh thần giảm sinh ở những vùng có mức sinh cao, duy trì mức sinh thay thế ở những vùng đã đạt tiêu chí này (mỗi bà mẹ sinh 2 con) và khuyến khích sinh đủ 2 con/bà mẹ ở những vùng có mức sinh thấp.
Điều đáng chú ý ở đây là khuyến khích sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp, bao gồm TP.HCM và cả vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng tôi đang bàn thảo và lấy ý kiến chuyên gia tại các vùng này để có những chính sách khuyến khích đặc thù cho vùng, ví dụ như có chế độ hỗ trợ thai sản cho bà mẹ sinh đủ 2 con.
Tôi nghĩ có những cản trở ở những khu vực này khiến người ta không muốn sinh con. Một phần là chi phí nuôi dạy trẻ đắt đỏ; thứ hai là theo quan sát của chúng tôi, các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương... chưa có đủ hạ tầng tối thiểu như nhà trẻ, trường học cho các bậc cha mẹ trẻ từ nơi khác nhập cư đến làm việc. Lương thấp và điều kiện chăm sóc con cái chưa đầy đủ, vì thế vùng ấy lười đẻ.
* Hiện Nhật Bản đang vật lộn với vấn đề dân số già, Hàn Quốc cũng như vậy... Từ kinh nghiệm các nước, ông thấy Việt Nam đã cần phải sớm thay đổi chính sách dân số, tránh tình trạng một lúc nào đó chúng ta không có người trẻ mà toàn là người già?
- Đây là vấn đề làm tôi trăn trở rất nhiều, đặc biệt là khi có ý kiến cho rằng khi ta chưa khuyến khích được vùng có mức sinh thấp thì có nên "ép" giảm sinh tiếp ở những vùng có mức sinh cao, nhằm bù đắp nhân lực thiếu hụt cho vùng có mức sinh thấp?
Cụ thể ở đây là điều chuyển lao động từ miền Bắc vào miền Nam vì phần lớn những vùng có mức sinh cao đều ở miền Bắc. Chúng tôi đang suy nghĩ để tránh vết xe đổ của các nước như Nhật, Hàn Quốc, Singapore và gần đây là Thái Lan, tỉ suất sinh chỉ còn 1,45 con/bà mẹ. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy khi mức sinh xuống quá thấp, khuyến khích sinh cho mức sinh lên lại là rất khó, chưa có nước nào thành công.
* Thưa ông, tổng điều tra quốc gia về dân số và nhà ở 1-4-2019 cho thấy dân số Việt Nam đã vượt 96 triệu người, là quốc gia đông dân trong khu vực và thế giới, trong khi bình quân thu nhập còn thấp, gia đình thường cả cha, mẹ đều đi làm, điều kiện chăm sóc con chưa bằng nhiều nước. Việc khuyến khích sinh thêm con hiện đã là phù hợp?
- Việc có tỉ lệ người dân bày tỏ mong muốn sinh từ 3 con trở lên là một chỉ báo, nhưng từ mong muốn đến hiện thực còn là một quãng đường dài.
Lớp người ngày xưa có thể mong có nhiều con, từ 3 con thậm chí hơn, nhưng ngày nay thì khác, nhiều cái khó trong nuôi dạy con ở các gia đình trẻ. Vì vậy cần bàn thảo rất kỹ để có chính sách phù hợp trong đề án về dân số. Lẽ ra sẽ trình Chính phủ trong năm 2019 này, nhưng nay sau khi đánh giá kỹ lại chúng tôi quyết định lùi thời điểm trình để bàn thêm về những ý kiến trái chiều.
Cơ bản chính sách vẫn là "khuyến khích mỗi bà mẹ sinh đủ 2 con", chứ chưa khuyến khích sinh nhiều hơn.
* Như trên ông có nói đang có những vùng "lười đẻ". Có nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến việc này? Chính sách khuyến khích nào có thể tháo gỡ được tình trạng này?
- Tôi cũng rất phân vân và đã đề nghị đối tác Hàn Quốc hỗ trợ để tìm căn nguyên vì sao có tình trạng lười đẻ. Những chính sách khuyến khích (khuyến sinh) hiện đã có, một số nước cũng có chính sách mạnh tay để khuyến khích người dân sinh thêm con.
Chúng tôi có e ngại nếu đưa chính sách khuyến khích mạnh quá thì không được duyệt (cười), nhưng chắc chắn sẽ có, vậy mới hi vọng nâng thêm mức sinh ở khu vực này.
Ví dụ như phụ nữ sinh đủ 2 con ở khu vực này thì được tăng thời gian nghỉ sinh chẳng hạn, hay có trợ cấp xã hội; khu công nghiệp, khu chế xuất quy mô ở mức nào bắt buộc phải có nhà trẻ, trường học, các hạ tầng xã hội để các gia đình trẻ di cư đến còn thiếu những điều kiện ban đầu có đủ điều kiện nuôi dạy con cái.
* Hiện trong chính sách dân số chúng ta đang gặp những vấn đề như dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh chưa phủ sóng được toàn quốc, tỉ lệ trẻ sơ sinh khuyết tật còn nhiều, chênh lệch giới tính khi sinh... Các ông có dự định can thiệp những vấn đề này trước khi có chính sách khuyến sinh?
- Chúng tôi đã trình Chính phủ nghị quyết 137 ngay khi có nghị quyết 21, giao 13 bộ chuẩn bị 42 đề án, trong đó có đề án điều chỉnh mức sinh các vùng, giảm chênh lệch giới tính khi sinh…
TP.HCM, Đồng Tháp "lười đẻ" nhất nước
Tổng tỉ suất sinh đã liên tục giảm từ năm 1999 đến 2009 và duy trì xung quanh mức sinh thay thế, cụ thể năm 1999 trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ sinh 2,33 con, năm 2009 là 2,03 con/bà mẹ và hiện ở mức khoảng 2,01 con/bà mẹ.
Tuy nhiên con số này không giống nhau giữa các vùng, các địa phương. Hiện TP.HCM và Đồng Tháp là những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước, trong đó TP.HCM 1,33 - 1,43 con/bà mẹ, Đồng Tháp 1,45 con, Cần Thơ 1,58 con, Cà Mau 1,62 con, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu 1,7 con/bà mẹ…
Trong khi đó, khu vực miền núi phía Bắc, Tây Nguyên vẫn có số con/bà mẹ cao, đều cao hơn so với mức sinh thay thế là 2 con/bà mẹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận