Vụ việc phụ huynh Trường Việt Úc (TP.HCM) bị lừa tiền khi có kẻ tự xưng thầy giáo đang đưa học sinh đi cấp cứu khiến nhiều phụ huynh lo ngại. Tuổi Trẻ đã liên hệ với các trường để tìm hiểu các biện pháp mà trường bảo vệ phụ huynh trong bối cảnh thông tin nhiễu loạn như hiện nay.
Có nhiều kênh thông tin cho phụ huynh
Ngày 5-3, ông Nguyễn Thế Dũng - hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, TP.HCM - cho biết thông tin về vụ lừa đảo mà phụ huynh Trường Việt Úc mắc phải mới đây đã được nhà trường gửi cho hội đồng sư phạm để thông tin đến phụ huynh.
Nhìn nhận sự việc, ông Dũng thông cảm với sự hoảng loạn của vị phụ huynh đó, đồng thời cho biết từ trước đến nay nhà trường đã luôn kết nối với phụ huynh từ nhiều kênh.
"Chúng tôi có hai kênh chủ yếu để thông tin đến phụ huynh gồm thông tin từ nhà trường và thông tin từ giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra còn có kênh sổ liên lạc điện tử và các kênh nhóm lớp, nhóm trường trên mạng xã hội.
Thông qua các kênh này, nhà trường, giáo viên, phụ huynh giữ liên lạc liên tục. Những thông báo chúng tôi sẽ triển khai từ hội đồng sư phạm đi và gửi xuống giáo viên chủ nhiệm, từ đó giáo viên chủ nhiệm sẽ là người kết nối trực tiếp với phụ huynh.
Những vấn đề liên quan đến học sinh, phụ huynh sẽ được nhà trường gửi trực tiếp cho ban đại diện cha mẹ phụ huynh học sinh trường. Từ đó, ban đại diện phụ huynh học sinh trường triển khai đến phụ huynh các lớp thông qua ban đại diện phụ huynh các lớp.
Đối với những trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe học sinh, nhà trường khuyến cáo phụ huynh gọi điện lại nhà trường để xác nhận thông tin", ông Dũng cho hay.
Còn tại Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM), trường cũng triển khai nhiều kênh để kết nối liên lạc với phụ huynh. Cụ thể, với những thông tin liên lạc thường xuyên, trường sẽ thông báo qua sổ liên lạc điện tử mỗi ngày và thông tin qua giáo viên chủ nhiệm.
Những thông tin khẩn cấp trường sẽ thông báo qua số điện thoại nhà trường, đồng thời công bố hai số điện thoại của trường để phụ huynh nắm, phòng những lúc cần thiết để kiểm tra sự chính xác của thông tin.
"Ngày mai, trong buổi chào cờ đầu tuần, chúng tôi cũng sẽ sinh hoạt với học sinh, sau đó thông báo với phụ huynh để phòng ngừa trường hợp bị lừa đảo như phụ huynh Trường Việt Úc mới đây" - cô Lê Thị Thanh Giang, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn, nói.
Tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, từ lâu nhà trường đã kết nối với phụ huynh thông qua hệ thống SMS của VietSchool. Hệ thống này có hiện số điện thoại của nhà trường nên được cho là không thể giả mạo.
Bên cạnh đó, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong cũng giữ liên lạc trực tiếp với phụ huynh thông qua hai kênh trực tiếp là giám thị và giáo viên chủ nhiệm. Theo nhà trường, hai kênh trực tiếp này được công khai số điện thoại với phụ huynh.
"Tôi khuyến cáo để tránh những trường hợp lừa đảo gây tâm lý hoảng loạn, phụ huynh chỉ nên tin tưởng số điện thoại nhà trường và giáo viên chủ nhiệm cung cấp. Trong trường hợp nghe thông tin từ những số điện thoại lạ, phụ huynh nên xác minh lại từ những số điện thoại mà nhà trường đã cung cấp hoặc những số điện thoại quen mà phụ huynh đó biết.
Trong những trường hợp khẩn cấp, nếu không xác minh được qua điện thoại, phụ huynh nên đến địa điểm được báo để tránh tiền mất tật mang", đại diện trường cho biết.
Cần công bố công khai kênh thông tin
Một cán bộ Trường quốc tế Canada, cho biết sau vụ việc tại Trường Việt Úc, trường đã gửi email đến tất cả phụ huynh và cung cấp một lần nữa số điện thoại của nhà trường để phụ huynh tiện xác minh liên lạc. Email cũng là kênh liên lạc thường xuyên giữa phụ huynh và trường này.
Đầu năm, Trường quốc tế Canada đã phát sổ tay thông tin nhà trường đến phụ huynh học sinh, trong đó cung cấp các kênh liên lạc giữa phụ huynh và nhà trường như số điện thoại nhân viên y tế. Sổ tay này được đưa lên web của nhà trường và gửi email tới phụ huynh học sinh.
Ngoài ra trong những trường hợp khẩn cấp, nhà trường sẽ liên lạc với phụ huynh thông qua số điện thoại học vụ của nhà trường. Nếu cá nhân liên hệ với phụ huynh sẽ chỉ thông qua giáo viên chủ nhiệm hoặc số điện thoại hotline duy nhất được phân cấp cho phó hiệu trưởng nhà trường. Đối với sức khỏe thì bộ phận y tế sẽ liên hệ và nhà trường cũng khẳng định chỉ có một số điện thoại khẩn cấp là số hotline của nhà trường với phụ huynh.
Cán bộ này cũng khẳng định nhà trường không bao giờ yêu cầu phụ huynh chuyển tiền dù với bất cứ lý do gì trong những trường hợp khẩn cấp, bởi vì tại trường này các gói học phí đã bao gồm bảo hiểm tai nạn.
"Nếu trong trường hợp học sinh của trường phải đi cấp cứu thì trường sẽ gọi điện cho phụ huynh để hỏi ý kiến về việc cho học sinh vào bệnh viện nào hoặc ủy quyền cho nhà trường thì nhà trường sẽ chọn bệnh viện gần nhất. Việc ủy quyền này đã được thực hiện trong đầu năm nên không có việc chuyển tiền khẩn cấp như vậy tại trường", vị cán bộ này cho biết.
Nói thêm về vấn đề trên, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung - viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt - cho rằng những vụ việc bị lừa đảo như vị phụ huynh của em học sinh Trường Việt Úc xảy ra mới đây khá nhiều và bắt đầu xâm nhập vào các trường học. Vì thế, đây là bài học cho các trường trong việc hướng dẫn phụ huynh các kênh liên lạc.
Hiện nay, các trường chủ yếu có hai kênh thông tin là kênh thông tin từ trường và qua giáo viên chủ nhiệm. Vì thế, sau sự việc này, các trường cần công bố lại các kênh thông tin, đồng thời hướng dẫn phụ huynh khi có những sự việc được thông báo bất ngờ cần xác nhận lại với ai, đơn vị nào của trường hoặc giáo viên chủ nhiệm.
Lưu các số điện thoại của trường
Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, đối với trách nhiệm của nhà trường, cần thông tin đến phụ huynh các số liên lạc khẩn cấp cũng như thông tin rộng rãi, lập tức thay đổi nhân sự nếu có cho phụ huynh.
Phụ huynh cũng cần lưu tâm và cần thiết lưu số điện thoại khẩn cấp của nhà trường để kiểm tra độ chính xác của thông tin khi được thông báo. Bởi vì hiện nay tình trạng lừa đảo đã lan đến các trường và tâm lý phụ huynh nói chung dễ hoảng loạn khi nhắc đến vấn đề của học sinh nên càng khiến đối tượng lừa đảo dễ dàng thao túng và đạt mục đích.
"Tôi cho rằng đây cũng là một trường hợp hy hữu, phụ huynh không nên bấn loạn mà tìm cách làm chủ thông tin và kết nối với nhà trường qua các kênh thông tin chính xác. Vì chỉ cần để ý đến con thì phụ huynh sẽ nắm rõ các kênh thông tin liên lạc với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm", TS Dung nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận