Loạt áo thun Coach 1941 của Hãng Coach bị người dùng Trung Quốc chỉ trích - Ảnh chụp màn hình
Căng thẳng chính trị giữa Trung Quốc đại lục với Hong Kong và Đài Loan đang ảnh hưởng tới thị trường tiêu dùng và tâm lý xã hội. Chuyện không phải quá lạ, nhưng một lần nữa, các hãng thời trang bị lôi vào chính trị vì một số sai sót trong mắt người Trung Quốc - thị trường béo bở.
Trong diễn biến mới nhất, Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) cho biết Liu Wen (Lưu Văn), một siêu mẫu đắt giá của Trung Quốc, đã thông báo hủy hợp đồng làm đại sứ thương hiệu cho Hãng Coach.
Trong tuyên bố về việc này, Lưu Văn khẳng định hành động của Coach đã gây tác động nghiêm trọng tới tình cảm giành cho quốc gia của người Trung Quốc, và hành vi của Coach nên bị lên án nghiêm khắc.
Các sản phẩm của Coach bị cho là "thủ phạm" dẫn tới vụ việc là những chiếc áo thun Coach 1941, trong đó liệt kê các quốc gia và thành phố nổi tiếng của quốc gia đó phía sau lưng. Ví dụ là các cụm từ như "Chicago, Mỹ" hay "Milan, Italy".
Liên quan tới Trung Quốc, áo thun Coach điền tên Thượng Hải và Bắc Kinh thuộc Trung Quốc. Tuy nhiên chữ Hong Kong lại thuộc Hong Kong, còn chữ Đài Bắc thì thuộc Đài Loan.
Chiếc áo của Coach đang bị cộng đồng mạng Trung Quốc lên án - Ảnh: Twitter/Weibo
Chưa kể, trên website trưng bày sản phẩm của Coach, hãng này cũng liệt kê Đài Loan và Hong Kong như những "quốc gia riêng biệt".
Trong chính sách "Một Trung Quốc" của chính quyền Bắc Kinh, Trung Quốc xem Hong Kong, Macau và Đài Loan là các đặc khu thuộc Trung Quốc. Vì vậy bất cứ tác phẩm văn học, sách vở, đồ dùng, quảng cáo... đụng chạm tới điều đó đều nhận phản ứng gắt gao từ Trung Quốc.
Trên mạng xã hội Weibo, một phiên bản "Twitter của Trung Quốc", cộng đồng mạng Trung Quốc đã chia sẻ chóng mặt các bức ảnh chụp sản phẩm của Coach, kêu gọi tẩy chay nhãn hàng này. Từ khóa "coach" trở thành xu hướng của Weibo.
Ngay trước Coach, hãng thời trang khét tiếng khác là Versace (Ý) cũng là tâm điểm của những cáo buộc tương đương.
Hôm 11-8, Versace phải xin lỗi vì các sản phẩm nói Hong Kong và Macau là những quốc gia, đồng thời hứa sẽ "tiêu hủy" các thiết kế ấy.
Ngôi sao Trung Quốc Yang Mi (Dương Mịch) tuyên bố cắt hợp đồng đại sứ thương hiệu cho Versace - Ảnh: AFP
Trung Quốc cũng có một đại sứ của Versace là diễn viên - ca sĩ nổi tiếng Yang Mi (Dương Mịch). Dương Mịch cũng đã tuyên bố hủy hợp đồng với hãng thời trang Ý.
Tháng 11-2018, một thương hiệu Ý đình đám khác là Dolce & Gabbana cũng gặp họa vì một video bị nhận xét phân biệt chủng tộc và xúc phạm Trung Quốc.
Hãng tin Bloomberg cho biết người Trung Quốc không chấp nhận lời xin lỗi của Dolce & Gabbana, dẫn tới việc các sản phẩm của hãng này bị loại khỏi những trang bán hàng thông dụng như JD và Tmall (thuộc Alibaba).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận