Một siêu thị ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc trương biển hiệu rõ ràng "Không mua, không bán đồ Nhật" - Ảnh: Reuters
Từ chiếc xe hơi cho đến cây bút thương hiệu Nhật đều có thể trở thành nạn nhân của một chiến dịch thu hút đến hơn 60% dân Hàn (nếu tin theo một khảo sát của Trung tâm Realmeter vừa công bố ngày 25-7).
"Ngọn lửa dân tộc"
Người dân Hàn Quốc bắt đầu tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Nhật khi quan hệ chính trị và kinh tế giữa hai nước xấu đi nhanh chóng, sau khi Tokyo quyết định hạn chế xuất khẩu một số vật liệu công nghệ cao sang Hàn Quốc từ ngày 4-7, và cảnh báo có thể đưa Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia đáng tin cậy được hưởng ưu đãi về thủ tục thương mại.
Lý do Tokyo quyết định hạn chế xuất khẩu vật liệu chủ chốt sang Hàn Quốc được giải thích là không thể xác định hydrogen fluoride (HF) xuất khẩu sang Hàn Quốc có thể được sử dụng để sản xuất khí độc và vũ khí hóa học có thể chảy vào Triều Tiên.
Hiển nhiên Hàn Quốc không công nhận điều đó, và việc để cho vật tư mang tính chiến lược đi vào Triều Tiên là vi phạm nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Chuyện cấm xuất khẩu này khiến người ta nhớ đến lá bài "đất hiếm" mà Trung Quốc từng dọa sẽ sử dụng. Nhưng với Hàn Quốc, 3 vật liệu công nghệ cao mà Tokyo cấm vận lần này mang tính quyết định sống còn đối với ngành công nghệ cao - một niềm tự hào kinh tế của nước này trước thế giới.
Ba ông lớn Samsung, SK Hynix và LG của Hàn Quốc đang là những tên tuổi hàng đầu trong phần chuỗi sản phẩm điện tử của thế giới. Tổng cộng Samsung và SK Hynix đang cung cấp gần 73% DRAM và phân nửa bộ nhớ NAND đang sử dụng khắp thế giới.
Samsung sản xuất đến 90% màn hình Oled dùng trên các smartphone, trong khi LG bao thầu 100% màn hình Oled dùng cho tivi.
Dù đứng đầu như thế, các nhà sản xuất của Hàn lại phải nhập đến 94% nhu cầu về các vật liệu gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao (HF) từ Nhật. Đó chính là điểm yếu chết người.
Nay Nhật lấy lý do cấm xuất khẩu các vật liệu đó thì chẳng khác nào bóp chết những tập đoàn hàng đầu của Hàn, và liên quan với nó là công ăn việc làm của hàng bao nhiêu con người, và xa hơn chút là đụng đến niềm tự hào dân tộc của người Hàn.
Cuộc cấm vận xuất khẩu và tẩy chay lần này được cho là do xuất phát từ những tranh cãi về lịch sử liên quan thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Những tranh cãi về bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động thời chiến hay "phụ nữ mua vui" chưa bao giờ chấm dứt. Chúng như những ngọn lửa âm ỉ chỉ chực chờ bùng nổ khi có dịp.
Chưa có điểm dừng
Nhưng nếu như chuyện không thèm sang Nhật du lịch, không mua hàng hóa Nhật, không xem phim Nhật nghe có vẻ hợp lý thì chuyện phá hoại xe Nhật, bôi bẩn bằng kim chi hay không đổ xăng cho xe Nhật lại có vẻ "hơi lố" vì nó ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của người "lỡ" sở hữu những chiếc xe Nhật.
Nhưng giờ đây làm gì có ai dám ta thán, nói ngược lại với phong trào tẩy chay đang rầm rộ.
Có chuyên gia cho rằng Tokyo đã "đào mồ chôn mình" với quyết định cấm xuất khẩu vật liệu quan trọng sang Hàn Quốc, và thiệt hại lần này cho Nhật sẽ không thể đo đếm được.
Sâu xa hơn một chút, có người cho rằng quyết định của Nhật liên quan đến chuyện "ghen ăn tức ở" với vị thế ngày càng lên của Hàn Quốc trong một số lĩnh vực. Nói nôm na thì đây là cuộc cạnh tranh vị thế anh cả ở khu vực.
Hàn Quốc đã chen chân vào hàng ngũ các nền kinh tế phát triển, sự cạnh tranh giữa hai nước đang gia tăng và mấu chốt ở chỗ mang tính đồng chất về ngành nghề.
Ngành công nghiệp điện tử của Hàn có thể nói là đi sau về trước, các doanh nghiệp của Hàn Quốc mà đại diện là Samsung đã trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành điện tử toàn cầu, ngược lại ngành điện tử của Nhật dường như đang sa sút.
Mỹ đã lên tiếng sẵn sàng tổ chức cuộc gặp cấp ngoại trưởng ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản bên lề hội nghị ngoại trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) vào tuần này tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Nhưng xem ra ông trọng tài này còn nhiều việc phải làm bởi chính những quyết sách mới của Tổng thống Trump trong quan hệ riêng rẽ với Nhật và Hàn Quốc cũng được xem là nguyên cớ gây ra căng thẳng cao độ hơn giữa hai cường quốc tại Đông Á.
Cuộc tẩy chay hàng Nhật chưa biết sẽ lắng dịu theo cách nào bởi người Hàn lần này cho rằng Nhật cần phải thấy người Hàn không nhất thiết phải phụ thuộc kinh tế vào Nhật. Một số mặt hàng của Hàn Quốc đã tăng được thị phần. Chính phủ Hàn thì đã công bố chi cả tỉ đôla giúp hỗ trợ thay đổi nguồn cung các vật liệu bị cấm nhập từ nước khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận