25/08/2011 06:11 GMT+7

Sau cánh cửa phòng trọ

HỒ VĂN - ĐÌNH DÂN - BẢO ÂN
HỒ VĂN - ĐÌNH DÂN - BẢO ÂN

TT - Chúng tôi ghé thăm chị Dương Ngọc Luyến, khách trọ đã hơn 16 năm ở khu nhà trọ KP 3, phường An Bình (Dĩ An, Bình Dương). Cuối buổi nói chuyện chị mới thật thà cho biết đã lâu không có khách là “đàn ông lạ” tới thăm.

PQ6M2wJt.jpgPhóng to

Công nhân Công ty Khải Hoàn (Bình Dương) thao tác trên dây chuyền sản xuất găng tay cao su - Ảnh: Hồ Văn

Sầu lẻ bóng

Năm nay chị Luyến đã 41 tuổi, cái tuổi mà theo chị có lẽ chẳng còn đàn ông nào tìm tới nữa. Thực tế chị cũng có khuôn mặt đẹp, dáng cao, chỉ nụ cười là luôn ẩn chứa nỗi buồn. Là chị cả trong gia đình nghèo ở Tiền Giang, năm 14 tuổi chị đã lên thành phố tìm việc để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi hai em gái ăn học. Tiếc rằng hai em gái không có duyên với đường học hành nên cũng tìm lên TP.HCM nối nghiệp chị sống đời công nhân. May mắn hơn chị Luyến, hai cô em gái đó kiếm được tấm chồng đàng hoàng nên lần lượt chia tay với khu nhà trọ.

Đã 10 năm nay chị chọn cách làm bạn với tiếng kinh niệm Phật, không hoài niệm gì về đường duyên.Chủ nhà trọ bộc bạch: “Tội nghiệp, cứ mải lo cho cha mẹ ở quê, vun đắp cho hai em gái mà đến giờ vẫn thui thủi một mình. Hồi cô ấy còn trẻ cũng có nhiều người tìm đến, không hiểu sao vẫn không ai ở lại. Hỏi thì cô ấy cười bảo không có duyên, nhưng tui biết vì sợ lấy chồng sẽ không còn lo được cho gia đình”.

Gần 40 tuổi nhưng chị An (quê Thái Bình, Công ty Beautec Vina) vẫn “sầu lẻ bóng”. Ngày từ giã miền Bắc bước chân vào làm công nhân tại KCN Sóng Thần (Bình Dương) chị là một thiếu nữ phơi phới, đẹp mặn mà. Mải lo toan cho gia đình nghèo ở quê nên bao năm qua chị cũng chưa dám mơ một tổ ấm gia đình... Rồi đứa em gái vào học đại học ở TP.HCM, chị lại phải tích cóp đồng lương công nhân bèo bọt để nuôi em. Rồi em trai vào làm công nhân, chị lại tất tả lo lắng, sắm sửa mọi thứ để em ổn định cuộc sống. Từ khi bước chân vào Nam đến nay chị chưa một lần về thăm quê. Nhiều cái tết chị lặng thầm gạt nước mắt tiễn các em về thăm gia đình, còn mình thì đón giao thừa nơi gác trọ. Bao năm qua cuộc đời chị cứ như một vòng quay đều đều cố định, ngoài giờ làm chị về phòng trọ chứ chẳng đi đâu.

Cạm bẫy

Trong khi đó với đồng lương không đủ sống, những giờ tăng ca cực nhọc và những cạm bẫy cuộc đời giăng ra trước mặt đã khiến nhiều nữ công nhân thôn quê có chút nhan sắc bước vào vũng lầy sa ngã. Đến nay, nhiều công nhân Công ty Pou Yuen (Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn nuối tiếc cho Vi - một cô gái xinh đẹp từng làm ở đó đã sa chân vào cạm bẫy cuộc đời vì mãnh lực đồng tiền. Một nữ công nhân từng làm chung với Vi kể: “Quê Vi ở Sóc Trăng, lúc đó Vi chừng 20 tuổi, nước da trắng, vóc dáng cao ráo, khuôn mặt đẹp. Làm công nhân không được bao lâu thì Vi bị lôi kéo và... sa ngã”.

Theo chỉ dẫn từ những công nhân này, chúng tôi tìm về nhà hàng QA (đường số 7, Q.Bình Tân, TP.HCM), nơi Vi đã bước sang đời “chân dài” sau khi rũ bỏ cuộc sống công nhân. Bà chủ nhà hàng lạnh lùng phủi tay nói Vi đã nghỉ ở đây lâu rồi. Các nữ công nhân cùng phòng trọ với Vi kể lại: “Hồi mới lên Vi chân chất quê mùa lắm, khi ngủ còn bận quần jean áo phông chứ không dám mặc quần cộc. Vi rất xinh, vì thế nên nhiều người dụ dỗ Vi ra ngoài làm nhà hàng... Từ đó Vi thay đổi chóng vánh, mặc áo hai dây, nhuộm tóc vàng, đi guốc cao. Cứ tối tối là có người đi xe tay ga đến rước. Chừng nửa năm sau thì Vi biến mất khỏi xóm trọ và mất liên lạc với mọi người”. Có người bảo với chúng tôi Vi đã trở thành bướm đêm, người thì bảo Vi bị bắt vào một trại phục hồi nhân phẩm nào đó.

Chúng tôi rảo một vòng khắp các KCN, KCX sầm uất, thấy các khu gội đầu, massage, cà phê kèm dịch vụ “mát mẻ”... chạy dài san sát. Nhiều khu để biển hiệu tiếng Việt lẫn tiếng Trung để phục vụ những ông chủ Trung Quốc, Đài Loan. Trong thế giới đó, không thiếu những nữ công nhân đã bước vào để rồi sa ngã. Chúng tôi tiếp xúc với Yến, một nữ công nhân từng làm việc ở một công ty giày da có tiếng.

Yến kể: “Em quê ở Bạc Liêu, năm 14 tuổi em đã đi hái cà phê mướn tận Đắk Lắk. Làm được hai năm thì em qua Bình Phước rồi về Q.8 làm công nhân giày da. Thấy lương không đủ sống, lại tăng ca thường xuyên quá mệt, nên có người rủ em đi bán cà phê ở Gò Vấp cho nhàn thân và lương lại cao nên em nghỉ làm công nhân từ đó”. Bán cà phê “mát mẻ” ở Gò Vấp được vài năm, chuyển đổi không biết bao nhiêu quán rồi Yến dạt về quán DTh cạnh khu công nghiệp với hàng ngàn công nhân. Tại đây Yến được trả lương cứng 3 triệu đồng/tháng chưa kể tiền boa của khách.

Một số nữ công nhân ở các KCX, KCN ở quận Bình Tân, Q.7 nói rằng nữ công nhân nào cao ráo, mặt mày sáng sủa rất hay bị dụ dỗ đi bán cà phê ôm, massage... Ngoài cổng các KCX, KCN thường xuyên xuất hiện một số “tú ông”, “tú bà” lượn lờ săn đón nữ công nhân. Có khi công nhân còn nhận được cả tờ rơi tuyển dụng làm việc tại các khu phố “đèn mờ” với thu nhập thật “quyến rũ” so với đồng lương công nhân. Một buổi chiều khi chúng tôi đến khu vực trước Công ty Pou Yuen, Q.Bình Tân, một nữ công nhân trẻ cầm tờ rơi khoe với chúng tôi: “Hôm nay có người đứng trước cổng phát tờ rơi tuyển dụng đi Macau làm việc tại các khách sạn, sòng bài với mức lương từ 830-1.200 USD/tháng. Không biết tụi em làm bao nhiêu năm mới có mức lương như thế...”.

Niềm hi vọng

* Thời điểm năm 2010 khi hầu hết doanh nghiệp may mặc rơi vào khó khăn phải cắt giảm nhân công, lương thưởng nhưng ông Phạm Xuân Hồng - tổng giám đốc Công ty May Sài Gòn 3 - tuyên bố động trời: “Giảm giờ làm, tăng thu nhập cho công nhân”. Từ giữa năm 2010, cách làm ngược của ông Hồng đã mang lại kết quả không ngờ. Năng suất làm việc của công nhân cao hơn trước, hiệu quả công việc tăng gấp đôi; trong khi nhiều doanh nghiệp ngụp lặn trong khó khăn kinh tế thì May Sài Gòn 3 về đích với khoản lời to, lương và thưởng công nhân lại tăng lên.

“Tất nhiên, công ty cũng đã đầu tư cải tiến máy móc nên chất lượng sản phẩm tăng nhiều. Nhưng phải nói là nhờ công nhân hăng hái làm việc, cống hiến và cho ra những sản phẩm chất lượng” - ông Hồng tâm tình - Hãy ăn bữa cơm công nhân, hãy thở hơi thở công nhân để biết công nhân mình đang sống như thế nào!”.

* Công ty Khải Hoàn (Bến Cát, Bình Dương) cũng đã mua bảo hiểm nhân thọ cho công nhân ngoài việc đã đóng BHXH, BHYT. Theo phó tổng giám đốc Phạm Ngọc Thành, mức mua bảo hiểm nhân thọ mệnh giá 100 triệu đồng/công nhân/10 năm. “Chúng tôi giải quyết chuyện này thành từng đợt, vừa qua trong đợt đầu đã mua cho 144 công nhân, các đợt tiếp theo chúng tôi sẽ giải quyết hết cho gần 800 công nhân của công ty với mỗi tháng 100 hồ sơ”.

Công ty cũng lập ra quỹ tình thương từ sự đóng góp của cán bộ, công nhân viên công ty để phụ cấp cho con công nhân gặp khó khăn mỗi tháng 500.000 đồng/người, tặng sữa hằng tháng cho các bà mẹ mang thai, suất ăn cho con công nhân...

__________

Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Vắt sức trong phân xưởng Kỳ 2: Những khu phố thợ Kỳ 3: Luẩn quẩn lương - tiền Kỳ 4: Chuyện dì Tám làm công nhân

HỒ VĂN - ĐÌNH DÂN - BẢO ÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên