Kỳ 1: Vắt sức trong phân xưởng Kỳ 2: Những khu phố thợ
Phóng to |
Công nhân Công ty Latek - KCX Linh Trung 1 bị ngộ độc thực phẩm ngày 21-7-2011- Ảnh: Đình Dân |
Những phép toán cuộc đời
Vừa bước vào căn phòng trọ, đập vào mắt chúng tôi là trên vách tường ghi đầy phép toán cộng trừ số tiền chi tiêu trong tháng. Nhẩm tính chi tiêu tháng này xem hụt đâu mất 150.000đ, chị Phượng càu nhàu: “Tiền nhà trọ 900.000đ, tiền nước, tiền điện hơn 150.000đ, tiền chợ, tiền chăm con, tiền thuốc cảm...”. Hiện thu nhập của hai vợ chồng chị Phượng cộng lại chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng, mọi chi phí cho các nhu cầu hằng ngày đã hết 3 triệu, hai vợ chồng phải cố tằn tiện lắm mới có chút tiền gửi về quê nuôi con..
Chị Nguyễn Thị Bích Thủy - công nhân Công ty Vina Duke (huyện Hóc Môn), kể: Tính cả tiền tăng ca trung bình mỗi tháng tôi nhận được 3,1-3,2 triệu đồng. Mỗi bữa sáng ăn ở ngoài một người 12.000 đồng; tuần tăng ca ba buổi, không tăng ca một buổi đi chợ 70.000 đồng chưa tính tiền gạo.
Phòng trọ một tháng 900.000 đồng chia ra bốn người. Rồi bạn bè đám cưới, sinh nhật, quần áo, giày dép... Lương mới tăng được 1 đồng thì giá ngoài chợ đã tăng hai ba đồng. Chi tiêu tăng quá khiếp, mới cách một tháng đây thôi chai dầu ăn 38.000đ, giờ 42.000đ, 1kg rau muống tăng từ 7.000 lên 9.000đ, cá biển 25.000đ/kg giờ lên 35.000đ...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở gần KCX Tân Thuận để có được căn phòng khoảng 10m2, có gác thì hiện nay mỗi tháng công nhân phải bỏ ra từ 1,2 triệu đồng trở lên, chưa tính tiền điện nước. Trong khi mức lương cơ bản của công nhân hiếm có người nào vượt ngưỡng 2 triệu đồng. Thế là buộc lòng công nhân phải nhét 5-6 người trong một gian phòng chật hẹp.
Tăng ca và thuế
Ngày 14-7, hàng trăm công nhân Công ty Khải Hoàn 3 (huyện Bình Chánh, TP.HCM) ngừng việc tập thể đòi tăng lương và cải thiện bữa ăn. Khuất trong đám đông công nhân, chúng tôi gặp một nữ công nhân mặt mày xanh xao, mệt mỏi ngồi nép bên bức tường của công ty.
Chị là Nguyễn Thị Loan (33 tuổi) quê ở tận Sóc Trăng. Chị Loan uể oải phân trần: “Lương thấp quá sống không nổi nên anh chị em phải đấu tranh đòi lên chút lương để bớt khổ. Chứ đi làm cả ngày mệt mỏi ai sức hơi đâu đi quậy phá ông chủ làm chi”. Theo chị Loan, lương cơ bản công ty đang trả là 1.800.000 đồng vì thế tháng nào công nhân cũng phải tình nguyện tăng ca 3-4 giờ để có thêm thu nhập.
Tuy nhiên, công ty thấy việc tăng ca này có lợi cho mình nên khuyến khích công nhân tăng ca triền miên khiến nhiều nữ công nhân xỉu ngay trên dây chuyền. Vào năm 2010, cái chết tại công xưởng làm việc của một nữ công nhân 19 tuổi vì tăng ca quá sức đã khiến không ít công nhân KCX Tân Thuận bàng hoàng. Anh Trường Hoa (Công ty Nidec Tosok) kể lại: “Lúc nghe tin ai nấy đều bần thần. Nghe nói cô này làm từ tối hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau, rồi nghỉ tới 10 giờ vào làm việc lại ngay. Tới đầu giờ chiều thì kiệt sức, chết ngay tại chỗ làm”. Nghe anh Hoa nói mọi người trong phòng trọ đều lặng im một lúc lâu, có lẽ ai nấy đều lo sợ vì những ngày tăng ca sắp tới của mình...
Tại nhiều công ty chuyện công nhân tăng ca trên 100 giờ/tuần là bình thường. Kết quả thanh tra kiểm tra của thanh tra Ban quản lý các KCX - KCN TP.HCM (Hepza) cho thấy hầu hết doanh nghiệp thâm dụng lao động như da giày, dệt may, điện tử... đều vi phạm giờ tăng ca theo quy định. Vậy mà khi Hepza yêu cầu một công ty ở KCN Tân Bình giảm tăng ca, lập tức hôm sau công nhân ngừng việc, đòi phải được tăng ca vì giảm tăng ca đồng nghĩa với việc thu nhập của công nhân cũng giảm đi.
Ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động Hepza, cho biết lương thấp là nguyên nhân chính mà công nhân bị buộc phải tăng ca và đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp bóc lột sức lao động của họ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay chấp nhận đóng phạt để vi phạm giờ tăng ca vì tiền phạt chỉ đủ “gãi ngứa” cho họ, trong khi tăng ca nhiều thì họ đạt lợi nhuận cao, đáp ứng giao hàng đúng thời gian.
Vắt kiệt sức tăng ca đến xỉu, nhưng khi mức thu nhập của công nhân đạt từ 4 triệu đồng trở lên là phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Anh Lê Thanh Long (Công ty Gia Phú, KCX Tân Thuận) than phiền: “Lương thấp nên chúng tôi phải quần quật tăng ca để tăng thu nhập, vậy mà khi đến tháng được hơn 4 triệu đồng thì lại bị đánh thuế thu nhập cá nhân. Đây chẳng khác nào đánh vào mồ hôi, xương máu của công nhân nghèo như chúng tôi”.
Lương tăng không bằng giá tăng “Không ở đâu trả lương cho công nhân thấp như ở nước ta, mỗi lần giá cả lạm phát Chính phủ lại điều chỉnh tiền lương tối thiểu nhưng với mức rất lạc hậu, không đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động” - ông Nguyễn Tấn Định, phó ban quản lý Hepza, bức xúc cho biết. Theo ông Định, do quy định mức lương sàn tối thiểu quá thấp, doanh nghiệp dựa vào đó trả lương thấp cho công nhân mà không sợ vi phạm pháp luật lao động. Tính từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã bốn lần điều chỉnh tăng lương tối thiểu, hiện mức cao nhất là 1.550.000 đồng (doanh nghiệp FDI). Trong khi đó khảo sát nhu cầu sống thực tế của công nhân, Liên đoàn Lao động TP.HCM thấy rằng mức tạm đủ sống của công nhân hiện nay phải là 2,3 triệu đồng/người. Đó là chưa kể mỗi lần tăng lương tối thiểu của Chính phủ thường lạc hậu so với giá cả lạm phát. Mức tăng không bù đắp được giá cả tăng, trong khi đó lương chưa tăng thì giá nhà trọ, điện nước và giá chợ đã ăn theo tăng trước. Thạc sĩ Lê Văn Thành, chuyên gia về lao động việc làm, cho biết hiện giá cả lạm phát đã gần 17% trong khi mức tăng lương hầu như không bù đắp được. Mỗi lần giá cả tăng thì công nhân di cư chịu thiệt hại gấp đôi so với người lao động bản địa, nhất là việc tăng giá nhà trọ. Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, hiện chỉ có 4% công nhân được ở trong các ký túc xá đầy đủ tiện nghi, còn lại đa số phải thuê phòng trọ chất lượng thấp bên ngoài. Đánh giá về đời sống của công nhân nhập cư, Cục Việc làm cho biết bức xúc nhất của công nhân là vấn đề nhà ở khi các tỉnh, TP quy hoạch phát triển KCX - KCN mà ít quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân. |
__________
Câu chuyện của một người nữ công nhân 50 tuổi với hơn 15 năm gắn cuộc đời mình vào các khu công nghiệp, bắt đầu bằng một ngày bà rời bỏ ruộng vườn...
Kỳ tới: Đời công nhân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận