Sau lưng những thành phố thợ - Kỳ 2:
Phóng to |
Một khu chợ công nhân ở Khu công nghiệp Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) giờ tan ca - Ảnh: Đình Dân |
Chỉ chưa đến 2km trên quốc lộ 1A đoạn hai bên đường từ cầu vượt Linh Xuân đến cầu vượt Sóng Thần (phường An Bình, Dĩ An, Bình Dương), chúng tôi đếm được có gần 100 nhà hàng, khách sạn.
Phố của thợ
Tính đến nay trên địa bàn TP.HCM đã có ba khu chế xuất và 12 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 7,7 tỉ USD. Các khu chế xuất - khu công nghiệp này thu hút 255.855 lượt lao động vào làm việc, trong đó hơn 70% là lao động từ các tỉnh thành khác đến. Trong khi đó, tính đến cuối tháng 10-2011, tại 30 khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai đã có 35 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tổng số 1.124 dự án, giải quyết việc làm cho khoảng 400.000 lao động. |
Đây là những nhà hàng, khách sạn chuyên phục vụ đám cưới, tiệc sinh nhật cho công nhân đủ màu áo đã và đang làm việc trong các khu chế xuất - khu công nghiệp quanh phường An Bình. Ở đây, mỗi chiều thứ bảy hay ngày chủ nhật tấp nập các đám cưới mà hầu hết cô dâu, chú rể đều là công nhân và mặc nhiên không biết từ khi nào người ta đã gọi đó là “phố cưới công nhân”.
Chỉ có ở đây nhiều khách mời vẫn mặc áo công nhân dự tiệc cưới vì tan ca muộn, cũng chỉ ở đây mới có cảnh đám cưới “ế khách” vì đồng nghiệp tăng ca đột xuất.
Phố cưới công nhân chỉ là một trong những khu phố sầm uất của phường An Bình, phường được mệnh danh là “siêu phố thợ” vì tràn ngập công nhân tăng ca đi về ngày đêm.
Ông Võ Văn Thêm, nguyên chủ tịch UBND phường An Bình, cho biết cả phường chỉ có 8.000 nhân khẩu trong khi công nhân tạm trú là 45.000 người. Họ chính là động lực để An Bình từ một xã nghèo thành một phường phố thợ sầm uất như hôm nay với ngân sách thu hằng năm hơn 11 tỉ đồng.
Trước năm 1997, người dân An Bình sống chủ yếu nhờ làm rẫy, trồng khoai. “Cột mốc quan trọng chính là sự ra đời Khu công nghiệp Bình Đường ngay trung tâm xã, tiếp đó là Khu công nghiệp Sóng Thần I và II và nhiều doanh nghiệp bên ngoài... thu hút hàng chục ngàn công nhân tới làm việc. Nhu cầu ở trọ trở nên bức thiết, người dân đua nhau phá nương rẫy, vay tiền xây nhà trọ phục vụ công nhân” - ông Thêm nhớ lại.
Ông Nguyễn Ngọc Cang, một chủ nhà trọ ở khu phố 3, phường An Bình, vẫn luôn tâm niệm phải biết ơn công nhân khi chính họ làm đổi thay cuộc sống của gia đình ông. Trước đây, gia đình ông chỉ trông vào mấy công đất làm rẫy mà mùa nào cũng đói, cũng thiếu ăn. Khi Khu công nghiệp Bình Đường được đầu tư, gia đình ông vay tiền ngân hàng xây ba phòng trọ.
Từ ba phòng trọ ban đầu đã phát triển lên 88 phòng trọ hôm nay, mang lại nguồn thu nhập 20-40 triệu đồng/tháng. Cả bốn khu phố của An Bình đến nay ken đặc các dãy phòng trọ công nhân, nhà ít thì vài chục phòng, nhà nhiều có trên trăm phòng. Hiện ở An Bình có 2.000 hộ kinh doanh nhà trọ với hơn 20.000 phòng cho thuê với khoảng 45.000 lượt công nhân ở trọ.
Hai vợ chồng chị Mơ, quê Nghệ An, là những công nhân có thâm niên hơn mười năm tạm trú ở đây, vợ làm ở Khu công nghiệp Linh Trung I, còn chồng làm cho một công ty bên ngoài. Chị Mơ cho biết vào tạm trú tại phường An Bình những năm 1998: “Hồi ấy dân cư thưa thớt đến mức không dám ra đường”. Giờ đây, khắp An Bình hình thành những phố dịch vụ đặc thù dành cho công nhân như: phố cưới, phố thực phẩm, phố áo quần, phố cà phê, phố sửa chữa xe máy, xe đạp... tiệm vàng, tiệm cầm đồ.
Một chủ tiệm vàng tại khu phố 2 cho biết: “Những năm trước, các tiệm vàng thường có nhiều công nhân mỗi khi họ lĩnh lương. Giờ thì thưa dần người mua mà đông người bán vì công nhân đã nghèo hơn những năm trước”. Còn vợ chồng chị Bích - anh Tuấn chung dãy phòng trọ với chị Mơ thì cho rằng: “Ở An Bình cái gì cũng có, giá nào cũng được. Cả khu phố này chỉ phục vụ nhu cầu của công nhân mà không sợ ế hàng”.
Cô công nhân Nguyễn Thị Thúy Sở cho biết vào ngày thứ bảy, chủ nhật các cô thường đi dạo chợ xem áo quần thời trang, đồ trang điểm... “Thấy cái gì cũng thích, cũng muốn mua nhưng túi tiền hạn chế“ - Sở nói.
Đất quê thay đổi
Không đông đúc như An Bình, ở các phường giáp ranh thuộc quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng hình thành các khu phố thợ. Điển hình là “Ngũ Linh phố thợ” gồm các phường Linh Xuân, Linh Trung, Linh Đông, Linh Tây, Linh Chiểu và phố thợ Khiết Tâm của phường Bình Chiểu. Trong “Ngũ Linh phố thợ” thì Linh Xuân là nơi thu hút khá đông công nhân tới ở trọ, trong đó khu phố 3 là điển hình.
Chợ Linh Xuân trước cổng Khu chế xuất Linh Trung I cũng chính là chợ công nhân điển hình nhất, vào giờ tan ca cả khu chợ tràn ngập màu áo công nhân khiến cung đường kẹt xe liên tục. Ông Mai Ngọc Dũng, trưởng ban điều hành khu phố 3, cho biết chính công nhân đã biến khu phố nghèo nàn nơi đây thành một khu phố khang trang, đẹp đẽ và giàu có như ngày hôm nay.
Từ quốc lộ 51 rẽ vào Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) người dân chứng kiến ngã tư Hiệp Phước một thuở hoang sơ giờ đây nhộn nhịp với hàng ngàn công nhân mỗi chiều tan ca. Ngã tư này cũng là nơi hội tụ chợ, quán ăn, tiệm vàng... phục vụ chính cho công nhân lưu trú quanh đây. Đường phố đầy điểm ATM, gần một chục tiệm vàng. Nguyễn Thị Hồng Vân, một công nhân bước ra từ một tiệm vàng, cười bẽn lẽn cho biết: “Thỉnh thoảng có dư chút đỉnh em mới mua vài phân gửi về quê cho bố mẹ”.
Hai xã Hiệp Phước và Phước Thiện được bao vây bởi các khu công nghiệp Nhơn Trạch I, II và III... cũng từ đây hàng chục ngàn công nhân các nơi đổ về ở trọ. Các loại hình dịch vụ mọc lên dày đặc, diện mạo vùng đất một thời nghèo khó này đã đổi thay. Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước Đoàn Văn Trúng, một người dân lớn lên từ vùng đất này, nói: “Dân ở xã trước đây sống thuần nông, chủ yếu làm ruộng làm rẫy. Kể từ khi có khu công nghiệp thì ruộng đồng, nương rẫy thành những khu nhà trọ, mang lại nguồn thu nhập khá cao, người dân có của ăn của để”.
Đến nay Hiệp Phước đã có gần 14.000 công nhân tạm trú, gấp đôi số người dân ở xã. Thanh niên trong xã, những nông dân chân lấm tay bùn ngày nào giờ đã thành những người thợ công nghiệp chăm chỉ. “Phải nhìn nhận là chính các doanh nghiệp, công nhân ở các nơi đến đây đã giúp Hiệp Phước từ một xã thuần nông, nghèo thành một xã công nghiệp, dịch vụ giàu có như hôm nay” - ông Trúng cho biết.
Dù đội ngũ công nhân chính là động lực phát triển cho những khu phố thợ, nhưng hiện nay đời sống hàng trăm ngàn công nhân đang làm trong các khu chế xuất - khu công nghiệp vẫn đầy những khó khăn. Ngay trong lòng những khu phố thợ, những người thợ góp phần xây dựng nên nó đang mòn mỏi sống một cuộc sống nghèo nàn về vật chất lẫn tinh thần.
-----------------------------------------------
Trong khi người phục vụ các dịch vụ cho công nhân mừng vì có “của ăn của để” thì người công nhân có một cuộc sống như thế nào trong những khu phố ấy?
Kỳ tới: Luẩn quẩn lương - tiền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận